Bán hàng trực tuyến đã "kết trái"

HỒNG NGA| 22/04/2017 06:44

Quy mô thị trường thương mại điện tử có thể đạt đến 10 tỷ USD trong vòng 5 năm tới.

Bán hàng trực tuyến đã

Quy mô thị trường thương mại điện tử có thể đạt đến 10 tỷ USD trong vòng 5 năm tới... 

Đọc E-paper

Nhận định tại Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam 2017 hồi tháng 2 vừa qua, ông Trần Trọng Tuyến - Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng, mức độ tăng trưởng thương mại điện tử có thể lên đến 30 - 50%. Trong 5 năm tới, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt 10 tỷ USD.

Liên tục tăng trưởng

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Kinh Doanh - TGĐ Công ty CP Thế Giới Di Động (đơn vị sở hữu chuỗi cửa hàng Thế Giới Di Động, Điện máy Xanh, Bách hóa Xanh và sàn thương mại điện tử vuivui.com) cho biết, bán hàng trực tuyến đang phát triển mạnh và mang lại thành công cho doanh nghiệp. Năm 2015, doanh thu bán hàng online của Thế Giới Di Động đạt 1.650 tỷ đồng, tăng 94% so với năm trước (năm 2014 đạt 925 tỷ đồng).

Với sự tăng trưởng vượt bậc của kênh bán hàng online, năm 2016, Công ty tập trung phát triển kênh bán hàng này và đã đạt doanh thu trên 3.372 tỷ đồng, tăng 104% so với năm 2015. Với thành quả đó, đầu năm 2017, Thế Giới Di Động đã ra mắt sàn thương mại điện tử vuivui.com, hoạt động theo mô hình B2C với hình thức kết nối các đơn vị cung cấp hàng hóa, sản phẩm tới người tiêu dùng. Đây sẽ là một đại siêu thị online với rất nhiều ngành hàng, trong đó, khoảng 80% hàng hóa do Thế Giới Di Động cung cấp.

>>Robot kho hàng - Giải pháp năng suất cho thương mại điện tử

Đánh giá về sự tăng trưởng kinh doanh trực tuyến của Thế Giới Di Động, nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, ngoài lợi thế của môi trường thương mại điện tử đang phát triển, chính mạng lưới phủ rộng của Thế Giới Di Động (công ty này hiện sở hữu mạng lưới phân phối với 984 cửa hàng thegioididong.com, 303 siêu thị Điện máy Xanh và 54 cửa hàng Bách hóa Xanh) đã tạo lợi thế về giao hàng, bảo hành, chăm sóc khách hàng. Đó cũng là lý do để Thế Giới Di Động đầu tư mạnh vào online.

Chia sẻ tại đại hội cổ đông thường niên năm 2017 mới đây, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thế Giới Di Động cho rằng, thị trường online rất tiềm năng và trong 5 năm nữa sẽ phát triển mạnh. Hiện tại, bán hàng online đang chiếm 5% thị trường bán lẻ và thị trường này sẽ mở rộng đến 20% trong thời gian tới.

Vì vậy, Công ty xây dựng kế hoạch đầu tư mạnh vào online là để đón đầu xu hướng và vuivui.com đặt kỳ vọng vượt qua chuỗi thegioididong.com trong 5 năm tới.

Nhanh chóng nắm cơ hội

Nhìn thấy sức hấp dẫn của thị trường, công ty dẫn đầu ngành sữa là Vinamilk đã nhanh chóng tham gia kênh bán hàng này bằng sự kiện ra mắt website thương mại điện tử Vinamilk eShop - Giấc mơ sữa Việt (giacmosuaviet.com.vn) vào đầu tháng 10/2016. Tại website này, khách hàng có thể mua trực tuyến sản phẩm của Vinamilk như sữa bột, sữa đặc, sữa chua, sữa nước, phô mai, bột dinh dưỡng...

Theo đại diện của Vinamilk, với việc bán hàng trực tuyến, Vinamilk tiếp cận thêm được nhiều khách hàng, đặc biệt là khách hàng không có nhiều thời gian để trực tiếp ra cửa hàng mua sản phẩm.

Báo cáo của Ban điều hành Vinamilk với các cổ đông công ty cho thấy, năm 2016 là năm thay đổi vượt bậc trong việc gia tăng sự hiện diện của sản phẩm Vinamilk trên thị trường. Cụ thể, hiện Vinamilk chiếm 55% thị phần sữa nước, 34% thị phần sữa chua, 80% thị phần sữa đặc, 40% thị phần sữa bột.

Thành quả này là kết quả cộng hưởng từ hệ thống phân phối với 220.000 điểm bán lẻ, 575 cửa hàng phân phối trực tiếp. Điểm mới nhất của khâu phân phối là kênh thương mại điện tử. Năm 2017 này, Công ty sẽ đẩy mạnh kênh phân phối online để tăng sự thuận tiện cho người tiêu dùng.

>>Chinh phục 6 nhóm khách hàng trực tuyến

Cũng như Vinamilk, Thế giới Di Động kỳ vọng rất lớn vào sự tăng trưởng của kênh bán hàng trực tuyến. Năm 2017, Thế Giới Di Động đạt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất tăng 42%, đạt 63.280 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 2.200 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2016. Trong kế hoạch này, doanh thu từ mảng online lên đến 6.650 tỷ đồng, tăng 100% so với năm 2016 và trang thương mại điện tử vuivui.com sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược công ty. Và như vậy, doanh thu online sẽ lên đến hơn 10,5% tổng doanh thu của Thế Giới Di Động.

Sự phát triển mạnh mẽ của kinh doanh trực tuyến được nhìn thấy không chỉ qua 2 "ông lớn" trên mà qua hàng ngàn doanh nghiệp khác. Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, tính đến năm 2016, đã có tới 32% số doanh nghiệp thiết lập kinh doanh với đối tác nước ngoài qua kênh trực tuyến, 11% doanh nghiệp tham gia các sàn thương mại điện tử và website.

Bên cạnh sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam là sự xuất hiện của các nhà đầu tư nước ngoài và xu hướng M&A (mua bán sáp nhập) phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực này. Chỉ riêng trong năm 2016, thị trường đã chứng kiến nhiều thương vụ M&A lớn, như Nguyễn Kim đã mua lại Zalora Việt Nam, Lazada Việt Nam đã thuộc về một trong những tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới là Alibaba...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bán hàng trực tuyến đã "kết trái"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO