DV hàng hóa hàng không tăng trưởng mạnh

NGỌC THỦY| 05/02/2015 06:51

Ngành dịch vụ hàng hóa hàng không sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2015 khi sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu dự báo tăng mạnh.

DV hàng hóa hàng không tăng trưởng mạnh

Ngành dịch vụ hàng hóa hàng không sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2015 khi sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu dự báo tăng mạnh.

Tăng trưởng trên 18%/năm
Trong thông tin công bố mới nhất từ Công ty CP Hàng hóa Nội Bài (NCT), năm 2014, NCT đạt doanh thu thuần đạt 678 tỷ đồng, tăng 18% và lợi nhuận sau thuế (LNST) đạt 273,4 tỷ đồng tăng 10,46% so với năm 2013.

Như vậy, trong giai đoạn 2009-2014, bất chấp nền kinh tế có thời điểm rơi vào khủng hoảng và nhiều DN gặp khó khăn, NCT vẫn duy trì được mức tăng trưởng kép (CAGR) về doanh thu trên 18%/năm.

Lý giải về điều này, lãnh đạo NCT cho biết, có được mức tăng trưởng nổi bật là nhờ sản lượng hàng hóa quốc tế, mà chủ yếu là do hàng xuất nhập khẩu của Samsung tăng trưởng mạnh.

Năm 2013 và 2014, hàng hóa của Samsung chiếm khoảng 35 - 40% tổng hàng hóa xuất nhập khẩu quốc tế. Trong tương lai, Samsung dự báo lượng hàng hóa của hãng này sẽ tăng trưởng 20%-30% trong vòng 5 năm tới và vượt mức 50% tổng hàng hóa xuất nhập khẩu tại sân bay Nội Bài.

Về phía Nokia (hiện tại là Microsoft Mobile) cũng đang tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam bằng việc chuyển một số dây chuyền sản xuất thiết bị điện thoại di động của công ty tại Trung Quốc, Hungary và Mexico về Việt Nam.

Số lượng dây chuyền sản xuất của nhà máy tại Bắc Ninh đã tăng từ 6 dây chuyền (cuối năm 2013) lên 39 dây chuyền (cuối năm 2014) với sản lượng hằng tháng tăng hơn 3 lần. Ngoài ra, các tập đoàn nước ngoài khác chuyên sản xuất các thiết bị điện tử và hàng may mặc cao cấp như Intel, LG, Puma, Nike, Adidas, Reebok... cũng đang có xu hướng chuyển dần các nhà máy sang Việt Nam sau khi các hiệp định thương mại FTA, TPP được ký kết và trong bối cảnh nền kinh tế cũng như giá nhân công tại Trung Quốc không còn nhiều hấp dẫn.

Những gia tăng đầu tư trong lĩnh vực điện tử có tác động tích cực lên hoạt động của cảng hàng không Nội Bài nói chung và ngành dịch vụ hàng hóa nói riêng.

Tại cụm cảng hàng không Tân Sơn Nhất, hoạt động cung cấp dịch vụ hàng hóa đang do Công ty Dịch vụ Hàng hóa Tân Sơn Nhất (TCS) và Công ty CP Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn (SCSC) đảm nhận.

TCS ra đời 20 năm, với khách hàng chính gồm Vietnam Airlines (29,14%), Cathay Pacific (10,29%), China Airlines (10,07%)... cùng 32 hãng hàng không khác và hàng trăm công ty giao nhận. TCS hiện có 2 nhà ga hàng xuất là AFT1, AFT2 và cho năng lực xử lý hàng hóa lên 350.000 tấn/năm.

Năm 2013, theo số liệu từ Vietnam Airlines, công ty mẹ nắm 55% vốn ở TCS thì công ty đã phục vụ gần 194.000 tấn hàng, chiếm 76% lượng hàng hóa qua sân bay Tân Sơn Nhất. Riêng SCSC dù ra đời muộn hơn (năm 2010) nhưng lại sở hữu khu vực kho hàng hóa rộng 91.000m2 với công suất thiết kế giai đoạn 1 là 200.000 tấn hàng hóa/năm và giai đoạn 2 là 350.000 tấn/năm.

Đặc biệt, dù hoạt động chưa lâu, SCSC đã có được sự ủng hộ của hơn 10 hãng hàng không trong tổng số 43 hãng hàng không có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất, trong đó phải kể đến những tên tuổi lớn như Lufthansa, Cargolux, Singapore Airlines... Theo báo cáo tài chính gần nhất, trong 9 tháng đầu năm 2014, SCSC ghi nhận doanh thu 198 tỷ đồng và 70,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Đáng chú ý, mức lợi nhuận này vượt 10 lần so với cùng kỳ năm trước.

Ai đủ lực chia thị phần?

Từ lâu, ga hàng hóa Nội Bài với công suất thiết kế 300.000 tấn luôn trong tình trạng quá tải. Vì thế, năm 2015, dự kiến nhà ga hàng hóa ALS của Công ty Giao nhận kho vận hàng không (ALS) sẽ đi vào hoạt động để nâng công suất phục vụ của 2 nhà ga lên mức 500.000 tấn.

Theo quan sát của giới phân tích, điều này có thể đẩy NCT vào thế bị cạnh tranh, thị phần và doanh thu của NCT sẽ sụt giảm trong năm 2015. Trên thực tế, Samsung đã đề nghị với ALS được sử dụng nhà ga hàng hóa ALS như một khu vực chuyên dụng, phục vụ hàng hóa xuất nhập khẩu của

Hãng qua sân bay Nội Bài bởi năng lực của NCT và ACS chưa đáp ứng được nhu cầu, đồng thời hệ thống cảng hàng không của ALS sẽ kéo dài tại KCN Yên Phong (Bắc Ninh) và Yên Bình (Thái Nguyên) sẽ là những nơi đặt các nhà máy của Samsung.

Hiện tại, NCT đang nắm 80% thị phần nội địa và 85% thị phần quốc tế ở ga Nội Bài nhưng trong năm 2015, miếng bánh thị phần sẽ chia lại với dự kiến, thị phần của NCT tại Nội Bài sẽ giảm xuống còn 78% khu vực nội địa và 72% khu vực quốc tế. Mặc dù vậy, ông Đinh Trọng Sơn, Phó tổng giám đốc của NCT, bày tỏ lạc quan, mức sụt giảm sẽ không đáng ngại vì các bên có thể liên kết hợp tác cùng nhau.

Trên thực tế, ngành dịch vụ hàng hóa ở cảng hàng không đang do một số ít DN thực hiện và các bên vẫn đang có những hoạt động bắt tay nhau. Những DN khác muốn tham gia ngành này rất khó do đây là ngành kinh doanh có rào cản, yêu cầu mặt bằng kho bãi tại sân bay phải rộng trong khi việc xây dựng kho bãi lại rất hạn chế. Ngoài ra, lâu nay các công ty hoạt động trong ngành này đều được sự bảo hộ từ Tổng công ty Hàng Không Việt Nam (Vietnam Airlines). Yếu tố độc quyền trong ngành dịch vụ hàng hóa vẫn chưa thể xóa bỏ.

Mặc dù vậy, giữa các đơn vị nội địa đã có sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ. Chẳng hạn, ngoài việc phải cạnh tranh với ALS như đã phân tích ở trên, NCT có khả năng phải nhường lại một phần thị phần cho ACS. Bởi Vietjet Air vừa lập thêm công ty vận tải hàng không Vietjet Cargo tháng 11 năm ngoái và từ năm 2015 sẽ triển khai dịch vụ liên quan đến vận chuyển hàng hóa. Như vậy, VietJet Air sẽ tăng mức sử dụng dịch vụ hàng hóa tại ACS, đơn vị cung cấp dịch vụ hàng hóa lâu nay cho VietJet Air.

Tại khu vực cảng hàng không Tân Sơn Nhất, cạnh tranh càng quyết liệt hơn. Bằng chứng là năm 2013, dù lượng hàng hóa qua sân bay Tân Sơn Nhất tiếp tục tăng nhưng trước sức ép cạnh tranh khốc liệt, sản lượng khai thác của TCS đã giảm 4,5% so với cùng kỳ, kéo theo doanh thu và lợi nhuận của TCS đều giảm do phải tăng chiết khấu, giảm giá dịch vụ để giữ được khách hàng lớn và ký các hợp đồng dài hạn.

Các công ty vẫn đang tìm cách giữ vững thị phần bằng việc thúc đẩy tăng trưởng thông qua gia tăng đầu tư, cung cấp đa dạng dịch vụ và nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như mở rộng thêm kho bãi.

Đơn cử, trong năm 2014, NCT đã hoàn thành xây dựng kho hàng nhập quốc tế NCT3 cũng như hoàn thành việc cải tạo lại nhà kho hàng hóa trong khu vực Cảng Hàng không Nội Bài. Hiện tại, tổng diện tích hệ thống kho của NCT đã là 25.000m2. TCS lên kế hoạch tăng vốn thêm 77,27 tỷ đồng để giúp TCS có đủ năng lực mở rộng các mảng dịch vụ, hình thành chuỗi dịch vụ hoàn chỉnh tại sân bay Tân Sơn Nhất. 

>Ngành vận tải hàng không sẽ cải tiến theo hướng nào?
>Sự thật bất ngờ về những bí ẩn hàng không 
>Một bức tranh đa sắc màu của hàng không thương mại
>10 hãng hàng không nguy hiểm nhất thế giới

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
DV hàng hóa hàng không tăng trưởng mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO