Gạo Việt chinh phục thị trường thế giới bằng thương hiệu riêng

Hồng Nga| 19/07/2022 06:19

Là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới và giờ đây, gạo Việt đã chinh phục thế giới bằng thương hiệu riêng với những cơ hội tăng trưởng mới.

Gạo Việt chinh phục thị trường thế giới bằng thương hiệu riêng

Gạo Việt xuất khẩu nay đã có thương hiệu và không còn vô danh

Gạo Việt hết vô danh

Những ngày qua, ngành lúa gạo khởi sắc khi các bao gạo mang thương hiệu riêng của doanh nghiệp (DN) Việt đã xuất khẩu sang các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản. Sau rất nhiều năm xuất khẩu dưới dạng đóng bao trơn vô danh hoặc phải đóng gói dưới thương hiệu của nhà nhập khẩu nước ngoài, gạo Việt Nam đã chinh phục thị trường bằng những thương hiệu “Made in Vietnam”.

Cụ thể, trong tháng 7/2022, Tập đoàn Lộc Trời giao 500 tấn gạo thương hiệu “Cơm Việt Nam Rice” đến thị trường Đức, Hà Lan, Pháp. Tại Pháp, “Cơm Việt Nam Rice” được bày bán trong Carrefour - hệ thống siêu thị lớn nhất châu Âu.

Theo đại diện Tập đoàn Lộc Trời, kể từ khi xuất khẩu lô hàng đầu tiên vào thị trường châu Âu theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (tháng 9/2020) đến nay, Lộc Trời đã xuất khẩu khoảng 30.000 tấn gạo sang thị trường châu Âu. Đây là lần đầu Lộc Trời xuất khẩu gạo mang thương hiệu riêng sang thị trường khó tính này, và cũng là bước khởi đầu trong hành trình đưa thương hiệu gạo của Tập đoàn chinh phục thị trường thế giới.

Cũng trong tháng 7/2022, tại thị trường Nhật Bản, 100 tấn gạo ST25 mang thương hiệu A An của Tập đoàn Tân Long đã chính thức lên kệ các siêu thị để bán trực tiếp cho người tiêu dùng nước này. Đây là lần đầu tiên một thương hiệu gạo Việt xuất khẩu và phân phối thành công tại xứ sở mặt trời mọc, một trong những thị trường yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng cao nhất thế giới. Nhiều năm nay tại thị trường Nhật Bản, gạo Việt Nam chưa đủ sức cạnh tranh với gạo của Thái Lan, Trung Quốc…Vì vậy, gạo Việt vào thị trường Nhật Bản chủ yếu qua đường phi mậu dịch với số lượng không đáng kể và chủ yếu dùng làm nguyên liệu chế biến các thực phẩm khác như bánh, tương miso…

Không dừng lại ở thị trường Nhật Bản, đại diện Tập đoàn Tân Long cho biết, trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm gạo chủ lực khác như ST24, ST24 Organic và Japonica sang Nhật, để người Nhật và cộng đồng người châu Á, đặc biệt là kiều bào Việt Nam tiếp cận và sử dụng các sản phẩm gạo đặc sản chất lượng cao của Việt Nam. Không dừng lại ở đó, sau Nhật Bản, Tân Long đang tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sang các thị trường lớn tiềm năng khác như Mỹ, EU.

-8570-1658210092.jpg

Gạo thương hiệu Việt đã thâm nhập thị trường châu Âu

Không chỉ có Lộc Trời, Tân Long, trước đó, trong năm 2020, Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An cũng đã xuất khẩu gạo mang thương hiệu Trung An vào thị trường châu Âu. Ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty Trung An cho biết, hiện toàn bộ gạo của công ty bán vào châu Âu đều được đóng bao bì nhãn mác thương hiệu Trung An. Sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu Trung An hiện chiếm khoảng 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của công ty.

Nhiều cơ hội tăng trưởng

Gạo Việt Nam đã có mặt ở hơn 100 thị trường trên thế giới và kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian qua. Theo Cục Xuất khẩu - Bộ Công Thương, đối mặt với nhiều thách thức nhưng 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gạo Việt vẫn tăng trưởng 12,3% về lượng và 0,7% giá trị so với cùng kỳ năm ngoái khi đạt 3,11 triệu tấn với trị giá 1,52 tỷ USD. Trong đó, có rất nhiều DN tăng trưởng vượt bậc. 

Đơn cử, 6 tháng đầu năm 2022, Công ty Angimex đã xuất khẩu 188.806 tấn, tăng 346% so cùng kỳ năm 2021, doanh thu đạt 2.161 tỷ đồng, tăng 306% so cùng kỳ năm 2021. Tương tự, Công ty Trung An đạt mức tăng trưởng 68% về sản lượng và 37% kim ngạch xuất khẩu so cùng kỳ năm trước. Với sản lượng vụ Hè - Thu của công ty ước đạt 9 triệu tấn lúa, sản lượng gạo xuất khẩu sẽ tăng mạnh trong những tháng cuối năm nay. 

“Xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay tương đối tốt, với tình hình khan hiếm lương thực của thế giới như hiện nay, trong đó có lúa gạo, nên gạo xuất khẩu của Việt Nam từ nay đến cuối năm sẽ tốt. Bộ Công Thương và Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự báo, trong năm 2022 sẽ xuất khẩu khoảng 6,3 - 6,4 triệu tấn gạo, tăng hơn năm ngoái khoảng 20.000 tấn. Điều đáng nói là giá cả tương đối ổn định”, ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An nhận định. 

Các DN xuất khẩu gạo cũng khẳng định, nhu cầu thị trường trong 6 tháng cuối năm vẫn tốt, thêm vào đó, giá xuất khẩu tiếp tục giữ vững ở mức cao, thậm chí có thể còn tăng do ảnh hưởng xung đột với Nga nên Ukraine không xuất khẩu lúa mì, kéo theo giá ngũ cốc và lúa mì tăng cao. Những yếu tố này được đánh giá có lợi cho xuất khẩu gạo của Việt Nam.

-1218-1658210092.jpg

Angimex không chỉ liên kết với nông dân phát triển vùng trồng mà còn đầu tư các nhà máy xay xát gạo hiện đại

Ông Huỳnh Thanh Tùng - Tổng giám đốc Công ty Angimex cũng đánh giá cao cơ hội tăng trưởng xuất gạo của Việt Nam. Xuất khẩu gạo 6 tháng cuối năm sẽ rất khả quan khi nhu cầu dự trữ lương thực của nhiều nước đang tăng cao. Hoạt động vận tải quốc tế dần ổn định giúp việc vận chuyển, lưu thông tốt hơn. Gạo Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi khi nhu cầu thị trường tiếp tục tăng cao, các dòng gạo thơm của Việt Nam tiếp tục được tin dùng trên toàn cầu. Ông Tùng cũng nhận xét sản lượng vụ Hè - Thu tốt sẽ tạo ra nguồn cung ổn định, bảo đảm cho việc xuất khẩu trong năm 2022 - 2023.

Nhận định cơ hội tăng trưởng tốt nên dù Angimex giữ vững vị trí Top 10 DN xuất khẩu gạo lớn nhất Việt Nam nhưng Công ty vẫn tiếp tục nỗ lực nâng dần sản lượng xuất khẩu cũng như mở rộng việc thu mua trong nước để bảo đảm nguồn cung phục vụ các đơn hàng lớn trong 6 tháng cuối năm 2022. 

“Để bảo đảm ổn định sản lượng đầu vào, Angimex hợp tác với Sở NN&PTNT tỉnh An Giang xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa, gạo trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2022-2025. Trong đó, công ty liên kết sản xuất và tiêu thụ với các hộ nông dân, HTX trên địa bàn tỉnh. Trong năm nay, công ty sẽ có 15.000 ha lúa sản xuất, năm 2023 sẽ đạt 30.000 ha, năm 2024 sẽ đạt 35.000 ha và năm 2025 sẽ đạt 40.000 ha”, ông Huỳnh Thanh Tùng lạc quan cho biết. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Gạo Việt chinh phục thị trường thế giới bằng thương hiệu riêng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO