Bộ Giao thông Vận tải sẽ bình ổn giá vé máy bay
Bộ Giao thông Vận tải vừa phản hồi về kiến nghị của cử tri TP.HCM liên quan đến việc giá vé máy bay trong nước tăng cao.
Trước đó, cử tri TP.HCM đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem lại các khoản phí, lệ phí, phân tích, đánh giá tính hợp lý của giá thành và chi phí tổ chức bộ máy của các hãng hàng không và các tổ chức dịch vụ mặt đất để so sánh với giá vé máy bay hiện nay có phù hợp không.
Trước đề nghị trên, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, từ đầu năm 2024, giá vé máy bay hạng phổ thông trên một số đường bay nội địa đã tăng so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, các hãng bay vẫn tuân thủ quy định về trần giá vé.
Hiện giá vé máy bay được cấu thành bởi giá dịch vụ vận chuyển hành khách, thuế giá trị gia tăng, các khoản thu hộ doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nhà ga hành khách và dịch vụ bảo đảm an ninh (gồm giá phục vụ hành khách và giá đảm bảo an ninh hành khách, hành lý và giá dịch vụ đối với các hạng mục tăng thêm do hãng quyết định).
Bên cạnh đó, giá vé máy bay của các hãng hàng không Việt Nam tăng nằm trong xu hướng chung trên thế giới do chịu tác động bởi các nguyên nhân chính như yếu tố cung - cầu thị trường (sụt giảm quy mô đội tàu bay khai thác, nhu cầu đi lại tăng cao vào các dịp lễ, tết…) và biến động do tăng giá nhiên liệu bay, tăng tỉ giá.
Trong đó, có tới 80% chi chí của các hãng hàng không có liên quan đến gốc ngoại tệ. Giai đoạn tháng 7/2024, tỷ giá USD/VND đang duy trì ở vùng đỉnh lịch sử (tỉ giá 1 USD = 25.470 VNĐ), tăng 7,45% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 10,25% so với giai đoạn cùng kỳ năm 2021.
Do đó, việc tăng giá vé máy bay được lý giải là do nhiều yếu tố thị trường, bao gồm sự mất cân đối giữa cung và cầu, sự sụt giảm số lượng máy bay của các hãng, nhu cầu đi lại tăng cao vào các dịp lễ, tết, cùng với sự biến động của giá nhiên liệu bay và tỷ giá hối đoái.
Chính vì vậy, để góp phần giảm áp lực về giá vé máy bay, Bộ Giao thông Vận tải cho biết sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp nhằm bảo đảm ổn định lực lượng vận tải hàng không để cung ứng phù hợp, cân đối tải trên các đường bay và thị trường nội địa/quốc tế, đáp ứng tốt nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không của hành khách.
Cụ thể, ngành hàng không dự kiến điều chỉnh thời gian hoạt động khai thác máy bay, giảm thời gian quay đầu máy bay để chuyển tiếp chặng bay, tối ưu hóa thời gian khai thác máy bay trong ngày, tăng cường thêm các chuyến bay đêm… Qua đó, bù đắp sự thiếu hụt về tải cung ứng do sụt giảm đội máy bay, góp phần ổn định lực lượng vận tải hàng không, đảm bảo đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải đang tiếp tục tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá theo quy định pháp luật, cũng như khuyến cáo hành khách sớm có kế hoạch đặt mua vé để có nhiều cơ hội lựa chọn với những mức giá vé phù hợp.
Thời gian qua, giá vé máy bay nội địa liên tục neo cao. Theo đó, tại đường bay Hà Nội - TP.HCM, giá vé bình quân một chiều của Vietnam Airlines vào khoảng 2,64 triệu đồng (tăng 14%). Các hãng Bamboo Airways là 2 triệu (tăng 11%), Vietjet khoảng 1,74 triệu (tăng 25%) và Vietravel Airlines khoảng 1,5 triệu (tăng 15%).
Xét theo mức giá bình quân cao nhất trên đường bay này, Vietnam Airlines thực nhận gần 2,32 triệu đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn các khoản thuế, phí hãng thu hộ ngân sách và Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) tăng 9% lên mức hơn 321.600 đồng.
Trên các đường bay Hà Nội/TP.HCM đi và đến Đà Nẵng, giá vé trung bình mỗi chiều của Vietnam Airlines vào khoảng 1,8 triệu đồng (tăng 17-26%), Vietjet 1,3 - 1,5 triệu (tăng 32-38%), Bamboo Airways từ 1,3-1,6 triệu (tăng 13-29%), Vietravel Airlines 1,1-1,4 triệu (tăng 13-29%).
Nếu tính theo mức giá mạnh nhất trên đường bay này (Vietjet - 1,5 triệu đồng, tăng 38%), trên mỗi vé máy bay, hãng hàng không thực nhận về khoảng 1,27 triệu đồng.