Hoạt động trở lại, doanh nghiệp cần "thuốc đặc trị" như thế nào?

Hồng Nga| 29/08/2021 06:42

TP.HCM đang trải qua những ngày giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Thành phố (TP) cũng đặt mục tiêu đến 15/9 cơ bản kiểm soát dịch bệnh. Chắc chắn tới đây, khi doanh nghiệp (DN) hoạt động trở lại, mô hình sản xuất phải linh động và các chính sách hỗ trợ phải thiết thực hơn.

Hoạt động trở lại, doanh nghiệp cần

Linh động phương án sản xuất

Sau hơn một tháng, phương án sản xuất theo 3T, “1 cung đường, 2 địa điểm” đã bộc lộ những bất cập nhất định, vì thế các DN đề nghị được thay đổi mô hình sản xuất phù hợp thực tế và điều kiện của từng DN. 

Ông Nguyễn Ngọc An - Tổng giám đốc Công ty Vissan cho biết, từ khi nhà máy có ca F0 khiến hoạt động một số khâu bị gián đoạn, công ty đã tổ chức song song 2 hình thức: vừa 3T vừa cho công nhân về nhà theo kiểu “4 xanh” (người lao động xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh, nơi ở xanh). Trong đó, riêng nhóm “4 xanh” phân chia theo nhóm và luân phiên thay đổi ca làm việc để tránh tiếp xúc. Vissan đang khôi phục sản xuất và hiện đã đạt gần 100% công suất nhà máy. 

“Không có phương án nào tối ưu và vẫn có những rủi ro nhất định bởi hiện nay số ca nhiễm quá nhiều. Tùy theo ngành hàng và điều kiện thực tế, nên cho phép doanh nghiệp chọn mô hình phù hợp nhất để có thể vừa hoạt động vừa bảo đảm sức khoẻ người lao động”, ông Nguyễn Ngọc An nói.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Đặng Hiến - Tổng giám đốc Công ty Tân Quang Minh (Bidrico), công ty vẫn giữ mô hình 3T nhưng luân chuyển lao động. Để bảo toàn nguồn lao động với 300 người đang làm việc tại nhà máy, Bidrico chia họ thành nhiều ca và luân phiên nhau nghỉ. Để bảo đảm an toàn cho người lao động và bảo vệ nguồn “lao động sạch”, Bidrico xây thêm nhà lưu trú mới, dành để cách ly người lao động sau thời gian họ về nhà và trở lại nhà máy làm việc. 

Cũng chọn phương án 3T để tiếp tục sản xuất nhưng Công ty Mebipha không luân chuyển công nhân mà cho họ “ở yên tại nhà máy”. Bà Lâm Thuý Ái - Chủ tịch Công ty Mebipha cho biết, để kéo dài thời gian thực hiện mô hình sản xuất 3T, DN phải chăm lo an sinh xã hội cho người lao động để họ yên tâm. “Công ty vẫn chọn 3T nhưng đề xuất cho phép DN chủ động và cam kết thay thế lao động khi những người đang thực hiện 3T không muốn tiếp tục làm việc nữa”, bà Lâm Thuý Ái đề xuất. 

Đại diện cho DN các quận huyện, ông Nguyễn Viết Toàn - Chủ tịch Hội doanh nghiệp quận Tân Phú cho hay: Có rất nhiều DN gặp khó khăn vì mô hình sản xuất thời gian qua không phù hợp. Nhiều DN nhập hàng về sản xuất nhưng từ tháng 4, tháng 5 đến nay vẫn còn vướng bởi việc giãn cách, trong khi DN phải chịu thuế VAT, thuế nhập khẩu, thuế lưu bến bãi cho đến thời điểm này. 

san-xuat-6678-1630211343.jpg

Các DN sản xuất 3T gặp nhiều khó khăn

Ông Toàn phản ảnh: Không chỉ vậy, các DN nhỏ và vừa ở các quận huyện nhiều tháng nay không sản xuất được nhưng vẫn phải trả chi phí mặt bằng. DN muốn đóng cửa, trả mặt bằng cũng không được vì đối tác cho thuê đòi phạt hợp đồng. Người lao động cũng không được giảm tiền thuê nhà trọ, một số trường hợp còn bị chủ nhà phạt tiền trả trễ hạn.

Không chỉ DN trong nước, các DN FDI cũng khó khăn về nhân lực. Ông Furusawa Yasuyuki - Tổng giám đốc Aeon Việt Nam, đại diện cho 8 công ty thành viên trong Tập đoàn Aeon tại Việt Nam cho biết, trong hời gian TP thực hiện giãn cách nghiêm ngặt, Aeon thiếu nhân lực vận hành ở các siêu thị. Bên cạnh đó, việc các shipper không được hoạt động cũng gây khó khăn cho việc cung cấp hàng hóa tới người tiêu dùng do lực lượng “đi chợ hộ” không đủ đáp ứng.

Chính sách hỗ trợ nào thỏa mãn? 

Tiêm vaccin đầy đủ cho người lao động là yêu cầu đầu tiên các DN kiến nghị với TP thực hiện trong thời gian tới. Bên cạnh đó, nhiều DN kiến nghị được giảm thuế, phí, hỗ trợ tài chính… 

Cụ thể, Hiệp hội Thương mại Mỹ (Amcham) đề nghị giảm thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập DN, giảm lãi suất cho vay…đối với DN nhỏ và vừa. 

Trong khi đó, ông Furusawa Yasuyuki cũng kiến nghị nên kéo giãn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, BHXH và BHYT. Lộ trình có thể xem xét, có thể lùi thời hạn nộp từ 3-6 tháng và áp dụng trong 6 tháng để giúp các DN có đủ nguồn lực tài chính tạm thời cho nhân viên, duy trì sản xuất - kinh doanh trong thời gian dịch bệnh. 

Ông Nguyễn Viết Toàn cho rằng, bên cạnh các chính sách của Chính phủ, để hỗ trợ DN hoạt động sản xuất trở lại, TP cần giảm ngay, khoanh vùng và giãn nợ các khoản thuế, phí trong đó có cả thuế, phí của các DN nhập khẩu nguyên vật liệu về để sản xuất. Việc này sẽ giúp DN quay vòng vốn một cách tốt nhất trong thời điểm này. 

Cũng như thế, bà Lâm Thuý Ái “mong muốn Nhà nước sớm ban hành chính sách hỗ trợ thuế, tiền thuê đất, giảm lãi suất, giãn nợ cho DN và kéo dài các chính sách hỗ trợ cho các DN đến hết quý I/2022. Bên cạnh đó, cho phép DN khấu trừ chi phí phòng chống dịch Covid-19 để duy trì sản xuất trong các khoản nộp ngân sách Nhà nước”. 

Hi-nh-3-2-JPG-4097-1630211343.jpg

Doanh nghiệp cần nhiều chính sách hỗ trợ để có thể vượt khó khăn

Thời gian qua, đã có nhiều gói hỗ trợ tài chính cho DN bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nhưng DN rất khó tiếp cận. 

Cũng theo bà Thuý Ái, hiện nay DN cần vay vốn 0% để trả lương cho người lao động, phục hồi sản xuất kinh doanh hoặc trả lương cho người lao động bị ngừng việc, thế nhưng, điều này không dễ. Vì thế bà Thuý Ái kiến nghị: nên đơn giản hoá các thủ tục hành chính để hỗ trợ người lao động và DN, đồng thời có những hướng dẫn chi tiết về các trường hợp người lao động được trợ cấp. 

“DN có tồn tại được thì mới tạo công ăn việc làm cho người lao động, tạo giá trị gia tăng cho đất nước. Nếu không có những phương án linh hoạt hỗ trợ cho người lao động và những giải pháp hiệu quả cho DN thì thiệt hại rất lớn không chỉ cho DN mà còn cho cả nền kinh tế”, bà Thuý Ái nói.

GS. Phạm Hồng Cương - Giảng Học viện công nghệ Wentworth Boston, Hoa Kỳ:

3 chiến lược cơ bản để DN nhỏ và vừa tồn tại trong đại dịch

Thứ nhất là đầu tư mạnh vào chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, quy trình sản xuất. Việc áp dụng chuyển đổi số sẽ giúp DN cải thiện kinh doanh, tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho khách hàng. Trong đó, việc sử dụng các phần mềm thông minh giúp DN quản lý quy trình sản xuất, nhân công, khách hàng và nhờ bán hàng trực tuyến các DN dễ dàng quảng bá thương hiệu đến khách hàng. 

Thứ hai là mở rộng dải sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Các DN vừa và nhỏ nên sáng tạo ra sản phẩm mới để tồn tại và phát triển bền vững. 

Thứ ba và cũng đã điều quan trọng nhất, trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay, các DN nên giữ vững đạo đức trong kinh doanh, hướng đến các sản phẩm có giá trị, giúp ích cho cộng đồng. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hoạt động trở lại, doanh nghiệp cần "thuốc đặc trị" như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO