Những chiếc túi của Việt

MINH HÀO| 05/11/2010 08:43

Ba mươi tám tuổi mới khởi nghiệp nhưng anh cho rằng “không bao giờ là quá trễ” vì giấc mơ nhãn hiệu túi xách da thương hiệu Việt Nam cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài của Việt đã có khởi đầu khá suôn sẻ.

Những chiếc túi của Việt

Từng có những vị trí cao trong các tập đoàn P&G, Castrol BP... nhưng Lê Quốc Việt (Giám đốc Công ty Lê Quân) vẫn ra riêng để thực hiện giấc mơ của mình. Ba mươi tám tuổi mới khởi nghiệp nhưng anh cho rằng “không bao giờ là quá trễ” vì giấc mơ nhãn hiệu túi xách da thương hiệu Việt Nam cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài của Việt đã có khởi đầu khá suôn sẻ.

Tất cả từ nước ngoài

“Việt Nam là một trong những nước gia công hàng đầu trong ngành may mặc và các mặt hàng về da. Tuy nhiên, tới giờ này, chúng ta vẫn chưa có một thương hiệu về da đẳng cấp thật sự như các thương hiệu hàng đầu thế giới như Gucci, Savaltore Feragamo, Prada... điều này thôi thúc tôi hành động để biến giấc mơ thanh hiện thực”, Việt chia sẻ lý do khởi nghiệp trễ của mình. Giấc mơ này anh đã ấp ủ nhiều năm nay nhưng thực sự bắt tay vào làm thì chỉ mới hai năm nay.

Khởi nghiệp khi đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm nên Việt chọn cách làm không giống như các doanh nghiệp khác. Việt thuê ngoài tất cả các công đoạn sản xuất, từ nguyên liệu, nhà thiết kế cho đến gia công may và điều thú vị là tất cả các công đoạn này đều thực hiện ở nước ngoài.

Nguyên liệu nhập từ Mỹ, Ý, Mexico, mẫu mã đặt hàng các nhà thiết kế của Ý, còn sản phẩm thì được gia công tại Trung Quốc. “Tại sao các nước đặt gia công ở Việt Nam rồi gắn mác của họ mà mình không làm ngược lại: gia công ở nước ngoài rồi đem về bán tại Việt Nam?”, Việt tự hỏi và đã trả lời câu hỏi ấy.

Đã có lúc anh định liên kết với các doanh nghiệp trong nước để sản xuất, nhưng họ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. “Giả da thì doanh nghiệp trong nước làm khá nhiều nhưng sản xuất với da thật thì chưa nên họ vẫn chưa có đủ năng lực, chuyên môn. Mà muốn làm điều này nhiều doanh nghiệp phải thay đổi toàn bộ hệ thống máy móc, quy trình sản xuất... Vấn đề không thể giải quyết một sớm một chiều”, anh chia sẻ.

Khi được hỏi tại sao không đặt tên thuần Việt cho sản phẩm mà dùng một thương hiệu rất Tây, Việt cho rằng, “Lewin” có nghĩa là yêu mến, yêu quý hơn nữa đây là cái tên thân mật của con trai anh ở nhà. “Tôi xem công ty như con của mình mà chỉ có những gì mình yêu thương mới có thể chăm chút và hết lòng với nó”, Việt cười nói.

Anh quan niệm kinh doanh không nhất thiết phải sở hữu các nhà máy hoành tráng. Thay vào đó, cần đầu tư vào thiết kế, thương hiệu, con người và hệ thống vận hành công ty. Việc phát triển thương hiệu đòi hỏi thời gian và tầm nhìn dài hạn. “Tại sao mình với lợi thế am hiểu về người Việt Nam, phong tục, tập quán cũng như thị hiếu người Việt mà không biết tận dụng lợi thế sẵn có để kinh doanh?”, Việt trăn trở.

Nhưng không thua nước ngoài

Việt tỏ ra tự hào Lewin là thương hiệu Việt Nam hạng sang đầu tiên sử dụng chất liệu da bò, da bê, da cừu nhập từ Ý, Mexico. Khi được hỏi vì sao tạo dựng một thương hiệu nội nhưng lại sử dụng hầu hết các “yếu tố ngoại”, Việt chia sẻ: “Điều quan trọng Lewin là thương hiệu của Việt Nam, do người Việt Nam phát triển.

Toàn cầu hóa trong kinh doanh, nên chọn nhà thiết kế ngoại hay sản xuất ở nước ngoài cũng là phần tất yếu trong chuỗi giá trị kinh doanh toàn cầu. Dĩ nhiên, về lâu về dài chúng tôi cũng phải nghiên cứu để sử dụng các nguyên liệu da và sản xuất trong nước”.

Nhiều người tỏ ra lo ngại khi túi xách Lewin được sản xuất tại Trung Quốc, nhưng Việt tỏ ra tự tin về chất lượng sản phẩm. Bởi vì, cũng như Việt Nam hoặc các nước khác trên thế giới, hàng của Trung Quốc cũng có nhiều cấp độ: hàng chất lượng rất cao, hàng chất lượng cao, chất lượng trung bình và hàng chất lượng thấp.

“Hàng chúng tôi sản xuất tại một nhà máy mà thương hiệu đã có uy tín vài chục năm và hiện tại họ cũng đang gia công cho một thương hiệu da hàng đầu của Ý, và những sản phẩm này cũng đã có mặt tại Việt Nam mấy năm nay”, Việt bật mí.

Sản phẩm da của Lewin là cặp, túi da cao cấp nên đối tượng phục vụ cũng tập trung ở phân khúc người tiêu dùng trung và cao cấp. Đó là giới doanh nhân, doanh nhân trẻ thành đạt, các nhà quản lý...

Tuy nhiên, so với nhiều nhãn hiệu thời trang nước ngoài thì giá túi, cặp da Lewin vẫn còn khá rẻ, từ 3 - 6 triệu đồng/chiếc. Việt không tin sản phẩm thương hiệu Lewin không cạnh tranh được với các thương hiệu nước ngoài. Theo anh, túi xách các thương hiệu lớn có giá khoảng 20 - 50 triệu đồng/chiếc...

Mức giá này không phải ai cũng có thể sở hữu được. Quan trọng nhất là sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Nhận định của anh cũng có cơ sở vì hiện tại, cửa hàng Lewin (107 Tôn Dật Tiên, Phú Mỹ Hưng, Q.7, TP.HCM) bày bán hơn 150 mẫu túi xách và tuy kinh doanh chưa lâu nhưng nhiều mẫu đã hết hàng.

Cùng với thương hiệu Lewin do anh sáng lập, Việt còn đưa thương hiệu da Nava (Ý) và Acme (Mỹ) vào Việt Nam để kinh doanh theo mô hình thành công của An Phước khi kết hợp với Pierre Cardin. Từ nay đến cuối năm, Lewin sẽ tiến vào các trung tâm mua sắm lớn như Diamond, Parkson... ở TP.HCM.

Khi giấc mơ đã tượng hình, Việt tự tin đặt ra mục tiêu xa hơn: Trong tương lai, Lewin không chỉ quanh quẩn ở thị trường nội địa mà còn vươn ra các thị trường Đông Nam Á.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những chiếc túi của Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO