Doanh nghiệp được hỗ trợ vào thị trường châu Âu

Mỹ Huyền| 07/04/2021 04:26

Đã có 4 doanh nghiệp sản xuất nông sản hữu cơ trong sáng kiến Ngọn Hải Đăng của Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF), đã được giới thiệu với đối tác và các tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam.

“Nếu không có thay đổi, chương trình Ngọn Hải Đăng sẽ cố gắng mang hơn 10 nhà xuất khẩu nông sản Việt Nam về Ba Lan trong vòng một năm.”, ông Piotr Harasimowicz trưởng Văn phòng đại diện của Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Ba Lan cho hay.

Một số nhà phân phối Ba Lan cũng đang làm việc với doanh nghiệp Việt Nam để mang sản phẩm nông nghiệp về Ba Lan thông qua chương trình này. Tuy nhiên, theo ông Piotr, doanh nghiệp Việt cần thêm các hoạt động xúc tiến thương mại ở nước này để thị trường Ba Lan biết nhiều về sản phẩm Việt Nam hơn.

Ba Lan cũng có một số yêu cầu về bao bì sản phẩm, quy cách marketing và các quy chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm mà doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu. Tại đây, sản phẩm của chúng ta cũng phải cạnh tranh cùng sản phẩm từ châu Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore… những quốc gia đã có hiệp định thương mại tự do cũng Ba Lan.

Về phía các nhà xuất khẩu Ba Lan, họ cũng phải tìm hiểu kỹ về EVFTA và quy trình xuất khẩu trước khi xuất vào thị trường Việt Nam. Những sản phẩm họ muốn giới thiệu là nông sản, giải pháp thành phố thông minh và dịch vụ CNTT.

Ngọn Hải đăng là một trong những hoạt động của FNF giúp doanh nghiệp Việt định hướng để tiến vào thị trường Châu Âu, thông qua Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA).

chau-au-4172-1617780313.jpg

Đại diện Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương (phải) đang tiếp xúc cùng các đối tác châu Âu trong chương trình

Tại sự kiện, Giám đốc quốc gia của FNF, ông Andreas Stoffers cho hay doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa có nhiều cơ hội tiếp cận với EVFTA, họ cần được hỗ trợ kỹ năng để có thể tận dụng được cơ hội này.

Được chọn lần này là các doanh nghiệp đã có hàng xuất khẩu đi nước ngoài nhưng chưa vào thị trường châu Âu. Những điểm yếu thường thấy ở các doanh nghiệp này là họ chưa hiểu rõ các quy định, quy trình làm giấy tờ xuất nhập khẩu. Và quan trọng hơn là họ chưa hiểu thị trường châu Âu.

Chương trình Ngọn Hải Đăng đã kết hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam để đào tạo các doanh nghiệp về marketing, cách lãnh đạo doanh nghiệp, tìm đối tác uy tín, cách bán hàng và kết nối với môi trường kinh doanh tại thị trường châu Âu.

Thông qua chương trình, FNF đã kết hợp cùng Hiệp hội Kinh doanh của Đức, Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Ba Lan và Ngân hàng Doanh nghiệp và Đầu tư IMI của Ý, cùng với Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu đang nghiên cứu, tìm ra những điểm yếu của doanh nghiệp nhỏ và vừa để hỗ trợ họ cải thiện. Các tổ chức này cũng đang xúc tiến giới thiệu 4 doanh nghiệp trong chương trình về quốc gia của mình.

Các doanh nghiệp trong chương trình cho hay, họ đã được cung cấp kiến thức về thị trường, nâng cao chất lượng về sản phẩm và dịch vụ, đáp ứng theo tiêu chuẩn châu Âu. Ngoài ra, họ còn nhận được nhiều cơ hội kinh doanh mới.

Những kiến thức cụ thể họ nhận được là cách phân tích và hiểu liệu thị trường, có phù hợp với mình không và vai trò của doanh nghiệp ở đâu trong chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp được hỗ trợ vào thị trường châu Âu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO