Doanh nghiệp Việt ở đâu trong chuỗi cung ứng toàn cầu?

MINH HÀO| 17/03/2017 03:39

Trên thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thể tham gia vào chuỗi cung ứng này vì sản phẩm có giá trị thấp.

Doanh nghiệp Việt ở đâu trong chuỗi cung ứng toàn cầu?

Với lợi thế về vị trí địa lý, chi phí sản xuất thấp, nguồn nhân lực dồi dào, Việt Nam có thể trở thành một phần của thương mại thế giới. Thế nhưng doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa có được chỗ đứng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Đọc E-paper

Chia sẻ tại Hội thảo Tự do thương mại - cơ hội và thách thức tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp với Đại học SMU (Singapore) tổ chức ngày 10/3 tại TP.HCM, TS. Arnoud De Meyer - Chủ tịch Đại học SMU cho biết, từ năm 1990 - 2012, thương mại toàn cầu tăng trưởng gấp nhiều lần so với tăng trưởng GDP.

Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong 5 năm gần đây, ngành bán lẻ tăng 11%, trong đó, bán lẻ online tăng 300% và bán qua mobile tăng đến 1.600%. Sự bùng nổ về thuơng mại đã thúc đẩy sự tăng trưởng và dịch chuyển mạnh mẽ trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một phần của thương mại thế giới.

Nhìn lại quá trình phát triển có thể thấy, ở châu Á, các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore đã kịp thời điều chỉnh và sắp xếp lại hệ thống sản xuất để tạo ra chuỗi sản phẩm đồng nhất cũng như các sản phẩm độc quyền, có chất lượng cao, đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của thị trường thế giới.

Nhờ đó mà các đối tác nhiều nước đã nhắm đến và chọn để tham gia sản xuất vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Điển hình là hiện nay Singapore đã trở thành thiên đường mua sắm của người tiêu dùng châu Á. Trong khi đó, Việt Nam và Ấn Độ đang bị rớt lại phía sau.

Theo GS-TS. Shantanu Bhattacharya (Đại học SMU), Việt Nam và Ấn Độ có điểm chung là có nguồn nhân lực rất lớn nhưng yêu cầu về giáo dục và khả năng huấn luyện để có lao động kỹ năng cao còn thấp. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng thiếu tính sáng tạo, mức độ sẵn sàng về kỹ thuật chưa cao và khó tiếp cận được nguồn tài chính.

Mô hình chung mà các doanh nghiệp, các quốc gia đã tham gia mạnh mẽ vào chuỗi cung ứng toàn cầu cho thấy có 6 yếu tố bắt buộc phải thực hiện, đó là toàn cầu hoá, quản trị, chuyên môn hoá, phát triển quốc gia, quản lý chuỗi và thị trường.

Mỗi yếu tố đều mang đến những ảnh hưởng khác nhau, như toàn cầu hoá sẽ tác động đến việc cắt khúc và phân quyền sản xuất, chuyên môn hoá ở một quốc gia hoặc công ty chuyên môn ở một phần của khâu sản xuất...

Phải phát triển thị trường theo hướng kết hợp giữa xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Tóm lại, để tham gia vào chuỗi, các doanh nghiệp buộc phải đạt đến sự đồng nhất cao trong sản xuất.

>>Đầu tư logistics: Kinh nghiệm từ 25 chuỗi cung ứng hàng đầu

Việt Nam hiện là địa điểm rất hấp dẫn các nhà đầu tư, do có lợi thế về địa lý và chi phí sản xuất, nguồn nhân lực, với 90 triệu dân, trong đó dân số trẻ chiếm tỷ lệ lớn. Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam có vị trí nhất định trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Thế nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thể tham gia vào chuỗi cung ứng này vì sản phẩm có giá trị thấp.

Bà Nguyễn Dạ Quyên - Giám đốc CEL Consulting cho biết, trong lĩnh vực sản xuất, đã có doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu tham gia vào chuỗi nhưng vẫn còn ở mức thấp. Phải trở thành nhà cung cấp thứ nhất, thứ hai của các công ty, tập đoàn lớn trên thế giới mới gọi là bắt đầu tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Vậy làm thế nào để Việt Nam thâm nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu? Theo TS. Shantanu Bhattacharya, Việt Nam cần tăng khả năng cạnh tranh, khả năng tiếp cận vốn và khuyến khích thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp FDI, nâng cao năng lực nguồn nhân lực.

Việt Nam cần học cách tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu ở những nước láng giềng như Malaysia, Thái Lan. Với ngành công nghiệp ô tô, mặc dù hiện nay chưa có thương hiệu ô tô Thái Lan trên thị trường thế giới nhưng đây là nước có lượng xuất khẩu ô tô đứng đầu ASEAN.

Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tại công ty, ông Zulkifli Bin Baharudin - Chủ tịch Điều hành Tập đoàn ITL khuyên doanh nghiệp Việt Nam học hỏi nhiều hơn từ các công ty đã thành công trước đó để có thể bước vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

"Trước đây, khi đến Việt Nam tôi thấy nhiều doanh nghiệp làm giày nhưng nay trở lại thì thấy họ lại chuyển qua làm bất động sản. Theo tôi, doanh nghiệp nên làm một việc duy nhất. Thay đổi để bắt kịp xu hướng và làm cho mình mới hơn nhưng không được đi chệch mục tiêu ban đầu mới mang lại kết quả và mới tham gia được trong chuỗi cung ứng toàn cầu", ông Zulkifli Bin Baharudin nói.

>>10 nền kinh tế sẽ thống trị thương mại thế giới năm 2050

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp Việt ở đâu trong chuỗi cung ứng toàn cầu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO