Ảnh: QH |
Với việc Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được ký kết vào trung tuần tháng 3/2018 vừa qua tại Chile với sự tham gia của 11 quốc gia, trong đó có Việt Nam, các doanh nghiệp ngành dệt may kỳ vọng CPTPP sẽ tạo ra diện mạo mới cho ngành trong thời gian tới.
Nếu trước đây doanh nghiệp ngành dệt may đặt nhiều kỳ vọng vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với hy vọng TPP sẽ tạo ra sự cạnh tranh và đột phá cho ngành, thì nay thay vào đó là CPTPP. Bởi lẽ, CPTPP chính thức được ký kết sẽ tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm việc làm, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ở mỗi quốc gia thành viên.
Tuần qua, trong chương trình họp mặt hội viên của Hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM (Agtex), có một dự báo được đưa ra: ngành dệt may Việt Nam sẽ tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian tới, đặc biệt sau khi CPTPP được ký kết.
Từng phân tích về những tác động của CPTPP đối với ngành dệt may, đại diện Agtex cũng nhìn nhận, tuy CPTPP không đem lại nhiều lợi ích như TPP nhưng sẽ tạo nhiều thuận lợi cho ngành dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, thuận lợi như thế nào còn tùy thuộc vào sự chủ động cải thiện, nâng cao sức cạnh tranh của từng doanh nghiệp trong ngành.
Và vấn đề đáng bàn ở đây là doanh nghiệp dệt may phải biết cách thay đổi trong hoạt động điều hành, sản xuất, kinh doanh, sáng tạo, chấp nhận đầu tư, tạo sự đột phá..., có như vậy mới có thể tận dụng tối đa các cơ hội CPTPP đem lại. Đặc biệt khi các vấn đề thuế quan không còn là rào cản, thị trường được mở rộng với nhiều rào cản kỹ thuật đang dần bị thu hẹp.
Theo báo cáo của Agtex, trong 2 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt hơn 5 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, thị trường EU, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn đạt tốc độ dương, thị trường Mỹ tăng 15% so với cùng kỳ năm 2017. Liệu đây có là "bàn đạp" thuận lợi cho ngành dệt may Việt Nam tăng tốc sau khi CPTPP được ký kết?
Trên thực tế, theo nhìn nhận của các chuyên gia, về cơ bản thỏa thuận tự do thương mại CPTPP vẫn giữ nguyên phần lớn nội dung so với TPP, đáng chú ý là chỉ điều chỉnh tạm hoãn thực thi điều khoản liên quan tới sở hữu trí tuệ, nhằm đảm bảo sự cân bằng giữa 11 quốc gia thành viên. Đồng thời, CPTPP đã có những cam kết mở cửa thị trường, hứa hẹn đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho các quốc gia tham gia.
Tuy nhiên, phía Agtex cũng đưa ra những cảnh báo về sự cạnh tranh trực diện giữa các thương hiệu Việt Nam với thương hiệu nước ngoài khi rào cản thuế quan được xóa bỏ. Thế nên, ở khía cạnh nào đó, thuận lợi vẫn luôn song hành cùng thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp ngành dệt may không nên chủ quan. Theo đó, để đạt được mục tiêu 34 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của ngành trong năm 2018 này, không còn cách nào khác là doanh nghiệp phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh.
Xem ra áp lực đang ngày càng đè nặng lên doanh nghiệp xuất khẩu may mặc, bởi lẽ kể từ tháng 1/2019, khi xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu, Việt Nam sẽ phải tự làm tất cả giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O). Thông tin trên đã được đại diện Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực TP.HCM (Bộ Công Thương) chia sẻ tại Hội nghị họp mặt hội viên Agtex 2018.
Theo phía Phòng Quản lý xuất nhập khẩu, đây là yêu cầu bắt buộc của châu Âu đối với một số nước, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, để hỗ trợ doanh nghiệp, thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tổ chức tập huấn cho doanh nghiệp trong việc tự cấp giấy chứng nhận xuất xứ, để hạn chế bị ảnh hưởng tới việc xuất khẩu sản phẩm sang châu Âu.