Gỗ Việt và khát vọng của thế hệ F1

PHƯƠNG QUYÊN, ĐẶNG QUÝ YÊN| 27/06/2016 06:30

Nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam cũng đang gây dựng "đội ngũ F1".

Gỗ Việt và khát vọng của thế hệ F1

Để chuẩn bị cho nguồn nhân lực kế thừa, ở nhiều quốc gia, việc đào tạo và khuyến khích thế hệ kế cận đã được các doanh nghiệp (DN) ngành gỗ thực hiện từ lâu. Nguồn sinh khí và sáng tạo từ những người trẻ là tiềm năng để mang đến những bứt phá cho ngành. Đáng mừng là nhiều DN chế biến gỗ Việt Nam cũng đang gây dựng "đội ngũ F1".

Đọc E-paper

Tháng 10/2015, gặp nhau tại 1st ASEAN Youth Furniture Entrepreneur Exchange - chương trình giao lưu thế hệ thứ 2 của các công ty ngành gỗ ở các nước ASEAN do Hiệp hội Đồ gỗ Singapore tổ chức, những doanh nhân trẻ Việt Nam mới bắt đầu nhen nhóm ý định thành lập một tổ chức chung. F1 - câu lạc bộ dành riêng cho những anh chị em có mục tiêu tiếp nối và phát triển việc kinh doanh của gia đình trong ngành chế biến gỗ, bao gồm cả gỗ nội và ngoại thất để cùng chia sẻ hệ giá trị và định hướng phát triển ngành.

Thành viên tham gia F1 đến từ những thương hiệu lớn như Scansia Pacific, Minh Dương, Minh Phát, Đức Lợi, Tân Thành, Thanh Hòa, Thái Trịnh, Đại Thành, Đức Việt... Tiếp quản DN đã có độ phát triển ổn định, F1 đang thừa hưởng sự thuận lợi nhưng cũng đón nhận nhiều thách thức trong "sân chơi" toàn cầu.

Liên kết để tạo sức mạnh

Không có nhiều doanh nhân trẻ có định hướng từ đầu tham gia vào ngành chế biến gỗ, nhất là việc kế nghiệp. Theo các thành viên F1, áp lực duy trì công việc kinh doanh ở quy mô lớn khác với việc gây dựng startup, cơ hội thử và sai gần như là không có. Điều này làm hạn chế khả năng đưa các ý tưởng mới mẻ vào việc sản xuất đồ gỗ.

"Nhiều lợi thế cạnh tranh trước 2016 của chúng ta đang dần không còn là lợi thế nữa. Mặt khác, các DN Trung Quốc, Malaysia... đang chuyển nhà máy sang Việt Nam, cạnh tranh trực tiếp với DN trong nước, tạo áp lực rất lớn cho ngành đồ gỗ”, bà Dương Thị Minh Tuệ - "hậu duệ” của Công ty Minh Dương nhận xét.

Lợi thế nhân công giá rẻ hiện nay, trong quan sát của những người kế thừa, cũng sẽ không duy trì lâu. "Nhiều chính sách trói buộc hoạt động của DN, làm tăng chi phí và giảm sức cạnh tranh. Ví dụ, quy định về giờ tăng ca cho phép hiện là 300 giờ/năm, còn thấp so với khu vực, như ở Trung Quốc hiện là 1800 giờ/năm", đại diện các doanh nhân gỗ trẻ chia sẻ.

Theo bà Dương Thị Minh Tuệ, qua việc giúp những thành viên F1, DN gỗ có thể cùng nhau tìm cách giải quyết những khó khăn sắp tới của ngành. Nếu như cách đây 2 năm, DN Việt Nam chưa thể đáp ứng đơn hàng của Ashley Furniture Industries - công ty chuyên sản xuất và phân phối các sản phẩm nội thất trên toàn Bắc Châu Mỹ vì lượng hàng quá lớn, phong phú thì nay, với việc liên kết lại với nhau, cùng chia sẻ đơn hàng, DN Việt Nam đã làm được điều đó.

Một khó khăn khác là biên độ lợi nhuận của việc gia công đồ gỗ ngày càng thấp vì thị trường thế giới đang định vị Việt Nam là "xưởng gia công giá rẻ”. Dù xuất khẩu nhiều nhưng Việt Nam chưa có tên trên bản đồ thiết kế đồ gỗ nội ngoại thất của khu vực và thế giới.

Để thoát được "lời nguyền gia công", việc đầu tiên của F1 phải làm là tổ chức đầu tư thiết kế để tăng giá trị gia tăng cho ngành - điều mà thế hệ DN gỗ hiện nay đã định hướng nhưng vẫn chưa làm được.

"Chiến lược đẩy mạnh thiết kế sẽ làm ngành gỗ Việt Nam phát triển theo hướng khác, giá trị hơn bởi giá trị bình quân của sản phẩm gỗ sẽ tăng khoảng 50 đến 60% so với nguyên liệu đầu vào, nếu có được thiết kế riêng", ông Trần Anh Vũ - Giám đốc Liên Thành Furniture cho biết.

Vẽ lại đường đua

Bên cạnh chiến lược gia tăng biên độ lợi nhuận, việc tìm kiếm, sử dụng những nguồn nguyên liệu bền vững có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng cũng được F1 tính toán đến.

Theo F1, xu hướng người tiêu dùng đồ gỗ hiện nay đã thay đổi, không còn quá chú trọng đến các loại gỗ quý mọc tự nhiên và xem đó là một phần gia tài. Họ quan tâm nhiều đến các loại gỗ trồng có chứng chỉ rừng ở trong nước hoặc gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ Nam Mỹ, châu Âu... có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đầu tư để có thể tự cung cấp nguyên liệu giúp ngành gỗ Việt Nam nói chung và DN nói riêng tránh được rủi ro ở các thị trường khó tính.

Hiện tại, đã có một số quốc gia ngần ngại với gỗ Việt Nam vì xuất xứ nguồn nguyên liệu. Trước mắt, một số thành viên của nhóm doanh nhân F1 đang tham gia vận động và hỗ trợ những hộ dân trồng rừng nhỏ lẻ làm chứng nhận FSC (Hội đồng Quản lý rừng), chứng chỉ công nghệ các sản phẩm từ gỗ được sản xuất dưới một hệ thống quản lý rừng có trách nhiệm. Tiếp đó là kêu gọi, đầu tư trồng rừng gỗ lớn, điều chỉnh mật độ cây trồng, tỉa thưa và giữ gỗ trên 7 năm để cho ra tỷ lệ gỗ lớn ngày càng cao.

Doanh nhân F1 cũng đang hợp tác với các tổ chức phi chính phủ đẩy nhanh tiến độ chứng nhận FSC cho nguyên liệu gỗ Việt Nam.

"Các DN chế biến gỗ quốc tế đã và đang dịch chuyển sang Việt Nam để tận dụng lợi thế, đường đua sòng phẳng chứ không có lợi thế riêng cho DN Việt, nếu không tính toán tốt, sẽ khó cạnh tranh", bà Tuệ chia sẻ.

Đánh giá về sự tham gia của thế hệ F1, ông Trần Anh Vũ cho biết: "Hầu hết những thành viên F1 đều được hưởng nền giáo dục ở nước ngoài và có thời gian trải nghiệm ở thị trường các nước, tiếp thu kinh nghiệm và cơ sở vật chất từ thế hệ trước nên mở ra nhiều hướng đi mới cho ngành.

Theo ông Vũ, đã có những kết quả đầu tiên trong đóng góp của thế hệ F1, đơn giản nhất là làm cho bức tranh kinh doanh của DN sáng sủa hơn như Đức Lợi, Minh Dương, Scansia Pacific...

Đơn cử, nếu như ngày trước, Minh Dương chưa có lợi thế nhiều ở thị trường Mỹ thì nay với việc kết nối, tạo quan hệ mới của người kế thừa, doanh số xuất khẩu đã tăng đáng kể. Một số DN khác cũng bắt đầu có những kết quả tương tự.

Sức trẻ và những chiến lược mạnh mẽ của F1 đang thắp lên hy vọng đột phá cho ngành gỗ Việt Nam.

Không thể bỏ qua thị trường trong nước

Điều DN gỗ Việt Nam nhiều năm nay khát khao theo đuổi nhưng vẫn chưa làm được là tìm lại thị trường trong nước cũng được thế hệ F1 xác định sẽ tiếp nối. Bước đầu tiên trong kế hoạch này là các DN thành viên F1 như Scansia Pacific, Minh Dương, Minh Phát, Đức Lợi, Tân Thành... sẽ cùng nhau tổ chức một showroom để có không gian gặp gỡ, ghi nhận nhu cầu người dùng đồng thời giới thiệu sản phẩm.

"Hiện ở thị trường trong nước, hàng Trung Quốc chiếm lợi thế nhưng thế hệ người dùng mới đang dần thay đổi xu hướng. Nếu doanh nhân trẻ cùng liên kết để tiếp cận được đối tượng khách hàng này, việc phân phối đồ gỗ ở Việt Nam sẽ rất khác", ông Trần Anh Vũ dự báo.

>Xuất khẩu đồ gỗ: Cách chinh phục thị trường Nhật Bản

>Đồ gỗ: Lúng túng ở thị trường nội địa

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Gỗ Việt và khát vọng của thế hệ F1
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO