Ông Nguyễn Văn Lâm - Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội |
* Hiện tại, việc cho di chuyển bằng xe khách liên tỉnh với TP.HCM chưa đồng nhất tại nhiều địa phương. Vậy Thành phố có những giải pháp gì để tạo thuận lợi cho người lao động trở lại làm việc?
- Lãnh đạo Thành phố đã chủ động làm việc với các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên về việc di chuyển từ các khu vực này đến TP.HCM. Trong những ngày gần đây đã có nhiều người dân từ Bình Dương, Tây Ninh và các tỉnh Tây Nguyên di chuyển bằng xe máy đến TP.HCM.
Tôi nghĩ, trong thời gian ngắn nữa thôi, việc di chuyển của người lao động sẽ thuận lợi. Hiện các chuyến bay nối các tỉnh, thành phố đã khai thác trở lại. Nghĩa là rất nhiều phương tiện, điều kiện để người dân các tỉnh, thành trở lại TP.HCM làm việc.
* Thưa ông, rất nhiều người dân cho biết vẫn chưa nhận được số tiền trong gói hỗ trợ đợt 3...
- Sau 22 ngày triển khai gói hỗ trợ đợt 3, đến ngày 22/10/2021 đã có 5.309.401 người được nhận hỗ trợ, đạt khoảng 80%, tức còn khoảng 1,5 triệu người có tên trong danh sách chưa nhận được hỗ trợ. Trong quá trình hỗ trợ có một số thiếu sót. Sở LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục cập nhật những người dân gặp khó khăn nhưng không có tên trong danh sách được hỗ trợ. Lãnh đạo Thành phố đã cho gia hạn thực hiện việc chi trả gói hỗ trợ cho đến hết ngày 31/10/2021, riêng quận 12, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh có thể kéo dài đến ngày 7/11/2021 do số dân đông và một số khu vực còn phong tỏa.
Theo quy định, có 5 nhóm được nhận hỗ trợ đợt 3, gồm nhóm hộ nghèo và cận nghèo, người thuộc diện hưởng chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng đang gặp khó khăn, nhóm người lao động thực sự khó khăn do bị mất việc làm (có mặt tại địa bàn tại thời điểm khảo sát), nhóm người phụ thuộc (với các nhóm trên), nhóm người là cha mẹ, vợ chồng ở nhà, không có việc làm, nhóm người lưu trú ở nhà trọ, khu dân cư nghèo có hoàn cảnh thực sự khó khăn.
* Những người lao động gặp khó khăn đã về quê, khi trở lại TP.HCM có được nhận gói hỗ trợ đợt 3 hay không, thưa ông?
- Về gói đợt 3, có những tiêu chuẩn nhất định khi xét lập danh sách, trong đó những người thuộc diện được hỗ trợ phải có mặt trên địa bàn TP.HCM vào thời điểm khảo sát, lập danh sách. Do đó, người lao động vắng mặt (về quê) thì không thuộc diện được hỗ trợ. Mỗi gói hỗ trợ đều có quy định điều kiện riêng. Người dân cần đối chiếu các tiêu chí để biết mình có thuộc các nhóm được nhận hỗ trợ hay không. Trường hợp thuộc nhóm hỗ trợ nhưng không có trong danh sách thì yêu cầu địa phương bổ sung, nếu cần thiết có thể gặp trực tiếp Trưởng Phòng LĐ-TB&XH các quận, huyện hoặc chuyển trực tiếp yêu cầu lên Sở LĐ-TB&XH. Sở thường xuyên kiểm tra, rà soát việc lập danh sách và công tác chi trả để đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng và kịp thời.
* Hiện có rất nhiều công nhân muốn quay trở lại làm việc, UBND TP.HCM có những chính sách gì để giúp đỡ họ, thưa ông?
- Bên cạnh các gói hỗ trợ, Thành phố đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người lao động khi quay trở lại để sinh sống, làm việc và học tập tại TP.HCM. Hiện Thành phố có hơn 127 doanh nghiệp, trung tâm tiếp nhận và giới thiệu việc làm. Những đơn vị này sẽ tư vấn, hỗ trợ người dân tìm kiếm công việc mới. Sẽ có những khóa đào tạo, hướng dẫn để người lao động hòa nhập với công việc sau giãn cách. Công nhân quay trở lại TP.HCM đều được tiêm vaccine để phòng ngừa SARS-CoV-2. Bên cạnh đó, Thành phố vận động các chủ nhà trọ giảm, miễn tiền thuê phòng trong khoảng thời gian nhất định để giúp đỡ người lao động ổn định lại cuộc sống. Hiện có rất nhiều chủ nhà trọ đồng ý miễn tiền thuê nhà cho công nhân trong một hoặc vài ba tháng. Riêng khu vực lưu trú cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, lãnh đạo Thành phố đã giao cho Sở Xây dựng và các ngành, địa phương liên quan khảo sát và đề xuất cách xây dựng nhà giá thấp.