Trong nước

Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 11 tháng qua ở mức thấp nhất trong ba năm

Thanh An 06/12/2023 22:01

Theo báo cáo sản xuất công nghiệp, thương mại được Bộ Công Thương công bố hôm nay, xuất khẩu hàng hóa tháng 11 không giữ được nhịp tăng như tháng trước, khi kim ngạch giảm gần 4%, xấp xỉ 31,1 tỷ USD.

Cụ thể, theo tính toán của Bộ Công thương, bình quân 5 tháng gần đây, kim ngạch xuất khẩu đạt 30 tỷ USD một tháng, cao hơn mức 27,45 tỷ USD nửa đầu năm. Điều này cho thấy xuất khẩu tiếp tục khởi sắc, giúp rút ngắn đà suy giảm so với năm ngoái.

Tính chung 11 tháng qua, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 322,5 tỷ USD, giảm 6% so với cùng kỳ 2022. Mức suy giảm được thu hẹp, chỉ bằng một nửa so với đầu năm (12%).

Trong khi đó, nhập khẩu tháng 11 chỉ tăng 1% so với tháng trước, đạt 30 tỉ USD. Lũy kế 11 tháng, chỉ tiêu này đạt gần 297 tỉ USD, thấp hơn 11% cùng kỳ năm trước. Khu vực kinh tế trong nước và nước ngoài vẫn ghi nhận xu hướng nhập khẩu nguyên phụ liệu, máy móc, hàng hóa hạ 9% và 11,7% so với năm ngoái.

Như vậy, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng đạt gần 620 tỉ USD, giảm 8,3% cùng kỳ năm trước. Đây là mức thấp nhất cùng kỳ trong 3 năm qua.

56f00a84deb971fa587ab412de32146f.jpg

Nguyên nhân của việc tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đang ở mức thấp như vậy là do nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn về đơn hàng, nhất là ở các thuộc các ngành chủ lực như dệt may, da giày, thủy sản, gỗ… khiến lượng nhập nguyên liệu, máy móc thấp hơn 10,4% so với năm ngoái, gần 263 tỷ USD.

Nhìn chung, các ngành hàng đều gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu do tổng cầu trên thế giới giảm, nhất là đối với hàng hoá tiêu dùng không thiết yếu, do vậy kim ngạch xuất khẩu 11 tháng năm 2023 của nước ta sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm, tuy nhiên mức độ suy giảm có xu hướng thu hẹp dần và mức độ tác động đến xuất khẩu từng ngành hàng có sự khác nhau. Trong đó, xuất khẩu tới thị trường châu Á giảm 1,4%; châu Âu giảm 6,6%; châu Mỹ giảm 12,4%; châu Phi tăng 3,7%; châu Đại dương giảm 2,7%.

Bên cạnh đó, xu hướng hàng rào bảo hộ trên thế giới đang gia tăng cũng góp phần làm giảm kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Tính đến tháng 11/2023, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 238 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường. Trong đó, đứng đầu là các vụ điều tra chống bán phá giá (132 vụ việc), tiếp đó là các vụ việc tự vệ (48 vụ việc), chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (35 vụ việc) và chống trợ cấp (23 vụ việc).

Bên cạnh số lượng lớn vụ việc nước ngoài điều tra chống bán phá giá đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, một số thị trường xuất khẩu lớn, trong đó có thị trường Mỹ, cũng tăng cường các hoạt động điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Trong số vụ việc điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, có một số vụ việc liên quan đến các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như pin năng lượng mặt trời, tủ gỗ.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam đang phải nhập nguyên liệu, hàng hóa, thiết bị rất nhiều từ nước ngoài, nhất là thị trường Trung Quốc, trong 11 tháng vừa qua đã đạt gần 100 tỷ USD. Tiếp theo, Hàn Quốc và ASEAN lần lượt 48 tỷ và 37,6 tỷ USD.

Tuy nhiên, Việt Nam tiếp tục ghi nhận cán cân thương mại thặng dư, khi xuất siêu gần 26 tỉ USD, tăng gần 2,5 lần năm ngoái và là mức cao nhất 10 năm trở lại đây. Kết quả này nhờ khu vực nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu hơn 45,8 tỉ USD, trong khi doanh nghiệp trong nước nhập siêu 20 tỉ USD.

Trong 11 tháng năm 2023, có 33 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 93,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỉ USD, chiếm 66%).

xuat-nhap-khau-hang-hoa-viet-nam-nam-2019-mot-nam-nhin-lai.jpg
Trong tháng cuối năm 2023, dự báo xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ khởi sắc hơn

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng dự báo xuất nhập khẩu sẽ khởi sắc hơn trong tháng cuối năm nhờ tăng trưởng một số nền kinh tế lớn tốt hơn kịch bản đưa ra, lạm phát tại Mỹ, Trung Quốc, châu Âu hạ nhiệt. Hàng tồn kho tại các nước đang giảm, nhập khẩu từ các nền kinh tế lớn nhất thế giới, là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam có tín hiệu tích cực. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa (thế giới, trong nước) thường tăng cao vào dịp cuối năm, kích thích xuất khẩu, tiêu dùng nội địa.

Hiện tại, Bộ Công thương cho biết sẽ đẩy nhanh đàm phán, ký các hiệp định, cam kết thương mại với các đối tác tiềm năng (UAE, MERCOSUR) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Đồng thời, phối hợp cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong đàm phán với Trung Quốc để mở cửa thêm cho các mặt hàng nông sản như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 11 tháng qua ở mức thấp nhất trong ba năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO