Doanh nghiệp dệt may tự tháo “nút thắt”

Lữ Ý Nhi| 20/07/2019 06:00

Hội nhập với ngành dệt may thế giới nhưng việc thiếu nguyên phụ liệu làm doanh nghiệp (DN) dệt may Việt Nam chịu áp lực rất lớn...

Doanh nghiệp dệt may tự tháo “nút thắt”

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cho biết, hiện Việt Nam phải nhập đến 99,99% bông và 60% xơ, sợi. Năm 2018, cả nước đã nhập khẩu 23,91 tỷ USD nguyên phụ liệu dệt may và giày, tăng 13,9% so với năm 2017. Mỗi năm ngành dệt may sử dụng khoảng 820.000 tấn nguyên phụ liệu, trong đó nhập khẩu gần 90% vải các loại từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, 80% sợi nhập khẩu từ Mỹ, Tây Phi, Ấn Độ...

Mặc dù một số DN đã sản xuất được nhiều loại nguyên phụ liệu dệt may nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của khách hàng cả về số lượng và chất lượng. Đơn cử, Công ty May Đồng Nai mới chỉ sử dụng 45-50% vải nguyên liệu và 60-70% phụ liệu trong nước, còn lại phải nhập khẩu từ nước ngoài. Tương tự, Tổng công ty May Nhà Bè cũng phải nhập khẩu tới 50% nguyên phụ liệu. 

Nhiều DN FDI ngành dệt may có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam nhưng gặp không ít khó khăn, nhiều dự án bị từ chối vì có thể gây ô nhiễm môi trường. Chẳng hạn, năm 2018, Tập đoàn Hong Kong TAL đề nghị tỉnh Vĩnh Phúc cho xây dựng nhà máy dệt nhuộm nhưng đã không được cấp phép. Khi Tập đoàn này tìm đến Thái Nguyên và được chính quyền địa phương đồng ý thì Bộ Tài nguyên - Môi trường không chấp thuận. Trong khi đó, DN dệt may trong nước lại không đủ nguồn vốn và kỹ thuật để đầu tư sản xuất sợi và phụ liệu. 

Một số DN dệt may của Trung Hoa đại lục, Đài Loan, Hồng Kông đang muốn chuyển nhà máy sang Việt Nam. Đơn cử như Công ty Forever Glorious thuộc Tập đoàn Sheico (Đài Loan) đã cam kết đầu tư 50 triệu USD xây dựng một nhà máy hoàn chỉnh từ dệt vải đến sản xuất các sản phẩm may mặc cao cấp cho thể thao dưới nước, Công ty Gain Lucky Limited thuộc Tập đoàn Shenzhou International (Trung Quốc) dự định đầu tư 140 triệu USD phát triển trung tâm thiết kế thời trang và sản xuất sản phẩm may mặc cao cấp. Tập đoàn Dệt may Yulun Giang Tô (Trung Quốc) đã được tỉnh Nam Định cấp phép đầu tư xây dựng nhà máy khép kín từ sản xuất sợi đến dệt, nhuộm, có tổng vốn đầu tư 68 triệu USD.

Đó cũng là cơ hội để DN dệt may Việt Nam mua sản phẩm từ những DN FDI ấy với giá rẻ hơn hàng nhập khẩu. Vì thế, theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Chính phủ nên cho thành lập khu công nghiệp dệt may chuyên biệt, có hệ thống xử lý nước thải hoàn tất cho doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư thì mới giải quyết được việc thiếu nguyên phụ liệu”.

Ngoài vấn đề nguyên phụ liệu, ngành dệt may cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn như chưa đảm bảo thời gian giao nhận hàng khi kẹt cảng, phí cao. Đồng thời cạnh tranh về nguồn lao động cũng đang diễn ra gay gắt giữa các ngành. Đó là chưa kể các DN dệt may trong nước đa số có quy mô nhỏ và làm gia công là chính, chỉ có một số DN lớn có gốc từ DN nhà nước với vốn và mặt bằng lớn đang dần chuyển theo hình thức tự sản xuất theo FOB (tự chủ về nguyên liệu) hay ODM (tự thiết kế mẫu).

Để tận dụng cơ hội và giảm thiểu khó khăn, nhiều DN dệt may Việt Nam đã chủ động thay đổi chiến lược kinh doanh. Ông Phạm Xuân Trình, Tổng giám đốc Tổng công ty CP Phong Phú cho biết: “Phong Phú định hướng thu hẹp một số lĩnh vực không phải là thế mạnh để phản ứng nhanh với thị trường, đồng thời tập trung đầu tư những ngành cốt lõi, phát triển thận trọng trong điều kiện thị trường nhiều biến động. Cụ thể năm 2019 Phong Phú lấy chuỗi sản xuất cung ứng “sợi - dệt - nhuộm - may hoàn tất” làm nền tảng, tập trung vào ngành sợi phục vụ cho ngành dệt và chỉ may, tăng sản lượng chỉ may và sản xuất chỉ may có cường lực cao, tiếp tục duy trì ngành vải denim và phát triển chuỗi cung ứng denim cùng đối tác. 

Đối với ngành khăn bông, Công ty CP Dệt may Quảng Phú thành lập Công ty CP Dệt gia dụng Phong Phú, đã phát triển sản phẩm mới với 250 mặt hàng khăn, trên 150 mặt hàng vải và hàng trăm mẫu sợi fancy cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Đặc biệt, Công ty đã tung ra thị trường mẫu khăn sản xuất từ sợi Lapyarn. Đây là loại sợi mới lần đầu tiên có mặt trên thị trường, thay thế sợi Nontwist với những tính năng vượt trội như mềm mại, hạn chế bụi bông, thấm hút, mềm, xốp. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp dệt may tự tháo “nút thắt”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO