Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi xem sản phẩm của các doanh nghiệp trong KCNC TP.HCM |
Tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập KCNC TP.HCM sáng ngày 29/10, ông Nguyễn Anh Thi - Trưởng Ban quản lý KCNC TP.HCM biết, hiện nay, với yêu cầu phát triển đất nước nói chung và TP.HCM nói riêng và trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, hoạt động thu hút đầu tư vào KCNC cũng cần có sự chủ động, có định hướng, chọn lọc, hướng đến thu hút các dự án đầu tư có công nghệ tiên tiến, gắn với khai thác thế mạnh của các hệ sinh thái ngành đã hình thành tại KCNC.
Cụ thể, trong năm 2022, KCNC tập trung thu hút các dự án theo danh mục kêu gọi đầu tư và thu hút thành công dự án trung tâm logistics KCNC với chức năng ga hàng không nối dài nhằm góp phần tiết giảm chi phí logistics của doanh nghiệp. Dự kiến, đến năm 2030, KCNC sẽ phấn đấu trở thành một khu công nghệ cao đạt trình độ thế giới, hoạt động theo mô hình của khu công viên khoa học và công nghệ, trong đó việc bổ sung chức năng Khu công viên Khoa học và Công nghệ có quy mô 197 ha là nhiệm vụ mang tính chiến lược.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan thăm quan các gian hàng tại sự kiện kỷ niệm 20 năm KCNC TP.,HCM |
Nhìn nhận về vai trò của KCNC trong phát triển kinh tế, xã hội của TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, đến thời điểm này, KCNC TP.HCM đã có nhiều nhà đầu tư thành công theo đúng định hướng phát triển công nghệ cao để dẫn dắt kinh tế Thành phố và đất nước. Đây giai đoạn đầu định hình để nhìn lại cái được, chưa được. Sau giai đoạn này sẽ định hình xu thế phát triển của thế giới để đưa ra định hướng phát triển không chỉ cho KCNC mà còn cho cả TP.HCM gắn với phát triển kinh tế của đất nước thời gian tới.
“Trọng tâm của KCNC trong giai đoạn tới là phát triển năng lực nội sinh, tập trung vào các ngành, lĩnh vực có tính đột phá, có tính lan tỏa cao ở tầm quốc gia, gắn với các hệ sinh thái ngành mạnh đã hình thành tại KCNC và tận dụng triệt để các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên cơ sở khai thác các thế mạnh về nguồn nhân lực trình độ cao, tiềm lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, TP.HCM sẽ triển khai mạnh mẽ hơn nữa để giải quyết thủ tục cho nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp nhanh hơn, tốt hơn nhằm sớm triển khai các dự án”, ông Phan Văn Mãi cho biết thêm.
Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT khẳng định, TP.HCM sẽ không thể tỏa sáng như một trung tâm trí tuệ của khu vực nếu không có KCNC TP.HCM. Ông Bình đưa ra dẫn chứng, Ấn Độ sẽ không trở thành cường quốc phần mềm nếu không có Bangalore. Trung Quốc sẽ không có được lợi thế cạnh tranh công nghệ với các cường quốc nếu không có Thẩm Quyến.
KCNC TP.HCM đang sở hữu những tiềm năng để trở thành hạt nhân đưa TP.HCM trở thành trung tâm trí tuệ của khu vực, "viên ngọc xanh" của thế giới. TP.HCM sẽ có cơ hội dẫn đầu thế giới về phát triển các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo AI, Blockchain, Metaverse, Cloud, nghiên cứu phát triển các công nghệ mới nhất về năng lượng sạch (gió, mặt trời…) cũng như các phương thức tích lũy năng lượng như hydro và các động cơ điện, các thế hệ xe năng lượng sạch thế hệ mới…
Đến nay, KCNC TP.HCM đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 163 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 12,068 tỷ USD. Trong đó, nguồn vốn nước ngoài (FDI) là 10,107 tỷ USD, các doanh nghiệp trong nước là 1,961 tỷ USD. Nhiều dự án của các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ cao như: Intel (Hoa Kỳ), Samsung (Hàn Quốc), TTI (Đức), NTT (Nhật Bản)… Ngoài ra, tính đến nay, KCNC TP.HCM lấp đầy hơn 85% đất thương phẩm. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao tăng dần hằng năm, năm 2021 đạt 20,9 tỷ USD (chiếm gần 52% kim ngạch xuất khẩu TP.HCM), dự kiến năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt 23 tỷ USD. |