Đường nào cho tôm Việt vào EU?

11/02/2015 01:10

EU là thị trường nổi bật của tôm Việt Nam trong năm 2014. Hiện Việt Nam đứng thứ tư trong số các nước xuất khẩu tôm lớn nhất vào châu Âu.

Đường nào cho tôm Việt vào EU?

2015 sẽ là năm để tôm Việt có thể vươn lên giành vị thế tại thị trường EU, do trước đó tôm Thái Lan và Ấn Độ đã thất thế tại thị trường này. Song theo các chuyên gia, để tận dụng được điều này, điều quan trọng nhất là tôm Việt phải giải quyết được vấn nạn bơm tạp chất.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong năm 2014, EU là thị trường nổi bật của tôm Việt Nam. Trong khi lượng xuất khẩu sang các thị trường khác có xu hướng giảm sút, lượng hàng sang châu Âu tăng trưởng gần 72% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện Việt Nam đứng thứ tư trong số các nước xuất khẩu tôm lớn nhất vào châu Âu.

Tôm Ấn Độ, Thái Lan “gặp nạn”

Đặc biệt, cũng trong năm 2014, tôm Thái Lan chịu tác động mạnh sau khi báo chí Anh đăng tải bài viết về việc ngành tôm Thái Lan đã sử dụng lượng lớn bột cá do các tàu khai thác sử dụng lao động trái phép vào tháng 6/2014. Ngay sau đó, tập đoàn bán lẻ lớn thứ hai trên thế giới Carrefour (tại Pháp) đã ngừng thu mua tôm Thái Lan từ tháng 6.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám

Tổng cục Thủy sản đang kiến nghị Bộ NN&PTNT hoàn thiện hệ thống Chi cục thủy sản/Nuôi trồng thủy sản và thực hiện phân cấp cho địa phương trong quản lý thức ăn thủy sản, tăng cường kiểm soát dịch bệnh cho tôm. Đại diện nhiều DN chế biến xuất khẩu tôm cũng đã có kiến nghị đã đến lúc cơ quan nhà nước phải nhìn nhận lại vai trò của mình trong từng vấn đề mà ngành tôm đang gặp phải, để có những hỗ trợ cụ thể và thiết thực, trước hết cho các DN xuất khẩu tôm trong bối cảnh nhiều khó khăn như hiện nay.

Ngoài ra, năm 2014, tôm hấp và chế biến của Thái Lan xuất khẩu sang EU không còn được hưởng quy chế ưu đãi GSP, nên mức thuế tăng lên 20%. Tôm nguyên liệu cũng sẽ bị mất thuế GSP 4% từ 1/2015 và Thái Lan phải chịu mức 12%.

Còn với tôm Ấn Độ, thống kê 8 tháng đầu năm 2014 cho thấy lượng tôm vào khu vực này tăng tới 83,5% và đây cũng là nguồn cung có sức tăng mạnh nhất trong nhóm 10 nước cung cấp tôm lớn nhất cho EU.

Để không tự đánh mất cơ hội, cần nâng cao uy tín hàng thủy sản Việt Nam

Tuy nhiên, mấy tháng cuối năm, tôm Ấn Độ đối mặt với cảnh báo về tình trạng nhiễm kháng sinh bị từ chối nhập khẩu tăng mạnh. Do đó, VASEP dự báo Ấn Độ vẫn khó có thể đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang thị trường này trong năm 2015.

Nỗi lo tạp chất

Tuy nhiên, cùng với những lợi thế trên là lo ngại về tình trạng tôm Việt Nam dính tạp chất, dư lượng kháng sinh cấm vượt ngưỡng ở các lô hàng xuất khẩu.

Khi các doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất khẩu thủy sản cho biết ngay cả hàng xuất khẩu kiểm soát chặt chẽ vẫn để lọt những lô hàng chứa tôm tạp chất, dư lượng kháng sinh cấm vượt ngưỡng.

Thêm vào đó, Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Nafiqad) cho biết trong năm 2014, đã nhận được rất nhiều thông tin cảnh báo các lô hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam không bảo đảm an toàn thực phẩm, có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt mức cho phép.

Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương - TS. Võ Trí Thành

Để không tự đánh mất cơ hội của chính mình, đồng thời muốn nâng cao uy tín hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế, không cách nào khác, chúng ta phải tự thay đổi mình, chuyển dần từ sản xuất chạy theo số lượng sang chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm, các bộ, ngành liên quan cần sớm nghiên cứu, đề xuất những cơ chế mới, nhằm hỗ trợ DN thủy sản tập trung đầu tư công nghệ hiện đại, tăng sản lượng chế biến các mặt hàng giá trị gia tăng.

Đặc biệt, đáng báo động là các thị trường xuất thủy sản quan trọng của Việt Nam như EU, Nhật Bản và Mỹ đã cảnh báo nhiều lần về các chỉ tiêu Oxytetracycline, Nitrofurazone, Malachite Green, Enrofloxacin, Ethoxyquine, Trifluralin…

Theo Nafiqad, thời gian cuối năm, các lô hàng thủy sản bị cảnh báo có giảm, nhưng tình trạng sử dụng kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản đang có dấu hiệu bùng phát.

Chỉ riêng 2 tháng 10, 11/2014, có tổng số 17 lô hàng thủy sản nuôi của Việt Nam bị cơ quan thẩm quyền EU cảnh báo do phát hiện kháng sinh cấm Nitrofurazone. Số liệu thống kê cũng cho thấy số lô hàng bị cảnh báo ở thị trường EU trong năm 2014 tăng 7 lần, so với năm 2013.

Nhiều DN chia sẻ, đối với thủy sản nhiễm kháng sinh có thể kiểm soát ở vùng nuôi, nhưng đối với tôm bơm tạp chất lại rất phức tạp. Đó là việc DN phải kiểm tra, giám sát ở nhiều đầu mối, như người nuôi, đại lý thu mua, vận chuyển, cơ sở chế biến và ngay chính “người nhà”.

Thậm chí, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, lo ngại khi hàng năm, DN phải tốn cho nhân viên giám sát từ lúc nuôi đến khi thu hoạch, vận chuyển vào tận kho DN với một số tiền không nhỏ.

Tuy nhiên, dù kiểm chặt vùng nuôi như vậy, nhưng vẫn xảy ra tình trạng nhân viên của DN câu kết với đại lý bơm tạp chất (thạch rau câu) vào tôm để tăng trọng lượng, hưởng lợi.

Hay ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh Sóc Trăng, cho rằng câu chuyện thủy sản bị bơm tạp chất, kháng sinh vượt mức đã diễn ra nhiều năm, nhưng chưa có giải pháp triệt để.

Nguyên nhân là cơ quan quản lý và DN đổ lỗi cho nhau. Cơ quan quản lý đổ lỗi DN không kiểm. Còn DN thì đổ trách nhiệm kiểm thuộc về cơ quan nhà nước. Hết đổ cho nhau, họ quay sang đổ cho người nuôi.

Nafiqad cũng chỉ lấy mẫu kiểm tra cho từng lô hàng, nên muốn thủy sản xuất khẩu không bị cảnh báo, tuýt còi, bản thân DN phải tự kiểm chặt nguồn gốc hàng của mình.

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thú y, thủy sản Nguyễn Tư Cương

Cả nước hiện có 470 DN chế biến thủy sản, nhưng vẫn có tới 154 DN (chiếm gần 33% số DN) chưa tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu vệ sinh công nghiệp và thiếu đội ngũ thiết bị kiểm tra vệ sinh an toàn cho sản phẩm của cơ sở. Vì vậy, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng cần phối hợp cũng như có biện pháp chế tài mạnh trong việc kiểm tra từ người nuôi, đại lý thu mua, thú y, cơ sở chế biến thức ăn gia súc, chủ tàu, phạt nặng đối với những vi phạm như kiên quyết rút giấy phép hành nghề của các cơ sở, cá nhân kinh doanh hóa chất kháng sinh thuộc danh mục cấm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đường nào cho tôm Việt vào EU?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO