81% nhà sản xuất xem xét đa dạng hóa hoạt động ở nước ngoài

Lữ Ý Nhi| 04/09/2019 00:29

Theo khảo sát của DHL Global Forwarding, 81% các nhà sản xuất trong lĩnh vực bán lẻ đang xem xét đa dạng hóa các hoạt động của họ ở bên ngoài Việt Nam.

81% nhà sản xuất xem xét đa dạng hóa hoạt động ở nước ngoài

Theo một cuộc khảo sát từ DHL Global Forwarding, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đa số người tham gia cho biết Việt Nam sẽ tiếp tục là nơi diễn ra hầu hết hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

61% chia sẻ họ đang tìm hiểu thêm về quốc gia láng giềng Campuchia, theo sau là Indonesia, Thái Lan, Philippines, Bangladesh và Sri Lanka - những cái tên tiềm năng cho kế hoạch đa dạng hóa hoạt động kinh doanh. 59% người tham gia khảo sát cho biết doanh nghiệp của họ đã hoạt động tại Việt Nam hơn một thập kỷ. Đặc biệt, 82% cho biết chi phí cho sản xuất và nhân công là yếu tố then chốt để họ quyết định đặt cơ sở tại Việt Nam.

Chỉ có 9% đối tượng khảo sát vừa mới chuyển hoạt động kinh doanh đến Việt Nam trong vòng 1-2 năm qua, trong đó 11% cho rằng tình hình căng thẳng thương mại Mỹ - Trung là nguyên nhân chính thôi thúc họ quyết định thay đổi sang thị trường Việt Nam.  

Đặc biệt, các ý kiến đều đồng tình rằng, chi phí cho logistics hiện đang chiếm 20,8% trên tổng số GDP của Việt Nam. Đây là một con số tương đối cao và Việt Nam cần thực hiện một số biện pháp khác để duy trì sức cạnh tranh.

Tuy nhiên, khi được hỏi về các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thì 54% số người tham gia khảo sát cho rằng quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có tác động lớn nhất. Trong khi đó, 27% lại nhắc đến Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và 17% nhắc đến Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Họ cho rằng những hiệp định này có tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của mình, nhấn mạnh tầm quan trọng của các hiệp định thương mại song phương và đa phương trong sự phát triển của ngành sản xuất chế tạo tại các thị trường mới nổi.

Bà Swati Wig - Trưởng bộ phận DHL Consulting khu vực châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ: "Việt Nam đang được định vị là trung tâm sản xuất của thế giới nhờ sự ổn định chính trị, chính sách thân thiện với doanh nghiệp, đất đai và nguồn nhân lực có sẵn cùng với lợi thế về vị trí địa lý chiến lược. Việt Nam cũng có một thị trường tiêu thụ nội địa phát triển nhanh chóng đối với ngành bán lẻ".

“Việt Nam đã đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng giao thông và logistics cũng như đào tạo kỹ năng cho lực lượng lao động của ngành bán lẻ, nhưng cũng cần đặc biệt chú ý đến chi phí, đất đai có sẵn và thêm vào danh mục đầu tư các hoạt động giá tăng giá trị cho ngành bán lẻ và thời trang khi ngày càng có nhiều công ty hiện diện tại đây”, bà Swati Wig nói thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
81% nhà sản xuất xem xét đa dạng hóa hoạt động ở nước ngoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO