Quy định trên nằm trong Nghị định 45/2019/NĐ-CP, được xem khá sát với thực tiễn hoạt động lữ hành cũng như tình trạng nhiều công ty du lịch đang hoạt động bát nháo như hiện nay. Tuy nhiên, Nghị định cũng đang gây ra nhiều bối rối và hoang mang trong giới kinh doanh du lịch.
Theo ông Nguyễn Trần Việt Hải - Đại diện công ty du lịch tại Q.3, Điểm C Khoản 13 Điều 7 quy định “Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành sẽ bị phạt tiền từ 80-90 triệu đồng đối với hành vi để khách du lịch trốn ở lại nước ngoài hoặc trốn ở lại Việt Nam trái pháp luật” là chưa sát thực tế. Bởi theo quan điểm của Nghị định , công ty du lịch có trách nhiệm quản lý khách từ đầu chương trình đến cuối và phải đưa khách đi đến nơi về đến chốn. Tuy nhiên, các dịch vụ du lịch rất đa dạng, trong thời gian ở nước ngoài khách du lịch không thể phải lúc nào cũng nằm trong quản lý của công ty du lịch và không phải lúc nào cũng có người bám sát để quản lý khách. Điều này cũng trái với định nghĩa về hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành trong Luật Du lịch 2017: “Việc xây dựng, bán và tổ chức thực hiện một phần hoặc toàn bộ chương trình du lịch cho khách du lịch”. Như vậy, nếu không cung cấp dịch vụ trọn gói thì công ty du lịch không thể kiểm soát việc khách bỏ trốn được.
Vị đại diện này cũng cho rằng, kể cả khi đoàn khách đi theo chương trình trọn gói, thì nhiệm vụ của hướng dẫn viên là quán xuyến chỗ ăn chỗ ở, điểm tham quan, phương tiện vận chuyển, thuyết minh, dẫn khách đi chơi, mua sắm… chứ không thể là “cảnh sát” để quản chế toàn bộ du khách trong một đoàn trung bình 15-20 người.
Để thực hiện cho được Nghị định 45, công ty du lịch chỉ còn cách thắt chặt khâu xét duyệt hồ sơ xin visa, công ty du lịch chỉ cung cấp bằng chứng về các dịch vụ như máy bay, khách sạn, chương trình tour… việc xét duyệt và quyết định cấp visa luôn thuộc về các cơ quan lãnh sự của từng quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các nước đều tự xét duyệt visa cho du khách mà không quan tâm đến chương trình tour họ đi của công ty du lịch nào. Vậy nếu cơ quan lãnh sự của quốc gia đến đã đồng ý cấp visa cho du khách thì công ty du lịch có cơ sở gì để kiểm soát khách đó có thể trốn lại?
Ở các nước, việc xử phạt với các vụ trốn ở lại ở mức độ khác nhau, kể cả tù giam. Như vậy, người phạm tội là chính người bỏ trốn, tại sao lại phạt công ty du lịch? Trường hợp công ty du lịch nào tạo dựng hồ sơ giả, tham gia vào các đường dây buôn người, vượt biên đều đã được quy định trong Luật Du lịch - Điều 9 nêu rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động du lịch, trong đó Khoản 2 chỉ đích danh “Lợi dụng hoạt động du lịch để đưa người từ Việt Nam ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài vào Việt Nam trái pháp luật”. Như vậy, hành vi cố tình lợi dụng hoạt động du lịch để tổ chức đưa người ra nước ngoài trái pháp luật khác xa với việc một công ty du lịch trót dại nộp giúp hồ sơ xin visa cho một người sau đó bỏ trốn.
Giám đốc một công ty lữ hành tại Hà Nội cũng thắc mắc: “Trong trường hợp xảy ra tình huống khách bỏ trốn ở nước ngoài thì phải báo cáo cho ai, tổ chức nào để giải quyết? Sau khi báo cáo làm thế nào để các cơ quan chức năng thấy rõ được rằng, việc xảy ra không phải là lỗi và sự cố ý của doanh nghiệp. Theo quy định, nếu khách bỏ trốn ở nước ngoài thì doanh nghiệp có thể bị phạt tiền lên tới 90 triệu đồng và tước giấy phép kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều khi các cá nhân, họ làm giả giấy tờ rất chuyên nghiệp, qua mặt cả các cơ quan an ninh, công an thì doanh nghiệp không thể phát hiện. Nếu tước giấy phép hoạt động thì doanh nghiệp đó thiệt hại rất lớn, thậm chí phải đóng cửa”.
Liên quan đến việc xử phạt doanh nghiệp sử dụng hướng dẫn viên “chui”, nhiều doanh nghiệp lữ hành cũng bày tỏ băn khoăn. Theo quy định, hướng dẫn viên phải có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch, hoặc là hội viên của của tổ chức xã hội, nghề nghiệp. Nhưng hiện nay rất ít các hướng dẫn viên đáp ứng được yêu cầu này. Mỗi công ty du lịch thường chỉ có một lượng hướng dẫn viên có giới hạn. Vào mùa cao điểm, phải sử dụng thêm các hướng dẫn viên bên ngoài.
“Hiện nay, có tình trạng hướng dẫn viên hoạt động tự do, họ cố tình không đăng ký vào tổ chức xã hội nghề nghiệp theo quy định. Lỗi là của hướng dẫn viên, nhưng nếu bị phát hiện vi phạm thì doanh nghiệp lại bị phạt rất nặng, điều này cũng gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp", một đại diện nêu.
Hiện các công ty du lịch đang chờ hướng dẫn cụ thể để thực thi Nghị định 45. Nếu không có một cách hiểu "mềm mại" hơn để có hướng dẫn hợp lý lẽ và thực tế mà đem áp dụng đúng câu chữ văn bản này thì có thể kìm hãm sự phát triển của ngành du lịch. Chính phủ cũng cần ban hành thêm một thông tư, quy định cụ thể và làm rõ thêm về các hành vi xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, tạo điều kiện để doanh nghiệp, đơn vị du lịch áp dụng thực hiện trong thực tiễn.