Năng lượng sạch: Giá sẽ giảm dần

ĐẶNG QUÝ YÊN| 10/06/2016 01:37

Năng lượng truyền thống như dầu, than đá đang ngày một cạn kiệt, gây ô nhiễm trầm trọng và làm trái đất nóng lên. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vào năng lượng sạch nhưng tại Việt Nam, giải pháp này vẫn còn hạn chế.

Năng lượng sạch: Giá sẽ giảm dần

Năng lượng truyền thống như dầu, than đá đang ngày một cạn kiệt, gây ô nhiễm trầm trọng và làm trái đất nóng lên. Nhiều doanh nghiệp (DN) nước ngoài đã đầu tư vào năng lượng sạch nhưng tại Việt Nam, giải pháp này vẫn còn hạn chế. 

Đọc -paper

Năng lượng sạch quá ít

Cuối tháng 5/2016, Tập đoàn General Electric (GE) công bố hợp tác với Bộ Công Thương phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Theo đó, từ đây tới năm 2025, hai bên sẽ cùng phát triển điện gió để tối thiểu tạo ra thêm 1 triệu kWh điện, đủ để cung cấp cho 1,8 triệu hộ dân.

GE Việt Nam là một trong những DN phát triển trang trại điện gió đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long (tỉnh Bạc Liêu). Tính đến nay, GE đã cung cấp 62 tuabin gió với tổng công suất gần 1 triệu kWh điện, đã hòa lưới điện quốc gia vào tháng 6/2013. Tuy nhiên, con số này khá nhỏ trong nguồn năng lượng ở Việt Nam. Năm 2015, sản lượng điện thương phẩm của Việt Nam đạt khoảng 141,8 tỷ kWh, chủ yếu là nhiệt điện và thủy điện.

Theo ông Jean Philippe Denruyter - chuyên gia năng lượng Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Thế giới (World Wide Fund For Nature - WWF), những thiệt hại về kinh tế khi dùng nhiệt điện là rất cao vì lượng khí thải phát sinh trong quá trình sản xuất là rất lớn. Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh (Green ID) ước tính, khi 70 nhà máy nhiệt điện than cùng hoạt động, Việt Nam sẽ bị thiệt hại với 639 triệu USD chi phí y tế do khí thải độc hại cho sức khoẻ con người.

Với thủy điện, những xáo trộn trong hệ sinh thái gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân thì ngày càng rõ hơn. Việc ngập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long và hạn hán ở Tây Nguyên là minh chứng.

Ông Jean khẳng định: "Trong tiến trình phát triển năng lượng, các nước tiên tiến đã tiến đến ứng dụng các nguồn năng lượng gió, mặt trời. Điển hình là Nicaragua hiện nay chỉ còn sử dụng 50% năng lượng truyền thống. Tương tự, các nước Đan Mạch, Ý, Nhật đều tăng tỷ lệ năng lượng sạch".

Ông Đặng Huy Cường - Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương cho biết, phát triển năng lượng tái tạo là một trong những ưu tiên của Chính phủ để giải quyết những thách thức năng lượng nhằm đáp ứng sự phát triển kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kế hoạch cụ thể về những nguồn năng lượng thay thế mà vẫn phụ thuộc vào than đá.

Số liệu từ Quy hoạch điện giai đoạn 2011-2020 cho thấy, tổng công suất nhiệt điện than ở Việt Nam là 36.000MW, sản lượng điện dự kiến đạt 156 tỷ kWh, chiếm 46,8% tổng sản lượng điện quốc gia và tiêu thụ 67,2 triệu tấn than đá. Đến năm 2030, tổng công suất nhiệt điện than tăng lên 75.000MW, cung cấp 394 tỷ kWh, chiếm 56,4% tổng sản lượng điện và tiêu thụ 171 triệu tấn than.

Theo ông Phạm Hồng Sơn - CEO GE Việt Nam: "Việt Nam là một quốc gia có nguồn tài nguyên năng lượng gió dồi dào, phân bố trên khắp cả nước. Sự đa dạng về địa lý sẽ có lợi thế lớn trong việc sử dụng điện gió với chi phí thấp". Đáng tiếc là việc khai thác nguồn năng lượng sạch, an toàn này chưa được bao nhiêu".

Doanh nghiệp phải tự tính toán

Ông Huỳnh Tiến Dũng - Trưởng Ban Quản lý Dự án WWF Chương trình Việt Nam cho biết, trong cơ cấu tiêu thụ điện, hơn 50% là phục vụ sản xuất, hoạt động của DN, tuy nhiên, so với thế giới, việc đầu tư tiết kiệm nhiên liệu và sử dụng năng lượng sạch chưa đáng kể.

Theo ông Jean Philippe Denruyter, ở các nước, DN rất quan tâm đến năng lượng xanh. Những công ty đa quốc gia như Mars, Coca-Cola, HP, IKEA... đều đã có định hướng cụ thể cho việc sử dụng 100% năng lượng tự nhiên vào 10 hoặc chậm nhất là 20 năm tới. Như IKEA chấp nhận đầu tư 1,9 tỷ USD để sử dụng toàn bộ năng lượng xanh từ năm 2015.

"Đây chính là bước chuẩn bị không thể thiếu trong quá trình phát triển DN. Không thể đợi Nhà nước triển khai các chương trình khai thác năng lượng gió, mặt trời mà chính DN phải chủ động hơn nữa trong việc đầu tư nguồn năng lượng mới", ông Jean Philippe Denruyter khẳng định.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Quyết - Giám đốc Cung ứng chuỗi Coca-Cola Việt Nam cho biết, không chỉ đáp ứng được yếu tố an ninh năng lượng, sử dụng năng lượng xanh còn có thể giúp DN tiết giảm chi phí. Năm 2014, Coca-Cola Việt Nam đầu tư giải pháp tiết kiệm năng lượng và nước, giảm tiếng ồn, nước thải, khí thải. Trong sản xuất, Coca-Cola Việt Nam dùng CNG (khí nén tự nhiên) và nguyên liệu Biomass (nguyên liệu tái tạo) để thay thế dầu FO cùng hệ thống hấp thụ nhiệt năng từ mặt trời để đun nóng nước nguyên liệu. Kết quả, đơn vị này tiết kiệm được 20% chi phí sản xuất.

Theo ông Quyết, trong điều kiện kinh tế cạnh tranh như hiện nay, DN càng sản xuất lớn thì càng phải tìm nhiều giải pháp để giảm chi phí cũng như tác động đến môi trường để tạo lợi thế. Đó chính là lý do Coca-Cola Việt Nam định hướng sử dụng năng lượng mặt trời sẽ chiếm 20 - 25% tổng nguồn điện trong sản xuất.

Tuy nhiên, để có năng lượng sạch đòi hỏi DN đầu tư lớn nhưng khả năng thu hồi vốn lại chậm. Như hệ thống năng lượng mặt trời, thời gian thu hồi vốn tính đến 10 - 20 năm. Ông Jean Philippe Denruyter tiết lộ: "Ở các nước, tuy vẫn cao hơn so với sử dụng xăng dầu, than đá, nhưng chi phí để sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió đang có xu hướng giảm dần".

Với Việt Nam, các chuyên gia dự báo, thời gian tới với sự tham gia của nhiều DN, chi phí này cũng sẽ giảm, tạo điều kiện cho DN tiếp cận năng lượng sạch dễ dàng hơn. Vấn đề đặt ra là DN phải có ý thức và chuẩn bị lộ trình cụ thể thay vì đợi "nước đến chân rồi mới nhảy".

>Người Mỹ trong "cơn sốt" năng lượng xanh

>Các nước đang phát triển sẽ dẫn đầu về năng lượng xanh

>Năng lượng xanh: Cột trụ mới của kinh tế thế giới

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Năng lượng sạch: Giá sẽ giảm dần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO