Bất chấp dòng tiền đổ vào mạnh, vàng vẫn không tránh khỏi áp lực điều chỉnh giảm

Khánh Phương| 17/10/2019 07:23

Sau khi phục hồi từ mức thấp ở vùng 1.460 USD/oz vào ngày đầu tháng 10 cho đến nay, giá vàng quốc tế đã “kiệt sức” và điều chỉnh giảm trở lại trong 3 trên 4 phiên vừa qua, mất gần 40 USD/oz. Trong ngày hôm qua, thị trường chạm mức thấp nhất từ đầu tháng đến nay khi rớt về dưới mốc 1.480 USD/oz.

Bất chấp dòng tiền đổ vào mạnh, vàng vẫn không tránh khỏi áp lực điều chỉnh giảm

Giá vàng trong nước sáng nay cũng giảm nhẹ từ 50.000-100.000 đồng/lượng so với hôm qua, xuống mức 41,4 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 41,7 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, duy trì khoảng cách 300.000 đồng/lượng. Thị trường vàng trong nước gần đây thiếu sóng không chỉ từ ảnh hưởng của giá vàng quốc tế, mà còn đến từ lực giao dịch đã yếu hẳn so với giai đoạn trước.

Trong báo cáo mới phát hành của Hội đồng vàng thế giới (WGC), các quỹ ETF chuyên đầu tư vào vàng đã rót ròng 3,9 tỷ USD vào thị trường này trong tháng 9 vừa qua, tăng lượng vàng vật chất đang nắm giữ thêm 75,2 tấn, lên 2.808 tấn, mức cao nhất mọi thời đại. Con số nắm giữ này đã vượt qua kỷ lục cũ ghi nhận vào cuối năm 2012, thời điểm giá vàng đang ở mức gần 1.700 USD/oz, tức cao hơn 18% so với mức hiện tại.

Nếu tính lũy kế 9 tháng đầu năm, các quỹ ETF đã tăng lượng mua ròng lên con số 368 tấn, tương đương 17,9 tỷ USD, giúp kho nắm giữ  tăng thêm 13,4%. Đáng chú ý là dòng vốn chỉ thật sự tăng mạnh trong vòng 4 tháng quá, tức từ thời điểm giá vàng bắt đầu tăng mạnh từ tháng 5 đến nay.

Không chỉ các quỹ đầu tư mua vàng, các ngân hàng trung ương cũng đang tích cực mua vào kim loại quý này. Báo cáo gần đây của Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBoC) cũng cho biết chính phủ nước này đã mua hơn 100 tấn vàng vào kho dự trữ kể từ tháng 12 năm ngoái, theo đó, PBoC tăng lượng nắm giữ lên 62,64 triệu ounce trong tháng 9, tăng lên từ 62,45 triệu ounce trong tháng 8.

Trong bối cảnh rủi ro toàn cầu ngày càng gia tăng, từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nguy cơ xung đột quân sự Mỹ - Iran, khủng hoảng địa chính trị tại Venezuela, khủng hoảng kinh tế tại Argentina, rủi ro khó lường từ sự kiện Brexit, viễn cảnh kinh tế toàn cầu giảm tốc và rơi vào khủng hoảng, giới đầu tư toàn cầu đã tìm đến những tài sản an toàn, với vàng là lựa chọn số một.

Dù ghi nhận dòng tiền tiếp tục rót ròng mạnh trong thời gian qua, nhưng giá vàng quốc tế cũng không tránh khỏi áp lực điều chỉnh giảm trong hơn một tháng trở lại đây, khi nhiều nhà đầu tư tạm chốt lời ngắn hạn, nhất là khi đang thiếu những thông tin hỗ trợ cho đà tăng của thị trường.

Nếu như việc Mỹ và Trung Quốc có thể ký kết một thỏa thuận tạm thời trong ngắn hạn đã thúc đẩy các thị trường chứng khoán hồi phục, mà gần nhất là chỉ số Dow Jones của Mỹ đêm qua vọt hơn 200 điểm trở lại trên ngưỡng tâm lý 27.000 điểm, thì diễn biến trên lại ảnh hưởng tiêu cực lên giá kim loại quý, do khi căng thẳng hạ nhiệt thì giới đầu tư cũng có khuynh hướng tạm thoát khỏi những tài sản an toàn để tìm kiếm các tài sản rủi ro hơn và sinh lời tốt hơn.

Ngoài ra, việc giá vàng chìm sâu gần đây còn đến từ việc rủi ro về một Brexit cứng (việc Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận nào) đã giảm xuống, khi Anh và Liên minh châu Âu (EU) đang tiến hành đàm phán nhằm tránh dẫn đến một Brexit không thỏa thuận mà có thể gây thiệt hại lên kinh tế của cả hai bên vào ngày 31/10/2019 tới.

Mối đe dọa của Brexit cứng là một trong những yếu tố chính làm tăng nhu cầu vàng trong danh mục của giới đầu tư châu Âu trong năm nay, cùng với tình trạng lãi suất âm của Ngân hàng Trung ương châu Âu. Một thỏa thuận nếu đạt được giữa hai bên sẽ loại bỏ tình huống xấu nhất cho các nhà đầu tư và cho nền kinh tế châu Âu cũng như toàn cầu, do đó giá vàng phản ứng tiêu cực khi rủi ro giảm xuống là điều dễ hiểu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bất chấp dòng tiền đổ vào mạnh, vàng vẫn không tránh khỏi áp lực điều chỉnh giảm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO