Hỗ trợ doanh nghiệp: “Nước xa có cứu được lửa gần?”

Hồng Nga| 25/04/2020 05:00

Nếu các gói hỗ trợ từ Chính phủ không nhanh chóng được triển khai thì số doanh nghiệp ngừng hoạt động càng tăng cao bởi dịch Covid-19.

Hỗ trợ doanh nghiệp: “Nước xa có cứu được lửa gần?”

Khó cầm cự

Kể từ đầu tháng 4 đến nay, các doanh nghiệp (DN) ngành may mặc, da giày điêu đứng vì không xuất được hàng và không có đơn hàng mới. Ông Nguyễn Chí Trung - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Gia Định cho biết, Công ty đã dừng sản xuất và cho 5.400 công nhân nghỉ việc. Hiện chỉ còn khoảng 600 người ở các bộ phận văn phòng, kho, hậu cần... được giữ lại để làm các công đoạn sau sản xuất. Và dù đã cho nghỉ việc gần ba tuần nay nhưng Công ty vẫn chưa thể giải quyết chế độ cho số lao động này vì số tiền quá lớn, trong khi dòng tiền của Công ty còn quá ít vì không có đầu ra.

Cũng theo ông Nguyễn Chí Trung, kể từ đầu tháng 3, hàng hóa làm ra chuẩn bị xuất đi thì đối tác nhập khẩu ở thị trường châu Âu và Mỹ yêu cầu dừng lại. Hiện tại, có đến 50% đơn hàng may mặc của đối tác ở hai thị trường này thực hiện xong đang nằm kho. Hơn 90% lượng giày dép chủ yếu xuất đi Mỹ và châu Âu, khách hàng cũng ngưng nhận. 

Đầu ra không có, các dây chuyền dừng hoạt động nên ông Nguyễn Chí Trung cùng lãnh đạo Công ty Gia Định đành trông chờ vào đề xuất “dùng quỹ kết dư quỹ bảo hiểm xã hội để trả lương cho người lao động khi phải nghỉ việc vì thiếu việc làm” mà VCCI đang kiến nghị Chính phủ. Như vậy sẽ giảm được phần nào gánh nặng giải quyết lao động thất nghiệp trong thời điểm khó khăn hiện nay. Thế nhưng, “đến nay vẫn chưa có thông tin gì”, ông Nguyễn Chí Trung lo lắng nói.

Cũng bi đát như Gia Định, từ đầu tháng 4, Công ty TNHH MTV Sản xuất - Thương mại Nhập khẩu Phước Thạnh đã cho 90% người lao động nghỉ việc vì không có đơn hàng. Ông Nguyễn Xuân Tú - Giám đốc Công ty Phước Thạnh cho biết, khoảng 90% sản phẩm của Công ty xuất khẩu đi thị trường châu Âu, nhưng từ khi dịch bệnh bùng phát, khách hàng tại Ba Lan, Áo, Thụy Điển, Bỉ... đề nghị lưu hàng lại kho Phước Thành trong vòng hai tháng.

Link bài viết

Dù sản xuất đình trệ nhưng mỗi tháng Công ty phải chi khoảng 1,2 tỷ đồng để trả lương cho người lao động (khoảng 700-800 triệu đồng), tiền thuê mặt bằng (250 triệu đồng) cùng lãi vay ngân hàng (khoảng 150 triệu đồng). Để duy trì Công ty, ông Nguyễn Xuân Tú phải làm hàng gia công cho một số cơ sở quen. “Lâu nay, nguồn tiền cho hoạt động của Công ty lấy từ việc thế chấp nhà cửa để vay vốn ngân hàng nên việc trả lãi vay đang rất nan giải. Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài một vài tháng nữa, tình trạng kiệt quệ sẽ đến gần hơn”, ông Nguyễn Xuân Tú chia sẻ.

Hiện nay, không ít DN có tình cảnh giống Phước Thạnh, Gia Định. Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM mới đây, có 22% DN cho biết sản xuất, kinh doanh cầm chừng, có 23% DN đóng cửa, tạm ngưng hoạt động... Vì không xuất được nên nguồn tài chính cho hoạt động rất khó khăn. Trong đó, 51% DN không có doanh thu, doanh thu không đủ trả lương, mặt bằng, lãi vay, thuế, bảo hiểm xã hội. Có 14% DN vay ngân hàng đến hạn trả lãi, 2,6% DN bị nợ quá hạn, không trả lãi ngân hàng được.

Theo dự báo của Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, đến cuối tháng 4 này, toàn bộ DN hội viên có thể ngừng hoạt động với 1,2 triệu lao động bị ảnh hưởng.

“Nước xa có cứu được lửa gần?”

Để giải quyết những khó khăn trong thời điểm này, các DN đều phải “tự cứu” trước khi chờ cứu. Giám đốc Nguyễn Xuân Tú cho biết, ông phải vay tiền người quen để duy trì hoạt động và giữ người lao động. “Sau nửa tháng cho công nhân nghỉ việc, ngày 15/4/2020 vừa qua, Công ty đã kêu 30% lao động trong số 90% cho nghỉ trước đó quay lại làm việc. Biết là sẽ khó hơn nữa nhưng không giữ họ thì khó có được người khi có đơn hàng trở lại”, ông Nguyễn Xuân Tú chia sẻ.

Hiện tại, có nhiều giải pháp được DN đưa ra, như rà soát, điều chỉnh ngân sách, cắt giảm một số hoạt động, dự án để tăng cường vốn cho sản xuất, kinh doanh, kêu gọi người lao động đưa ra sáng kiến tiết kiệm chi phí. Để có nguồn vốn xoay xở trong thời điểm khó khăn, DN phải tìm nguồn vốn mới từ người thân, vay bên ngoài. Tuy nhiên, cho đến nay các giải pháp ấy cũng là tạm thời và chỉ giúp DN cầm cự qua giai đoạn khó khăn này. Nếu dịch bệnh kéo dài, chỉ có 18% DN có khả năng duy trì hoạt động 5-6 tháng, 17% DN duy trì hoạt động trong 3 tháng, 10% DN duy trì trong một vài tháng và 11,5% sẽ phá sản.

Theo các DN, vấn đề cấp thiết hiện nay là Chính phủ phải nhanh chóng thực hiện việc miễn, giảm các loại thuế, như thuế thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng, phí bảo hiểm xã hội, giãn nộp thuế, phí, giãn nợ vay ngân hàng, hỗ trợ vay vốn ngân hàng lãi suất thấp, hoặc lãi suất 0% để DN trả tiền lương công nhân và để có tài chính hoạt động trở lại.

Nguy cơ phá sản đang gần kề nhưng các chương trình hỗ trợ từ Chính phủ vẫn chưa tới được DN. “Chúng tôi có nghe nhiều gói hỗ trợ của Chính phủ về vay ưu đãi, giản thuế, bảo hiểm... nhưng đến nay vẫn chưa thấy đâu. Rất mong những gói hỗ trợ này được triển khai kịp thời, đừng để khi DN đuối sức hoặc không còn hoạt động rồi mới tới”, ông Nguyễn Xuân Tú nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hỗ trợ doanh nghiệp: “Nước xa có cứu được lửa gần?”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO