"Cuộc đời của mỗi doanh nhân được ví von là quyển sách sống, chứa đựng những câu chuyện, những kinh nghiệm của họ cũng như quá trình hình thành và phát triển sự nghiệp của mỗi doanh nhân. Mỗi doanh nhân là một cuốn sách quý, lan tỏa những kinh nghiệm cho cộng đồng, cho độc giả. Sách cũng là nhu cầu rất cao đối với sinh viên.
Tuy nhiên, các doanh nhân lại chưa có cơ hội chia sẻ lại cho thế hệ sau và thông qua những buổi talkshow này, dự án sách sống sẽ chia sẻ những câu chuyện đời của các doanh nhân thành công. Qua đó, các bạn sinh viên sẽ được nghe những câu chuyện thành công, đúc kết được những kinh nghiệm cần có cho mỗi cá nhân", bà Lê Thị Thanh Lâm - Trưởng Ban Điều hành dự án "Sách sống Sài Gòn" chia sẻ.
Kể lại câu chuyện khởi nghiệp của bản thân, bà Lan đã mang đến cho các bạn trẻ nhiều kinh nghiệm vươn lên từ bản thân, cũng như các bí quyết chọn nghề, làm sao để phỏng vấn thành công và hòa nhập nhanh với môi trường kinh doanh quốc tế như hiện nay...
Bà kể: "Khởi nghiệp từ những ngày đầu tiên trên giảng đường của chương trình thạc sĩ MSM-MBA (thuộc Đại học Bách khoa TP.HCM), chính kiến thức học được từ chương trình MSM-MBA trong 4 tháng đầu (gồm các môn tài chính, kế toán, kinh tế, quản trị chiến lược và nhập môn quản trị nhân sự) đã tạo nền tảng để tôi bước vào khởi nghiệp.
Đặt mục tiêu vào trường y và đi thi trường y của Huế và trung cấp Đại học Y Đà Nẵng nhưng khi trên đường đi thi thì bị lật xe tai nạn nên tôi phải tạm ngưng tất cả năm 1992, lúc 17 tuổi.
Sau khi đậu vào Khoa Quản trị Kinh doanh Trường Đại Học Đà Lạt, xác định ra trường phải có ngay việc làm nên vừa đi học thêm tin học, kỹ năng mềm. Đặc biệt, tôi đọc rất nhiều sách.
Bắt đầu đi làm với công việc PG triển lãm tranh kiếm tiền, sau đó vào làm việc cho công ty mới khởi nghiệp Logistics An Nhơn, bắt đầu từ vị trí nhân viên chứng từ, soạn thảo văn bản. Tôi luôn đi làm sớm, bắt đầu làm việc lúc 7 giờ 30 và làm đến 8-9 giờ tối. Tôi xác định làm tất cả công việc được giao, làm khi nào hết việc mới về và tôi làm gần 12 giờ làm việc một ngày.
Sau ba năm lên chức trưởng phòng kinh doanh, tôi xin ra ngoài làm công việc khác. Sau đó, Công ty American Container Line mời tôi về làm và tôi đã chọn văn phòng của Mỹ thay vì văn phòng của Singapore dù được trả lương cao hơn. Tôi phân tích rất kỹ, thời điểm đó Mỹ vừa bỏ cấm vận Việt Nam, cơ hội rất nhiều. Năm 2000, tôi đã làm trưởng phòng kinh doanh và được giao quản lý toàn bộ văn phòng với một yêu cầu là mở thêm văn phòng tại Việt Nam gồm Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng.
Năm 26 tuổi, một mình tôi vác balo đi ra Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng làm tất cả thủ tục thành lập văn phòng, tuyển dụng nhân sự và mở thêm văn phòng Campuchia. Đây là chuyến xuất ngoại đầu tiên.
Năm 2002, lúc Tổng thống Bill Clinton thăm cảng Việt Nam, tôi là một trong những khách mời được vinh dự được đón Tổng thống. Những điều ông nói đã thấm vào đầu, tôi quyết định trau dồi thêm tiếng Anh.
Thời điểm đó, tàu hàng Việt Nam không bao giờ được đi thẳng đến Mỹ. Tôi đã nghiên cứu tính toán bài toán kinh tế nếu trực tiếp đóng hàng từ cảng Sài Gòn đến cảng Los Angeles thì giá thành chỉ bằng 1/3 so với cách truyền thống. Khi tôi trình bày với đồng nghiệp thì họ không tin, nhưng tôi đã quyết tâm thực hiện và đã thành công, được sếp bên Mỹ tăng lương. Tôi đi cùng kế hoạch này bằng cách "ăn ngủ" suốt ngày ngoài cảng để đóng hàng. Suốt thời gian làm việc, tôi vừa làm vừa học tiếng Anh với một nhân viên giỏi tiếng Anh của công ty.
Để làm được logistics đến ngày hôm nay, tôi đã trải qua rất nhiều kinh nghiệm từ việc học. Đầu tiên, để quản lý mở các văn phòng đại diện, tôi đã tham gia học lớp đầu tiên chương trình đào tạo 1.000 giám đốc. Đây là nền móng giúp tôi tự tin khi làm việc với các cơ quan nhà nước. Năm 2007, tôi đã đi học lớp chuyên ngành của Canada, đề tài tốt nghiệp MBA của tôi là nghiên cứu chuyên sâu để nâng cao ngành và chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Để đầu tư vào vận tải và chuỗi cung ứng, năm 2016 tôi đã học lớp Logistics Master của đại học Thái Lan. Năm 2017, tôi đã đăng ký học lớp chuỗi cung ứng của chính phủ Đài Loan tài trợ cho các nước ASEAN tại trường đại học ở Đài Loan.
Có một câu nói theo suốt tôi những lúc gặp khó khăn, đó là "Bến thành công đang chờ người cố gắng, hạnh phúc dành cho những kẻ vượt mọi khó khăn". Muốn vượt được khó khăn, ngoài mục tiêu và kế hoạch thì phải có được sự kiên trì, bền bỉ. Ngoài ra, cần có sự quyết đoán để chọn lựa những quyết định về công việc và dự án để đưa công ty phát triển.
Khi mới bắt đầu thành lập công ty, tôi làm việc có mục tiêu và kế hoạch rõ ràng. Thời tôi đi làm thuê được đánh giá "làm thuê như làm chủ" vì có đầy đủ tổ chức, kinh nghiệm về kinh doanh, sale nhưng tôi cần người quản lý tài chính và người giỏi tiếng Anh, làm dịch vụ oversea và forwarding. Tôi không chuyên sâu mảng đại lý hải quan nên tôi cũng cần người mảng này".
Chia sẻ bí quyết giao tiếp với nhiều nền văn hóa, bà Lan nói: "Trước khi ra nước ngoài, tôi thường đọc sách hoặc xem clip về đất nước mình sắp đến. Ví dụ, tôi học cách chào, cách ôm, cách nói chuyện xã giao. Trước khi tôi đến nước Nhật, tôi đã tìm hiểu rất kỹ về văn hóa của họ, không được viết tên người nào đó hoặc tên doanh nghiệp bằng màu đỏ vì thể hiện cho cái chết và sự phá sản".
Với các bạn trẻ khởi nghiệp, bà Lan cho rằng, có ba yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" quyết định rất lớn đến sự thành công. Trong đó "thiên thời, địa lợi" là yếu tố khách quan, còn "nhân hòa" là yếu tố do con người. Tuy nhiên, con người cũng cần có sự tỉnh táo để lựa chọn đúng thời điểm, đúng nơi, đúng chỗ. Đối với các bạn trẻ đang có dự định khởi nghiệp, cần phải có ý chí, đừng bao giờ bỏ cuộc và luôn luôn học hỏi, trau dồi kiến thức không chỉ ở trên lớp, trong trường mà còn ngoài thực tiễn xã hội.