Đẩy mạnh M&A, doanh nghiệp Việt "mang chuông đi đánh xứ người"

NGỌC ANH| 31/08/2018 08:29

Một khi thị trường trong nước trở nên chật chội mà mục tiêu kinh doanh lại cao cũng là lúc các doanh nghiệp Việt như Vinamilk, FPT, Viettel... tìm cách đẩy mạnh đầu tư, tìm kiếm cơ hội từ thị trường nước ngoài.

Đẩy mạnh M&A, doanh nghiệp Việt

Vinamilk thâm nhập thị trường nước ngoài nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng doanh thu về dài hạn

Để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng, một số doanh nghiệp đã chọn chiến lược khai thác thị trường bên ngoài lãnh thổ và cách nhanh nhất là thông qua mua bán - sáp nhập (M&A).

Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong trào lưu tiến ra nước ngoài. 2 thị trường được Viettel Global - thành viên đảm trách đầu tư nước ngoài của Viettel thâm nhập đầu tiên là Campuchia với mạng viễn thông Metfone và Lào với thương hiệu Unitel, năm 2009. Để có được thành công nhất định ở 2 thị trường này, Viettel phải thực hiện những thương vụ M&A, như Metfone - công ty con của Viettel mua lại Beeline ở Campuchia.

Công ty CP FPT thì tiến ra nước ngoài chậm hơn, nhưng khá khác biệt. Cụ thể, trong chiến lược phát triển khối công nghệ vào năm 2018, FPT đặt trọng tâm vào việc tìm kiếm cơ hội M&A với một số doanh nghiệp Mỹ, Nhật. FPT ước chi khoảng 100 triệu USD cho M&A ở nước ngoài. Theo ông Trương Gia  Bình - Chủ tịch FPT, những công ty mục tiêu mà FPT nhắm tới, hoặc hoạt động trong mảng công nghệ, hoặc làm trong ngành liên quan, có nhân sự địa phương, có doanh thu từ 50 triệu - 200 triệu USD.

Link bài viết

Đây sẽ là những lợi thế hỗ trợ cho FPT trong việc mở rộng thị trường mà vẫn đảm bảo quyền sở hữu, lợi ích tốt nhất cho công ty. Chẳng hạn, một khi chiến lược M&A ở nước ngoài được triển khai thành công, FPT có khoảng 200 nhân sự bản địa chất lượng cao. Định hướng của FPT là để các công ty mục tiêu thực hiện hợp đồng công nghệ cao, sau đó gắn chu trình của FPT vào.

Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu phần mềm lớn thứ hai của Việt Nam, do đó FPT xác định là thị trường ưu tiên M&A. Thâu tóm công ty ở Mỹ, FPT còn có lợi thế về visa cũng như bớt được rào cản về hải quan, thuế suất.

Tháng 7 vừa qua, FPT đã chi 30 triệu USD mua lại 90% cổ phần của Intellinet Consulting (Mỹ). Đó mới chỉ là thanh toán một phần, phần còn lại FPT sẽ định giá và trả cho Intellinet sau một khoảng thời gian "về cùng nhà", dựa trên kết quả kinh doanh của Intellinet, có thể là 10 triệu hoặc 20 triệu USD. Riêng 10% cổ phần vẫn giữ lại cho Intellinet, để đôi bên có động lực và cùng chia sẻ trách nhiệm. "Đích ngắm tiếp theo của chúng tôi là Nhật Bản và vài nước EU", ông Trương Gia Bình cho biết.

Kể từ sau khi thoái vốn khỏi mảng bán lẻ và phân phối, động lực tăng trưởng chính của FPT ngoài mảng xuất khẩu phần mềm còn là M&A với các doanh nghiệp ở Mỹ, Nhật, EU. Theo lãnh đạo FPT, Công ty quyết tâm đẩy mạnh M&A ở nước ngoài vì đây là đường tắt để bắt kịp xu hướng công nghệ mới và thực hiện mục tiêu toàn cầu hóa của Công ty.

4 năm trước, FPT đã M&A doanh nghiệp ở nước ngoài, đó là thâu tóm RWE IT Slovakia và đổi tên thành FPT Slovakia. Chỉ sau một năm, thương vụ có lãi. Mới đây Công ty còn mang về hợp đồng 100 triệu USD từ chuyển đổi số cho InnogySE. Để phát triển mạnh và gia tăng vị thế, FPT còn song hành với nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, như GE, Amazon, Siemens...

Kết quả, đóng góp từ thị trường nước ngoài cho FPT đã đạt 4.650 tỷ đồng, chiếm 38% tổng doanh thu của Công ty trong 7 tháng đầu năm nay, vượt trội so với con số 15% cùng kỳ năm ngoái.

Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) cũng rất nổi bật trong chiến lược M&A ở nước ngoài. Vinamilk từng chi ra hàng chục triệu USD để cùng với Angkor Dairy Products lập liên doanh xây dựng nhà máy chế biến sữa tại Campuchia (năm 2014), tiến tới nắm giữ toàn bộ nhà máy này (năm 2017).

Trước đó, Vinamilk rót vốn, gia tăng đầu tư vào Công ty Sữa Driftwood Dairy của Mỹ (2013) và Công ty Miraka Limited của New Zealand (năm 2010). Sau 2 năm đầu tư, Driftwood Dairy góp 6,5% doanh thu cho Vinamilk. Riêng nhà máy ở Campuchia cho doanh thu 54 triệu USD (năm 2017).

Công ty Chứng khoán BSC dự báo, mở rộng thị trường ra thế giới nhằm tăng doanh thu xuất khẩu là một trong 3 động lực tăng trưởng chính đối với Vinamilk đến năm 2020. Cụ thể, Vinamilk đang tập trung phát triển thị trường Philippines, Campuchia, Myanmar, Indonesia, Trung Quốc với tăng trưởng khoảng 15% mỗi năm. Trong đó, Campuchia, Philippines là những thị trường tăng trưởng doanh thu tốt nhất.

Riêng thị trường Myanmar và Indonesia, hãng sữa này đang tìm cách mua một vài công ty nội địa để khảo sát thị trường. Nhưng trên tất cả, thị trường xuất khẩu kỳ vọng của Vinamilk là Trung Quốc. Bởi thị trường Trung Quốc khá tương đồng với Việt Nam, khi mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người đang tương đối thấp, chỉ đạt 25kg/năm, thấp hơn nhiều so với mức khuyến nghị 220kg/năm của Bộ Nông nghiệp Mỹ.

Vinamilk đang trông đợi FTA Trung Quốc - ASEAN sớm ký kết để có thêm thuận lợi khi xuất khẩu vào thị trường đông dân này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đẩy mạnh M&A, doanh nghiệp Việt "mang chuông đi đánh xứ người"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO