Người tiêu dùng Việt Nam lạc quan nhất khu vực về Covid-19

MQ| 28/05/2020 00:11

Theo khảo sát của MMA và Adtima cùng thực hiện thông qua nền tảng di động, người tiêu dùng tại Việt Nam ít lo lắng hơn về Covid-19 so với phần còn lại của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Người tiêu dùng Việt Nam lạc quan nhất khu vực về Covid-19

Cụ thể, 3% số người được khảo sát cho biết hoàn toàn không lo lắng gì, so với 0% tại Indonesia. 36% nói rằng họ không lo lắng nhưng có một chút dè dặt, cao hơn Ấn Độ và Indonesia với tỷ lệ lần lượt là 22% và 28%. Ngoài ra, 25% thừa nhận có một chút lo lắng, thấp hơn Indonesia (34%) và tương đương với Ấn Độ (24%). 

Đáng chú ý, tỷ lệ rất lo lắng ở Việt Nam là 36%, mức thấp so với hai quốc gia được so sánh là Ấn Độ (46%) và Indonesia (39%). Tương tự các quốc gia khác, khảo sát chỉ ra rằng, nhóm có thu nhập càng thấp thì tỷ lệ lo lắng càng cao.

Không chỉ ít lo lắng hơn người dân các nước trong khu vực, người tiêu dùng Việt Nam cũng lạc quan nhất về thời gian phục hồi lại bình thường sau dịch, với dự đoán trung bình là 2 tháng. Trong khi, người Ấn Độ cho rằng sẽ mất 3 tháng và người Indonesia ước khoảng hơn 3 tháng.

Tất nhiên, Covid-19 vẫn là sự kiện gây ảnh hưởng tiêu cực. Do đó, người tiêu dùng Việt Nam cũng có những “nỗi niềm riêng” của họ. Theo đó, mất việc hoặc ảnh hưởng đến việc làm ăn là điều họ quan tâm nhất về tác động của đại dịch, với 62% đồng ý. Ngoài ra, 37% xác nhận sẽ thiếu hụt nguồn cung cấp. Bù lại, các mối nguy về sức khỏe và xã hội lại không đáng lo bằng. Cụ thể, 55% lo bản thân hoặc người thân gia đình bị nhiễm Covid-19; 39% sợ bị xa lánh nếu nhiễm bệnh.

Covid-19 khiến 2/3 doanh nghiệp bị gián đoạn hoạt động

So với người tiêu dùng, giới doanh nghiệp chịu nhiều tác động tiêu cực rõ nét hơn nên mức độ lạc quan cũng thấp hơn. Cụ thể, hơn 2/3 doanh nghiệp tại Việt Nam (69%) được hỏi nói rằng họ đã cảm thấy sự gián đoạn hoạt động do Covid-19. Con số này thấp hơn một chút so với các láng giềng như Singapore (70%) hay Indonesia (76%) nhưng cao hơn Ấn Độ (54%).

Nhiều tổ chức uy tín cũng đã đưa ra các dự báo ảm đạm của những ngày sắp tới phía trước cho châu Á. Việt Nam cũng ngoại lệ. Các doanh nghiệp dự đoán sự gián đoạn kinh doanh sẽ tiếp tục trong một thời gian dài. Dự báo trung bình của họ theo khảo sát của MMA là phải mất 6,2 tháng để trở lại bình thường, lạc quan hơn các doanh nghiệp Singapore với 6,9 tháng và Ấn Độ là 6,5 tháng nhưng kém lạc quan hơn các doanh nghiệp Indonesia với 5,2 tháng.

Hoạt động tuyển dụng và BTL - hoạt động tiếp thị trực tiếp để phát triển thị trường, doanh số bị ảnh hưởng nhiều nhất. Do đó, các doanh nghiệp đã hoạch định lộ trình tiếp thị và quảng cáo kỹ thuật số để đối phó với tác động của Covid-19. Cụ thể, 3 giải pháp phổ biến nhất là tăng ngân sách cho các công cụ kỹ thuật số, tăng ngân sách khuyến mãi để đẩy doanh số bán hàng và tập trung hơn vào bán hàng qua thương mại điện tử. Khi tiếp cận kênh trực tuyến, có đến 56% doanh nghiệp được hỏi nói rằng, cộng đồng và người có ảnh hưởng trực tuyến sẽ đóng một vai trò lớn trong quyết định hành vi của người tiêu dùng.

Đại dịch thay đổi lớn hành vi người tiêu dùng

Đại dịch đã thay đổi lớn nhiều hành vi của người Việt, từ lối sống đến cách chi tiêu, tương tác xã hội. Trong đó, việc cắt giảm các hoạt động di chuyển diễn ra mạnh mẽ nhất. Trong cao điểm của mùa dịch, tỷ lệ người dùng đi lại bằng các ứng dụng gọi xe giảm 57%, du lịch nội địa giảm 52% và đi lại bằng phương tiện cá nhân giảm 21%.

Ngược lại, tỷ lệ người sử dụng ứng dụng để đặt hàng ở các cửa hàng gần tăng 18%, việc mua hàng tạp hóa giao tận nhà, mua sắm trực tuyến và thanh toán bằng thẻ tín dụng lần lượt tăng 14%, 9% và 3%. Điều này là do, tỷ lệ người đến cửa hàng tạp hóa, siêu thị mini, siêu thị và trung tâm thương mại đều giảm từ 36% đến 69%.

Ba mặt hàng được mua nhiều nhất mùa dịch là nước rửa tay diệt khuẩn, khẩu trang và xà phòng nước với tỷ lệ tăng trưởng người dùng là 67%, 59% và 57%. Trong khi, tiêu thụ các sản phẩm như thuốc lá, nước giải khát, rượu bia và mỹ phẩm đều giảm.

Các hoạt động trên YouTube, TV và các hoạt động tại nhà tăng trưởng nhiều nhất nhờ Covid-19. Cách ly xã hội cũng đã tạo ra một kỷ nguyên mới cho các hoạt động kỹ thuật số. Tỷ lệ người được hỏi thừa nhận đã lần đầu dùng các ứng dụng học trực tuyến là 38%, phần mềm làm việc tại nhà (25%), mua hàng tạp hóa trực tuyến (23%) và dùng các dịch vụ xem phim trực tuyến (21%).

Khi được hỏi, điều nào sự thay đổi nhất trong hành vi kỹ thuật số của người tiêu dùng do tác động của Covid-19, 66% doanh nghiệp cho rằng theo dõi tin tức trên TV và truyền thông kỹ thuật số sẽ tăng; 47% cho rằng người tiêu dùng sẽ chơi game trực tuyến nhiều hơn; 38% cho rằng các vlog sẽ có cơ hội phát triển.

Cách nắm bắt hành vi và kỳ vọng thị trường sau dịch

Theo khảo sát của MMA, hai điều cốt lõi mà khách hàng mong muốn lúc này là sản phẩm và dịch vụ có hứa hẹn lành mạnh sức khỏe và an toàn để sử dụng.  Để đáp ứng kỳ vọng này, các doanh nghiệp có thể tập trung vào 4 chiến lược, với sự tán đồng theo thứ tự khảo sát giảm dần lần lượt là: chỉ ra cách mà doanh nghiệp có thể hữu ích; thông báo về nỗ lực của doanh nghiệp; cung cấp một hướng tích cực; và không khai thác Covid-19 nhằm quảng bá thương hiệu.

Một số nhãn hàng đã thực hiện khá thành công nhưng cách tiếp cận này trong mùa dịch vừa qua. Ví dụ như Grab, KFC thực hiện các giải pháp giao hàng không tiếp xúc. California Fitness Gym có chiến dịch tăng cường khử khuẩn, phòng tập an toàn. Biti's thực hiện dự án sáng tạo "Proudly Made In VietNam - vẽ lên tự hào Việt Nam" nhằm cổ vũ và lan tỏa tinh thần chống dịch của người Việt. Coca-Cola Việt Nam tạm dừng các hoạt động quảng cáo để quyên góp ngân sách tiếp thị cho Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Covid-19 cũng mở ra hàng loạt cơ hội sắp tới cho các doanh nghiệp nắm bắt được sự thay đổi về nhu cầu và hành vi của người tiêu dùng. Khảo sát cho biết, trong lĩnh vực sức khỏe, người dùng sẽ quan tâm hơn đến vệ sinh cá nhân, tiêu thụ vitamin, thảo dược và rau quả sẽ tăng. Về cách thức mua hàng, kênh trực tuyến sẽ tiếp tục được lựa chọn nhiều hơn.

Đối với các hoạt động trực tuyến, các hoạt động livesream, trò chơi trực tuyến, truyền thông xã hội sẽ tiếp tục phát triển. Trong đó, các nội dung liên quan đến sức khỏe sẽ được tích cực tìm kiếm.

Nhìn chung, khảo sát cho rằng, sẽ có hai cơ hội lớn. Một là sự trỗi dậy của thương mại xã hội và thương mại đàm thoại, tức hình thức bán hàng thông qua kênh tương tác nhắn tin trò chuyện với khách hàng trên môi trường trực tuyến. MMA cho rằng, doanh nghiệp Việt có thể đạt được tăng trưởng 2-3 lần nếu tận dụng tốt xu hướng này.

Thứ hai, hãy nhìn nhận cuộc khủng hoảng là một cơ hội để đổi mới. Cuộc khủng hoảng giai đoạn 2008-2009 vốn đã cung cấp một bài học kinh nghiệm. Theo nghiên cứu của Gartner, chi tiêu ngân sách cho R&D của nhóm các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tăng 3,9%. Kết quả, họ đạt tăng trưởng doanh thu trước thuế 14%. Ngược lại, nhóm doanh nghiệp chậm thích ứng lại quyết định cắt giảm chi phí và dừng đổi mới sáng tạo. Kết quả, doanh thu trước thuế chỉ tăng 0-1%.

Vì vậy, nhóm chuyên gia của MMA cho rằng, thương hiệu cần tập trung vào sự đổi mới trong cuộc khủng hoảng lần này. Cùng với đó, phải luôn ghi nhớ những thay đổi hành vi của người dùng, tái tạo chuỗi cung ứng phù hợp với thế hệ tiêu dùng kỹ thuật số đang lớn mạnh sau đại dịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Người tiêu dùng Việt Nam lạc quan nhất khu vực về Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO