Giải pháp cho doanh nghiệp trong khủng hoảng Covid-19 (Kỳ 1)

Julien Brun *| 13/05/2020 01:00

Cuộc khủng hoảng do dịch bệnh Covid-19 đã làm thay đổi chuỗi vận hành của các công ty trên toàn thế giới. Các doanh nghiệp đang có các kế hoạch ứng phó, nhưng điều làm gia tăng trầm trọng tác động của đại dịch nằm ở tính toàn diện và bất ngờ.

Giải pháp cho doanh nghiệp trong khủng hoảng Covid-19 (Kỳ 1)

Tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế

Đại dịch đã cho thấy mức độ phụ thuộc của các quốc gia lên một số nhà sản xuất trên thế giới và cụ thể là các nhà máy tại Trung Quốc. Các biện pháp ứng phó của chính phủ rất hao tổn khi tốc độ lây lan rộng khắp của đại dịch và khả năng xuất hiện một làn sóng dịch bệnh khác khó có thể lường trước được. Hơn bao giờ hết, sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu trông chờ vào sự ra đời của vắc xin y tế.

Tác động của đại dịch bệnh không kiêng nể bất kỳ nền kinh tế hay loại hình doanh nghiệp. Tỷ lệ tăng trưởng năm được dự báo sụt giảm còn 1,5% thay cho dự báo trước đó 2,4% theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). 

Các lĩnh vực từ bất động sản, logistics, hàng tiêu dùng, xây dựng, sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp đã và đang bị kéo theo trong làn sóng từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 lên sản xuất. Theo kết quả khảo sát được thực hiện trong cuối tháng 3 và hai tuần đầu tháng 4/2020 của CEL, gần 60% doanh nghiệp gặp vấn đề nghiêm trọng cả về cung và cầu. Đại dịch làm suy yếu chuỗi cung ứng khi hàng tồn kho cạn kiệt nhanh chóng, cùng với sự sụt giảm nhu cầu làm đứt đoạn dòng tiền của doanh nghiệp.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), kể từ khi dịch bệnh bùng phát, hoạt động sản xuất tại Trung Quốc trở nên đình trệ dẫn đến việc sản lượng hàng hóa xuất khẩu duy trì ở mức thấp. Qua đó, nhiều hãng tàu quốc tế đã phải bỏ chuyến ở một vài cảng của Trung Quốc do lượng hàng quá ít. Một số mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc chịu tác động kép từ điều này, ví dụ như vải, sơ, sợi, sắt thép, đã phải chứng kiến sự sụt giảm sâu về giá trị trong hai tháng đầu năm 2020. Điều này đồng nghĩa với việc công suất hoạt động của mỗi mắt xích trên chuỗi giá trị đều có thể gây tác động mạnh mẽ đến phần còn lại.

Trong một diễn biến khác, một số ít lĩnh vực sản xuất khẩu trang, vật tư y tế và lương thực đón nhận đơn hàng phát sinh từ các khu vực đang chống chọi căng thẳng với đại dịch bệnh như châu Âu và Mỹ. Đại dịch càng thúc đẩy các nhà đầu tư tương lai trong làn sóng dịch chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á. Ngoài ra, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và khối châu Âu (EVFTA) được phê chuẩn mang lại tiềm năng cho nền kinh tế Việt Nam so với các nước trong khu vực. 

Doanh nghiệp thích nghi với chuỗi cung ứng linh hoạt 

Biti's nhanh chóng thay đổi danh mục sản phẩm để theo kịp xu hướng mới của thị trường, cho ra mắt dòng sản phẩm giày mới với thông điệp cổ vũ cuộc chiến chống đại dịch trong đó “không ai bị bỏ lại”. Samsung đã phải vận chuyển bằng đường hàng không các linh kiện điện tử từ Trung Quốc sang các nhà máy tại Việt Nam. Các doanh nghiệp chuyển sang phát triển các kênh bán hàng trực tuyến phục vụ “nền kinh tế ở nhà” khi các nhu cầu phát sinh từ dạy học trực tuyến, chơi game và xem phim, ứng dụng chăm sóc sức khỏe từ xa, mua sắm hộ… Bên cạnh đó, nhu cầu đột biến về giao hàng tại nhà tại thời điểm cách ly xã hội cũng kéo theo một lượng nhu cầu tuyển dụng nhân sự nhất định ở các doanh nghiệp lĩnh vực giao hàng chặng cuối.

Việc cần làm của các doanh nghiệp khi ứng phó với đại dịch bệnh Covid-19 và các tình huống cấp bách là xây dựng và củng cố kế hoạch kinh doanh không gián đoạn (BCP - Business Continuity Plan) nhằm ứng phó với các tình huống rủi ro mang tính bất ngờ. Việc tập trung vào tài chính và nguồn cung cầu cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ là giải pháp cần kíp trong lúc này. 

* Giám đốc Đối tác Công ty Tư vấn Quản trị Cung ứngCEL

Xem tiếp Kỳ 2

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giải pháp cho doanh nghiệp trong khủng hoảng Covid-19 (Kỳ 1)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO