Nội: Quay đầu chưa thấy bờ

PHƯƠNG QUYÊN| 12/10/2011 04:39

Khách phương xa đến chật vật vì kênh phân phối đã đành, bản thân người trong nhà muốn phát triển hàng hóa ra thị trường nội địa cũng gặp rất nhiều khó khăn. Việc các DN gỗ và thủ công mỹ nghệ Việt Nam trầy trật hơn 3 năm trời chưa tìm được thị trường trong nước dù đã “làm mưa, làm gió” ở nước ngoài là một ví dụ.

Nội: Quay đầu chưa thấy bờ

Khách phương xa đến chật vật vì kênh phân phối đã đành, bản thân người trong nhà muốn phát triển hàng hóa ra thị trường nội địa cũng gặp rất nhiều khó khăn. Việc các DN gỗ và thủ công mỹ nghệ Việt Nam trầy trật hơn 3 năm trời chưa tìm được thị trường trong nước dù đã “làm mưa, làm gió” ở nước ngoài là một ví dụ.

>>Ngoại: Đánh cả gốc, mua cả cụm

Loay hoay gỡ khó

Ngay khi ngành khai thác và chế biến gỗ gặp khó trong xuất khẩu do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, Hội Chế biến gỗ và Thủ công mỹ nghệ TP.HCM (Hawa) đã công bố triển khai và kêu gọi các DN thành viên tham gia “chiến dịch” quay lại thị trường trong nước vốn đang nằm gần như toàn bộ trong tay các DN nước ngoài.

Tuy kim ngạch xuất khẩu hơn 3 tỷ USD/năm nhưng đáp ứng cho thị trường nội địa thì quá ít, chính vì vậy đây là mảnh đất tốt cho DN trong ngành tìm cơ hội giải quyết khó khăn trước mắt.

Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch Hawa, khẳng định: “Ngay cả khi không còn căng thẳng về mặt đơn hàng như hiện nay thì thị trường trong nước vẫn đang là đích đến của các DN chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ vì tiềm năng tiêu thụ quá lớn và khả năng cạnh tranh của DN nội địa khá cao”.

Tuy nhiên, khác với các nước, đến nay Việt Nam vẫn chưa có hệ thống phân phối hoàn chỉnh. Thế nên, dù rất nhiều kế hoạch đã được vạch ra lẫn thực thi, chuyện lấy lại thị trường trong nước (vốn chưa bao giờ thuộc về DN trong ngành gỗ Việt Nam) vẫn đang ở mức khởi đầu.

“Không xét đến việc DN gỗ trong nước không quen với sản xuất quy mô nhỏ, vì chuyện này hoàn toàn có thể khắc phục được, hay chuyện khách hàng hướng ngoại, thì nguyên nhân cốt lõi nhất vẫn là thiếu hệ thống phân phối”, ông Đỗ Thanh Dũng Giám đốc Công ty Thanh Dũng, chia sẻ.

Để khắc phục tình trạng này, Hawa cũng đã nghĩ đến việc thành lập một công ty chuyên phân phối. Các thành viên sẽ góp vốn để DN chung này có thể vận hành, đưa sản phẩm của các DN đến tay người dùng. Ý tưởng chưa triển khai đã đối mặt với rất nhiều cái khó, từ việc tổ chức đến vận hành. Trong đó, nổi bật là do quan ngại DN chung, không có tính độc lập, sẽ rất dễ dẫn đến mâu thuẫn quyền lợi.

Năm 2010, tại Hội chợ Vifa Home đầu tiên do Hawa tổ chức, mô hình Ngôi nhà chung với sự góp mặt của các DN cùng ngành nhưng khác sản phẩm, như: đồ nội thất gỗ, chăn drap gối đệm, trần thạch cao, màn, rèm cửa... đã thu hút được sự chú ý của người dùng.

Từ sự đón nhận này, các DN tham gia mô hình Ngôi nhà chung cũng đã quyết định sẽ thành lập công ty chung để giải quyết vấn đề phân phối hàng. Thế nhưng, Vifa Home 2011 tổ chức từ 11 - 14/11/2011 tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Tân Bình có sự hiện diện “hoành tráng” hơn của Ngôi nhà chung, với quy mô tăng gấp ba lần nhưng việc thành lập công ty phân phối Ngôi nhà chung vẫn còn trong... dự kiến.

Tự thân vận động

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch, Giám đốc Điều hành Công ty Oseven, đáng mừng là trong điều kiện khó khăn như thế, xu hướng dịch chuyển về nội địa vẫn ngày càng nhiều.

Tuy nhiên, những DN quay về nội địa như Trường Thành, Scansia Pacific, Hoàng Anh Gia Lai, Mỹ Tài, Lâm Hoa, Lợi Phát... đều đang phải tự xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm ngoài trời cho riêng mình.

Ông Đỗ Thanh Dũng cho biết, để sản phẩm của Lâm Hoa Furniture, đến tay người dùng, ông phải mở ra ba siêu thị nội thất Thanh Dũng và sắp tới sẽ nhiều hơn để có thể tiếp cận khách hàng.

Song song với sản phẩm của Lâm Hoa Furniture ông Dũng còn đặt hàng các DN khác, làm thành một siêu thị phong phú hàng hóa để thu hút khách hàng.

Mức đầu tư cho hệ thống bán lẻ này khá cao, bù lại khách hàng cũng bắt đầu chú ý. Mức tăng trưởng 20% mỗi năm là minh chứng cho xu hướng này.

Phát triển nhanh về số lượng là hệ thống showroom của Lợi Phát. Ông Nguyễn Xuân Lộc, Phó giám đốc phụ trách khối showroom của Lợi Phát, cho biết, song song với 2.000 đại lý trên toàn quốc, bắt đầu từ năm 2009 Lợi Phát mới bắt đầu xây dựng hệ thống phân phối của riêng mình với hơn 20 showroom trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận.

Từ thành công của showroom thử nghiệm đầu tiên ở quận 6, trong vòng 4 tháng, Lợi Phát dốc toàn lực để phát triển hệ thống showroom.

Bài bản hơn cả là hệ thống phân phối Việt May. Tuy là thành viên của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai nhưng với tính độc lập, Việt May đã đầu tư khá bài bản hệ thống 3 tổng kho và 128 showroom trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh từ miền Trung vào phía Nam.

Theo ông Vũ Văn Anh, Giám đốc Truyền thông Việt May, mục tiêu của hệ thống này là phải phát triển lên đến 300 showroom để có thể vận hành trôi chảy việc phân phối sản phẩm gỗ và trang trí nội, ngoại thất trên toàn quốc.

“Trong 3 năm qua, mức độ tăng trưởng của Việt May là 300%, phân phối được 70% sản phẩm của Hoàng Anh Gia Lai. Điều này chứng tỏ quyết định xây dựng hệ thống phân phối cho thị trường nội địa là hoàn toàn đúng đắn”, ông Vũ Văn Anh khẳng định.

Vẫn cần bài bản hơn

Bắt đầu gặt hái được thành công nhưng quá trình xây dựng hệ thống phân phối tại Việt Nam không chỉ có màu hồng. “Cái khó nhất là phải đủ tiềm lực tài chính vì kinh doanh phân phối “ngốn” vốn rất lớn.

Bình quân, để một showroom đi vào hoạt động bài bản cần đầu tư đến 1,3 tỷ đồng, chưa kể giá trị hàng hóa, kho bãi...”, ông Vũ Văn Anh cho biết.

Song song với tài chính, đội hậu cần, phục vụ cho việc giao nhận hàng hóa cũng cần rất nhiều nhân lực. Bên cạnh đó, để hệ thống thương mại điện tử có thể tương thích với nhau, đơn vị phân phối còn phải đầu tư hệ thống hạ tầng công nghệ để có thể tạo nên sự kết nối đồng bộ giữa các showroom, kết nối với kho hàng...

Không chỉ đầu tư vật chất, theo ông Đỗ Thanh Dũng, hoạt động tiền mãi và hậu mãi cũng rất quan trọng. Trước đây, khi chỉ thuần sản xuất, DN chỉ chú ý thị hiếu tiêu dùng nhưng khi đã làm phân phối, DN phải biết điều tiết giữa sản phẩm của mình và của các DN khác. 

Tuy nhiên, đến nay vấn đề này vẫn chưa thể làm tốt. Các DN mở rộng nhưng quy mô liên kết với các DN khác chưa cao. Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Xuân Lộc, DN còn phải chú trọng đầu tư truyền thông, gây dựng hình ảnh cho hệ thống phân phối của mình.

Điển hình như Lợi Phát, Việt May... đều phải đồng bộ trong hình ảnh đội xe phân phối, trang trí showroom... để khách hàng có thể nhận diện được thương hiệu.

Tiềm năng lớn, sức cạnh tranh cao..., nói về thị trường trong nước, bất cứ DN gỗ, trang trí nội thất nào cũng thừa nhận, chuyện chinh phục người dùng không khó. Tuy nhiên, nếu hệ thống phân phối vẫn chỉ là hoạt động tự thân và số lượng vẫn quá hạn chế như hiện nay thì mục tiêu đó sẽ mãi là khát vọng.

Ông Nguyễn Thanh Phong tiết lộ: “Đã và đang có rất nhiều DN tính đến bài toán này. Năm 2012 hứa hẹn sẽ có rất nhiều DN phân phối đi vào hoạt động. Lỗ hổng thị trường chính là cơ hội cho họ”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nội: Quay đầu chưa thấy bờ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO