Khủng hoảng Myanmar và thách thức đối với ASEAN

Khả Hân| 29/03/2021 04:06

Cuộc khủng hoảng chính trị ở Myanmar đang khiến nhiều nước chia rẽ về mặt quan điểm, do đó những bất ổn có thể sẽ tiếp tục kéo dài, không chỉ gây thiệt hại cho nền kinh tế và xã hội của nước này, mà còn có thể kéo theo sự suy yếu của khối ASEAN.

Sẽ còn kéo dài

Đã hơn một tháng kể từ khi lực lượng quân đội Myanmar đảo chính, bắt giữ các nhà lãnh đạo dân cử, khủng hoảng chính trị tại Myanmar đang ngày càng trầm trọng, kéo theo các cuộc biểu tình nổ ra trên toàn quốc với nhiều người bị bắn chết.

Tình huống xấu nhất là nếu những xung đột nội bộ ở Myanmar gia tăng kéo theo mối quan hệ với các nước rơi vào tình trạng căng thẳng, không loại trừ khả năng chính phủ quân đội nước này có thể đơn phương rút khỏi ASEAN.

Khả năng lực lượng quân đội sẽ sớm ổn định được tình hình đang ngày càng xa vời, khi các phong trào phản đối tiếp tục lan rộng. Dù vậy, chính quyền quân sự hiện nay cũng khó có thể nhượng bộ hay trao trả lại chính quyền cho Đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi, do đó tình hình bất ổn sẽ tiếp diễn mà không bên nào giành thắng lợi rõ rệt.

Quốc tế đang có những quan điểm chia rẽ về tình hình tại Myanmar. Trong khi Mỹ, Anh, Canada, Liên minh châu Âu đã thực hiện hoặc đang xem xét các biện pháp trừng phạt nhằm gây sức ép với quân đội và các đồng minh kinh doanh của họ, thì các quốc gia trong khu vực và có quan hệ kinh tế lớn với Myanmar như Ấn Độ, Úc, New Zealand, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc chỉ mới dừng lại ở những lời lên án.

Giới phân tích cho rằng, các biện pháp trừng phạt của Mỹ dù quan trọng cũng chỉ mang lại tác động nhỏ đối với quân đội Myanmar, trừ khi được phối hợp cùng với các nhà đầu tư lớn vào Myanmar như Singapore, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản. Bất kỳ hành động phối hợp quốc tế nào cũng cần có sự ủng hộ của các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc là Trung Quốc và Nga, trong khi cả hai nước này đều đang bán vũ khí cho Myanmar và được hưởng lợi từ các lệnh cấm vận vũ khí của phương Tây.

[Caption]Khả năng lực lượng quân đội sẽ sớm ổn định được tình hình đang ngày càng xa vời, khi các phong trào phản đối tiếp tục lan rộng

Khả năng lực lượng quân đội sẽ sớm ổn định được tình hình đang ngày càng xa vời, khi các phong trào phản đối tiếp tục lan rộng

Nhưng cho dù các lệnh trừng phạt có được thực thi thì có lẽ cũng chỉ mang tính biểu tượng, vì quân đội và các công ty của Myanmar từ lâu vốn ít tiếp xúc với phương Tây. Một số tướng lĩnh, bao gồm thống tướng Min Aung Hlaing, tổng tư lệnh lực lượng vũ trang Myanmar, đã bị áp lệnh trừng phạt từ trước vì đàn áp người Hồi giáo Rohingya.

Thách thức không chỉ với Myanmar

Trước tình hình bất ổn còn kéo dài, chắc chắn cuộc khủng hoảng lần này sẽ xô đổ những thành quả từ quá trình đổi mới, cải cách kinh tế, chính trị trong thập kỷ qua của Myanmar, kéo lùi đất nước vốn đã là một trong những nước nghèo nhất ở Đông Nam Á. Nhìn lại quá khứ, quốc gia 54 triệu dân này bắt đầu mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài vào năm 2011. Kể từ đó, nền kinh tế tăng trưởng trung bình khoảng 7% mỗi năm, giúp tỷ lệ nghèo đói giảm gần một nửa, từ 48% năm 2005 xuống 25% năm 2017.

Những số liệu gần đây từ Ngân hàng Thế giới cho thấy nền kinh tế Myanmar sẽ tăng trưởng ở mức 2% trong năm nay, trong khi tỷ lệ nghèo đói được dự báo tăng từ 22,4% vào cuối năm 2019 lên 27%. Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên Hiệp Quốc mới đây cũng cảnh báo về nguy cơ xảy ra khủng hoảng kinh tế "rất nghiêm trọng" bởi cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar. Theo WFP, giá thực phẩm và nhiên liệu gia tăng kể từ cuộc đảo chính ngày 1/2/2021 đe dọa đời sống những gia đình nghèo ở Myanmar. 

Từ khi mở cửa, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Myanmar tăng mạnh, từ 1,4 tỷ USD giai đoạn 2012-2013 đến mức 9,5 tỷ USD giai đoạn 2015-2016. Năm ngoái, tổng đầu tư nước ngoài vào Myanmar là 5,5 tỷ USD, nhưng với tình hình hiện nay sẽ khiến hàng tỷ USD đầu tư nước ngoài vào Myanmar "bốc hơi" và thúc đẩy dòng vốn tháo chạy sang các quốc gia khác. Giới doanh nhân Myanmar cũng có thể chuyển đến các nước khác để kinh doanh.

[Caption]Trong khi cuộc khủng hoảng Myanmar chưa thể sớm kết thúc, vấn đề của nước này đang là “bài thuốc thử” đối với ASEAN

Trong khi cuộc khủng hoảng Myanmar chưa thể sớm kết thúc, vấn đề của nước này đang là “bài thuốc thử” đối với ASEAN

Hãng tin Nikkei Asia nhận định, dòng vốn rút ra do bất ổn chính trị ở Myanmar sẽ chảy sang các nước lân cận, trong đó Campuchia và Việt Nam có thể đón nhận nhiều nhất. Đã có doanh nghiệp nước ngoài chấm dứt mối quan hệ đối tác với những công ty có liên quan đến quân đội Myanmar. Chẳng hạn, Công ty bia Kirin Holdings (Nhật Bản) đã dừng hợp tác với Công ty Myanmar Economic Holdings (MEHL) của quân đội Myanmar.

Trong 5 năm qua, Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam đã có tăng trưởng GDP hằng năm khoảng 6%, cao hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, và các nhà đầu tư đã tìm cách tận dụng tối đa điều ấy. Thống kê cho thấy, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các quốc gia này đã tăng 6,3% trong năm 2019, Việt Nam đứng đầu về giá trị dòng vốn thu hút FDI với 16,1 tỷ USD thì Myanmar là quốc gia có mức tăng trưởng FDI cao nhất 55,9% trong năm 2019.

Trong khi cuộc khủng hoảng Myanmar chưa thể sớm kết thúc, vấn đề của nước này đang là “bài thuốc thử” đối với ASEAN - vốn phải đối mặt với nhiều thách thức, cả trong khối cũng như bên ngoài.  

Tình huống xấu nhất là nếu xung đột nội bộ ở Myanmar gia tăng kéo theo mối quan hệ với các nước rơi vào tình trạng căng thẳng, không loại trừ khả năng chính phủ quân đội nước này có thể đơn phương rút khỏi ASEAN, nhất là khi xu hướng ly khai đang ngày càng phổ biến sau sự kiện Brexit cách đây 5 năm ở Anh. Khi đó, tổ chức ASEAN sẽ mất đi một mảnh ghép và đứng trước nguy cơ suy yếu, vốn cũng đã chịu nhiều sức ép gây chia rẽ gần đây. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khủng hoảng Myanmar và thách thức đối với ASEAN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO