![]() |
Từ những chuyến thiện nguyện cùng bạn bè, Nguyễn Việt Hiếu Linh, sinh viên ngành Kinh tế đối ngoại (Đại học Ngoại thương), nhận ra những hình ảnh minh họa trên sách báo, truyện tranh hay được sử dụng kèm theo những lần dạy kỹ năng sống luôn tác động rất tích cực đến nhận thức của trẻ.
Đọc E-paper
Và đó cũng là lý do khiến anh quyết định khởi nghiệp ở lĩnh vực sáng tạo đồ chơi cho trẻ em với dự án mang tên “Mắt trố”, một nhân vật do chính anh sáng tạo, và sáng lập Công ty CP Đồ chơi MATO.
Với 30 triệu đồng đầu tiên, Linh bắt tay vào thực hiện dự án ngay khi vừa tốt nghiệp đại học. Dự án của Linh hướng đến các loại “board game” mang tính giáo dục cao, thiết kế trên giấy carton vì tính an toàn cao. Theo Linh, đồ chơi dạng “board game” rất phổ biến trên thế giới nhưng tại Việt Nam lại ít, bị lấn át bởi đồ chơi ngoại, và trẻ em thường bị thu hút bởi các hình thức giải trí bằng phương tiện điện tử. Carton có tính an toàn cao và giá không quá đắt.
![]() |
Ưu điểm của sản phẩm là thời gian bảo quản được lâu và không thấm nước. Với hướng đi này, dự án của Linh đã tìm thấy khoảng trống tiềm năng trên thị trường đồ chơi. Ngoài “Mắt trố”, Linh còn tận dụng những hình ảnh, câu chuyện trong kho tàng cổ tích Việt Nam để thiết kế, như Thạch Sanh - Lý Thông, Cóc kiện Trời, Rồng to rồng nhỏ...
Làm cách nào để tìm được chỗ đứng trong thị trường đồ chơi trẻ em cạnh tranh khốc liệt và không cân xứng với đồ chơi ngoại? Linh cho biết: “Tiêu chí của chúng tôi khi làm ra sản phẩm là Vui nhộn - Kết nối - An toàn - Giáo dục, những sản phẩm thuần Việt truyền tải những giá trị tốt đẹp về văn hóa, lịch sử. Chúng tôi quan niệm, đồ chơi không phải để cô lập trẻ em mà phải là phương tiện để kết nối gia đình. Những sản phẩm này kích thích trẻ mong muốn bố mẹ, người thân, bạn bè chơi cùng”.
Việc tiếp cận khách hàng ban đầu khá khó khăn, phải ký gửi sản phẩm ở nhiều cửa hàng đồ chơi, nhà sách, mời phụ huynh dùng thử cùng con cái... Tín hiệu vui đã đến sau một thời gian khi sản phẩm thuyết phục được... phụ huynh bởi tính an toàn và giáo dục, giá bán không quá đắt so với đồ chơi điện tử. Đến nay, Linh đã có 7 sản phẩm dành cho các lứa tuổi từ 4 - 9 tuổi trở lên, với giá bán từ 65.000 đến gần 200.000 đồng/bộ. Vừa làm, vừa mở rộng thị trường, sản phẩm từ dự án của Linh đã có mặt tại Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Quảng Ninh với 17 cửa hàng.
“Nhiều người đã nghĩ khó khăn nhất của dự án này trong những ngày đầu chính là vấn đề vốn. Thế nhưng vốn chỉ là một phần, chúng tôi lại thấy cái khó nhất nằm ở nhân sự. Với một dự án có mục tiêu hướng đến giáo dục, kết nối và an toàn, việc tìm kiếm những cộng sự có thể chia sẻ và có chung ý tưởng lẫn tâm huyết tạo ra một loại đồ chơi có thể truyền tải những tiêu chí trên còn khó hơn nhiều. Nhưng qua trải nghiệm thực tế và với những kết quả ban đầu, chúng tôi tin tưởng dự án sẽ đạt được mục tiêu”, Linh tự tin cho biết.
>>Những món đồ chơi của trẻ em trên khắp thế giới