Ngành hàng hải Việt Nam: Vì sao hay... chìm tàu?

LA QUANG TRÍ - Giám đốc ShipOffer Corp.| 23/09/2017 06:29

Tai nạn hàng hải thường xảy ra do thời tiết xấu, tuy nhiên gần đây các vụ chìm tàu lại có khá nhiều nguyên nhân, mà đầu tiên có thể kể đến là hệ quả của "thời hoàng kim" của ngành đóng tàu, trong đó có Việt Nam.

Ngành hàng hải Việt Nam: Vì sao hay... chìm tàu?

Tai nạn hàng hải thường xảy ra do thời tiết xấu, tuy nhiên gần đây các vụ chìm tàu lại có khá nhiều nguyên nhân, mà đầu tiên có thể kể đến là hệ quả của "thời hoàng kim" của ngành đóng tàu, trong đó có Việt Nam.  

Đọc E-paper

Người ta đóng những con tàu để kiếm tiền chứ không mấy quan tâm đến chất lượng. Sau một thời gian khai thác không hiệu quả, thua lỗ, không đủ tài chính để duy tu, bảo dưỡng, những con tàu ấy bắt đầu xuống cấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi hoạt động trên biển. Thậm chí một số tàu không còn chạy tuyến quốc tế được nữa, được đưa lên đà gia cố thêm cho dài ra, tăng không gian chở hàng.

Ví dụ tàu trọng tải 3.000 tấn nâng lên 5.000 tấn, tàu 5.000 tấn nâng lên 8.000 tấn. Điều này phần nào làm ảnh hưởng đến kết cấu tàu và không đảm bảo an toàn. Đó là chưa kể vật liệu, trang thiết bị, máy móc của những con tàu này hầu hết là cóp nhặt, không còn phù hợp với vận tải biển hiện nay.

Những năm gần đây, do thị trường hàng hóa giảm nên ảnh hưởng đến lương thuyền viên, thậm chí khá nhiều chủ tàu nợ lương nhiều tháng liền, có chủ tàu còn quỵt lương, dẫn đến tình trạng thuyền viên không muốn đi tàu. Thuyền viên có chất lượng cao thì không đi tàu nội địa với mức lương chỉ 7 - 8 triệu đồng mỗi tháng. Chủ tàu đành thuê những thuyền viên kém chất lượng, thiếu ý thức làm việc.

Không ít người mua bằng giả để lên tàu làm việc. Cũng có trường hợp bằng thật, nhưng thuyền viên không được học hành bài bản mà được cấp sau khi đủ thời gian đến lớp và nộp đủ học phí. Không chuyên môn, trình độ yếu, ý thức kém thì chuyện tai nạn xảy ra do chủ quan là tất yếu.

Có tai nạn là do sự liều lĩnh của những người điều hành tàu khi ra khơi trong thời tiết không thuận lợi, không đi đúng hành trình. Nhận thức về quản lý buồng máy, buồng lái, việc cảnh giới trên buồng lái, ứng phó các tình huống khẩn cấp và vận dụng luật tránh va Colregs là những thiếu sót cơ bản của nhiều thuyền viên đang chạy tàu nội địa.

Có nguyên nhân mà hầu như những người làm nghề ai cũng biết nhưng rất ít người chú tâm, đó là chuyện chở quá tải của các tàu nội địa. Và với chính sách một cửa hiện nay, cảng vụ cũng khó kiểm tra được tất cả số tàu xuất bến có chở hàng vượt tải trọng hay không.

Chuyện biên phòng, cảnh sát biển "làm luật" thậm chí bắt giữ tàu bởi những nguyên nhân chưa được thuyết phục, như đòi hỏi hóa đơn, hợp đồng bản gốc làm cho chủ tàu mất quá nhiều thời gian và tiền bạc vào các chi phí này nên họ phải giảm lương thuyền viên, giảm duy tu, bảo dưỡng tàu, tức lấy đầu nọ bù đầu kia.

Một nguyên nhân quan trọng khác phải kể đến là các cơ quan có chức năng yếu kém trong kiểm tra chất lượng tàu. Đăng kiểm có thể cho qua những lỗi nhỏ (thường chủ tàu phải chi tiền) nhưng có thể gây hậu quả lớn. Cảng vụ có thể du di cho qua các tàu quá mớn nước nhưng có thể dẫn đến tai nạn khủng khiếp.

Một số vụ tai nạn hàng hải gần đây:
Ngày 27/3, tàu Hải Thành 26 - BLC trọng tải hơn 3.000 tấn, chở clinker từ Hải Phòng đi Cần Thơ, khi đến vùng biển cách Vũng Tàu 44 hải lý đã va chạm với tàu Petrolimex 14 khiến tàu Hải Thành bị chìm.

Ngày 1/4, tàu Minh Dương 8888 hành trình từ Sài Gòn ra Hải Phòng gồm 9 thuyền viên chở 2.786 tấn tôn cuộn, khi cách Hòn Ngoại khoảng 4,2 hải lý thì bị nước tràn buồng máy, gây hỏng máy không khắc phục được.

Ngày 3/4, tàu Nguyễn Nam Khánh 168-BLC trên đường từ Hải Phòng đi TP.HCM, khi đến vị trí cách phao số 0 Lạch Huyện 6 hải lý thì va chạm với tàu cá HP 90364TS.

Ngày 19/5, tàu Bình Dương 658 chở 970 tấn xi măng đóng bao từ Hải Phòng đi Nha Trang va chạm với tàu Hải Linh 02 chở 9850 tấn dầu DO từ Vũng Tàu về Hải phòng.

Ngày 18/6, tàu Thắng Lợi 10 của Công ty CP Thương mại Thắng Lợi chở hơn 1.000 tấn clinker từ Hải Ông đi Cần Thơ, khi cách đảo Cồn Cỏ 14 hải lý thì va phải vật thể không xác định trên biển làm tàu chìm một phần.

Ngày 17/7, tàu VTB 26 chở 4.700 tấn than đã bị chìm do sóng lớn từ cơn bão số 2.

Cũng trong ngày 17/7, tàu Đại Việt 15 của Công ty TNHH Đặng Sơn Việt ở Thái Bình với 15 thuyền viên trên tàu chở 1.785 tấn than, khi đến khu vực Hòn La thì đã bị sóng đánh chìm, gãy đôi.

Ngày 2/8, tàu Hợp Tiến 36 chở khoảng 2.000 tấn vật liệu xây dựng đến khu vực cách bờ biển Nha Trang khoảng 146 hải lý thị bị thủng vách ngăn và chìm.

Ngày 6/8, tàu vận tải Đức Cường trọng tải 4.811 tấn chở 4.597 tấn clinker từ cảng Tổng hợp Quốc tế Nghi Sơn đến cảng Long Bình, khi đi qua vùng nước cách phao số 0 của cảng Nghi Sơn 0,32 hải lý nước tràn vào buồng máy, tàu thả trôi tự do và chìm dần.

Ngày 23/8, tàu Việt Hải 06 chở hơn 3.000 tấn thép ngang qua biển Ninh Thuận thì bất ngờ thủng vỏ. Khi lai dắt vào cách bờ biển Ninh Chữ 500m thì tàu chìm, 21.000 lít dầu có nguy cơ tràn ra biển.

>>Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường đóng tàu thế giới

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngành hàng hải Việt Nam: Vì sao hay... chìm tàu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO