Huỳnh Trà - kiến trúc sư trẻ tiêu biểu của TP.HCM năm 2017-Ảnh: H.T |
Kiến trúc sư Huỳnh Trà 34 tuổi vừa lập "hat trick" Giải thưởng Kiến trúc TP.HCM lần thứ nhất 2017: giải Vàng thể loại nhà ở, bằng khen cho kiến trúc sư trẻ tiêu biểu và giải thưởng Công trình đạt tiêu chí kiến trúc xanh. Cả ba giải thưởng đều đến từ tác phẩm dự thi duy nhất: Nhà hàng xóm.
Giấc mơ kiến trúc
Huỳnh Trà sinh ra trong gia đình làm nghề buôn bán nhỏ ở xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Cấp 1 và cấp 2 học trường làng, cấp 3 lên thị trấn Phú Phong - Tây Sơn học Trường Quang Trung. Năm 2001, lớp 11 của Trà đón một cô giáo đến thực tập làm chủ nhiệm. Để chuẩn bị cho buổi cắm trại toàn trường, cô tổ chức cuộc thi vẽ tranh, thiết kế trại trong lớp. Huỳnh Trà tham gia cuộc thi với bản vẽ thiết kế cổng trại.
Khi xem bản vẽ, cô nói Trà có năng khiếu vẽ và gợi ý nên theo nghề kiến trúc. Lúc đó Huỳnh Trà chưa có ý niệm gì về hướng nghiệp cũng như thi đại học. Khi cô giáo giải thích muốn vào trường kiến trúc sẽ phải thi các môn toán, lý và năng khiếu vẽ thì Huỳnh Trà rất vui mừng vì... thoát được môn hóa.
Về nhà, Trà nói lại ý của cô giáo thực tập, ba Trà xuống huyện liên hệ và tìm được thầy Bảy ở Nhà văn hóa huyện nhận lời dạy vẽ cho Huỳnh Trà. Thầy Bảy là người chuyên vẽ pano, áp phích tuyên truyền cho các phong trào của huyện. Khi đến học, Trà được thầy chỉ bảo những điều cơ bản về đồ họa. Lên lớp 12, Trà trở thành cộng tác viên của thầy Bảy, cũng vẽ pano, áp phích.
Năm 2002, Huỳnh Trà thi vào khoa kiến trúc Đại học Kiến trúc TP.HCM và Đại học Văn Lang. Kết quả Trà rớt cả hai trường. Có được sự đồng ý của ba, Huỳnh Trà vào Sài Gòn luyện thi lại để theo đuổi giấc mơ kiến trúc. Năm 2003, Huỳnh Trà thi lại vào hai đại học trên.
Kết quả lại không đậu nguyện vọng 1 của cả hai trường. Khi Trà đang chuẩn bị tinh thần sẵn sàng thi lần thứ 3, ba Trà gọi điện thoại đến Đại học Văn Lang hỏi lại thì được biết Trà trúng tuyển trong đợt tuyển sinh nguyện vọng 2 và Trường đã gửi thông báo nhập học về địa phương. Ngay hôm đó, ba của Huỳnh Trà mở tiệc ăn mừng giấc mơ học kiến trúc của con trai đã trở thành hiện thực.
Huỳnh Trà vào Sài Gòn nhập học, đang chập chững làm quen với môi trường học tập mới thì một biến cố xảy ra với gia đình: ba Trà bệnh nặng khi anh vừa kết thúc học kỳ I năm thứ nhất và mất vài tháng sau đó. Một mình mẹ Trà phải nuôi ba anh em là Huỳnh Trà học Đại học Văn Lang, em kế Trà là Huỳnh Cân học Cao đẳng Công nghiệp ở Thủ Đức, TP.HCM và em út học trung học phổ thông ở quê. Đó là những ngày tháng khó khăn, Trà phải đến ở nhờ nhà bà con để vừa đi học, vừa phụ làm nem, chả, vừa đi dạy thêm.
Năm 2006, khi Trà học lên năm thứ tư thì Huỳnh Cân tốt nghiệp, đi làm và có tiền phụ thêm với anh lo chi phí sinh hoạt, in ấn tài liệu để Huỳnh Trà tập trung làm đồ án tốt nghiệp. Kết quả của những năm tháng miệt mài vừa học vừa làm là đồ án tốt nghiệp của Trà là 1 trong 2 đồ án đạt điểm cao nhất khóa và được gửi đi tham dự giải thưởng Loa Thành - giải thưởng dành cho các đồ án tốt nghiệp đại học xuất sắc ngành kiến trúc, xây dựng toàn quốc do Tổng hội Xây dựng Việt Nam và Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức.
Ảnh chụp chính diện công trình "Nhà hàng xóm", công trình đã mang đến "hat trick" giải thưởng cho kiến trúc sư trẻ Huỳnh Trà Ảnh: Trung Trương |
Cơ may gặp những người thầy
Ra trường, Huỳnh Trà xin được chân thử việc ở một văn phòng kiến trúc nhỏ. Chưa có dịp làm nghề, Trà và người bạn cùng làm đã nhìn thấy mặt trái của công việc: ngày nào những người bán thiết bị, vật liệu xây dựng cũng kéo đến văn phòng đòi nợ. Một buổi, Trà và bạn phải ra cà phê vỉa hè ngồi để tránh nhìn thấy cảnh tranh cãi đòi nợ và tình cờ nghe thấy một người đàn ông nhận lời với ai đó qua điện thoại là sẽ tìm giúp hai kiến trúc sư trẻ.
Trà và bạn mạnh dạn bước sang làm quen, tự giới thiệu về mình và cơ duyên đã đến một cách bất ngờ: hai người trở thành nhân viên của Công ty ATA do Thạc sĩ kiến trúcThái Ngọc Hùng làm giám đốc. Lúc đại diện ATA hỏi mức lương đề nghị, Huỳnh Trà thật thà trả lời: "Dạ, nhiêu cũng được". Nhớ lại lúc Công ty quyết định trả 6 triệu đồng/tháng, Trà tâm sự có nằm mơ cũng không dám nghĩ tới mức lương như vậy khi vừa ra trường năm 2007.
Huỳnh Trà kể, nhìn lại chặng đường đã qua để chạm đến được giấc mơ kiến trúc, cơ may của anh là gặp được những người thầy vào đúng những thời điểm thích hợp. Hồi học trung học phổ thông ở quê nhà là thầy Bảy dạy những nét vẽ đầu tiên, khi học đại học được kiến trúc sư Đỗ Quốc Hiệp hướng dẫn làm đồ án, và khi ra trường lại được học thực tế qua quá trình làm việc trực tiếp với kiến trúc sư Thái Ngọc Hùng.
Tại Công ty ATA, được giao công việc thiết kế sơ phác, Huỳnh Trà không chỉ học được cách tiếp cận nhiệm vụ thiết kế để đưa ra phương án, giải pháp, mà còn học được kỹ năng thực hiện bản vẽ và cả kỹ năng trình bày, thuyết phục đối tác, chủ đầu tư. Với những tiến bộ trong công việc, Huỳnh Trà được giao nhiều việc ở những công trình lớn hơn.
Năm 2011, Huỳnh Trà lập gia đình với kiến trúc sư Nguyễn Quỳnh Thư là bạn học cùng lớp đại học nhưng chọn chuyên ngành thiết kế nội thất. Bên cạnh công việc chính ở ATA, vợ chồng Trà - Thư còn nhận thêm những công trình nội thất, nhà ở. Nếu quá trình làm việc ở ATA đem lại cơ hội học tập khi thiết kế, vẽ..., thì những công trình này lại cho Huỳnh Trà cơ hội học về việc chủ trì một công trình từ thiết kế, thi công đến tư vấn chọn và sử dụng vật liệu.
Craft Café là công trình ghi dấu nhiều kỷ niệm đẹp của hai vợ chồng. Quán chỉ rộng chừng 30m2 và hai vợ chồng rất hợp ý trong việc quyết định về phong cách, chất liệu và thi công. Cả hai rất tâm đắc với không gian quán được thiết kế theo ý thích, gây được sự chú ý.
Đã có một số người chọn quán làm nơi chụp ảnh vào những dịp như kỷ niệm ngày cưới, sinh nhật..., một số ca sĩ chọn quán làm nơi gặp gỡ, giao lưu với người hâm mộ. Những kỹ năng đó đã giúp Huỳnh Trà rất nhiều khi làm "Nhà hàng xóm".
Không gian quán cà phê Craft, một kỷ niệm đáng nhớ của vợ chồng kiến trúc sư Nguyễn Quỳnh Thư - Huỳnh Trà. Ảnh: Vy Lê |
"Nhà hàng xóm" thân thiện
Ấn tượng trong trí nhớ của Huỳnh Trà về Tây Sơn là làng quê yên bình với những ngôi nhà mái ngói san sát nhau khuất sau những hàng giậu. Dưới bóng cây làng, mọi người sống cùng nhau, chia sẻ với nhau những buồn vui trong cuộc sống. Hàng xóm, theo Huỳnh Trà, là những người sống chung với nhau trong một không gian làng xóm. Nhà hàng xóm là những ngôi nhà đem lại cảm giác gần gũi, thân thiện.
Ấn tượng đó đã theo anh khi bắt tay làm "Nhà hàng xóm" vào khoảng giữa năm 2016. Cần nói rõ, khách hàng của Huỳnh Trà ở công trình này là một người đặc biệt với anh: Huỳnh Cân, em của Huỳnh Trà. Cùng chung thời thơ ấu ở quê nhà, đồng cam cộng khổ nơi phố thị những năm tháng xa nhà thời sinh viên nên có thể nói Huỳnh Trà rất hiểu em mình. Khi người em lập gia đình, mua được miếng đất, muốn xây nhà ở kết hợp văn phòng, Huỳnh Trà coi đó là công việc của chính mình.
Lấy hình ảnh những ngôi nhà mái ngói san sát nhau khuất sau những hàng giậu làm ý tưởng chính, hình khối công trình được cách điệu từ đường nét ấy, song song đó là cách bố trí không gian có những nét tương đồng của nhà xưa, cùng với sự kết hợp vật liệu truyền thống và hiện đại tạo nên một công trình phù hợp với cuộc sống hiện tại nhưng vẫn mang nét thân thiện của ngôi nhà ở làng quê.
Kiến trúc sư và chủ đầu tư, hai anh em Huỳnh Trà - Huỳnh Cân không gặp khó khăn gì khi thống nhất ý tưởng và quan điểm thiết kế. Cả hai cũng thống nhất với nhau, tổng kinh phí của công trình 1 trệt và 1 lầu không tính tiền đất được ấn định không quá 1,2 tỷ đồng. Huỳnh Trà phải đầu tư nhiều thời gian cho ý tưởng thiết kế, chọn mua vật liệu và thi công.
"Nhà hàng xóm" được hoàn thành vào tháng 4/2017 sau 6 tháng thi công, nhưng tính thời gian ý tưởng hoàn thiện thì có lẽ là từ giữa năm 2016, khi Huỳnh Cân có miếng đất. Ý tưởng chỉn chu đến mức khi được hỏi: "Nếu có nhiều hơn 1,2 tỷ đồng thì sẽ thay đổi gì”, Huỳnh Trà tự tin đáp: "Về cơ bản sẽ không thay đổi gì, tất cả đã được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng". Vì vậy, khi làm hồ sơ dự thi Giải thưởng Kiến trúc TP.HCM, Huỳnh Trà cũng hy vọng có giải thưởng. Tuy nhiên, khi kết quả được công bố, anh hết sức bất ngờ vì công trình đã lập "hat trick".
Chia sẻ quan niệm về việc hành nghề, "kiến trúc sư trẻ tiêu biểu" Huỳnh Trà nhấn mạnh yếu tố trung thực. Theo Huỳnh Trà, kiến trúc sư cần lắng nghe nhu cầu, nguyện vọng, sở thích của chủ đầu tư nhưng không phải là người đưa ra phương án để minh họa, chiều theo ý thích của chủ đầu tư bất chấp mọi điều kiện. Nếu làm như thế, kiến trúc sư đã không trung thực với khách hàng và với chính mình.
Hình ảnh những "biệt phủ”, "lâu đài" dù có thể được đầu tư nhiều tiền, có nhiều thiết bị hiện đại, quy mô lớn nhưng bị dư luận chê trách, phản đối trong mấy năm qua là ví dụ về những công trình kiến trúc không thân thiện với con người, với môi trường sống xung quanh. Hơn ai hết, kiến trúc sư là người biết trước sản phẩm đó sẽ nhận được những phản ứng tiêu cực mà vẫn cố ý làm thì họ đã không trung thực với nghề.
"Kiến trúc sư phải nói đúng thực tế, thuyết phục khách hàng bằng sản phẩm đẹp hài hòa với thẩm mỹ của chủ đầu tư và kiến trúc sư, phù hợp với nhu cầu, sở thích và khả năng của khách hàng, không bị tác động bởi người bán vật liệu, thiết bị. Với tôi, đó là sự trung thực trong hành nghề. Tôi mong muốn tạo ra những công trình thân thiện với con người, với môi trường", kiến trúc sư Huỳnh Trà nói.