Một thú vui sinh lợi

P. Hà| 14/04/2023 01:00

Nghe đồn có những con tép cảnh loại "VIP" dài vài ba phân, to hơn que tăm chút xíu có giá trên dưới một nghìn Mỹ kim, tôi tò mò tìm đến showroom của Công ty CP The Brothers Nature ở đường Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận, TP.HCM, khai trương cuối tháng 2 vừa rồi.

Một thú vui sinh lợi

Cảm nhận đầu tiên của tôi là showroom The Brothers Nature như một thủy cung với ánh đèn LED dịu nhẹ, rất nhiều hồ tép cảnh, hồ cá cảnh, có những hồ mấy mét khối, hồ nào cũng xanh hàng chục loại thực vật thủy sinh bám vào gỗ lũa to nhỏ đủ hình dạng. Ngoài những bộ bàn ghế thấp còn có những hàng ghế dài cho khách tham quan, mua sắm ngồi ngắm tép cảnh, cá cảnh, uống cà phê đàm đạo thú chơi thủy sinh tao nhã và có thể tốn không ít tiền.

Người điều hành, chủ showroom, Giám đốc Công ty CP The Brothers Nature - Hoàng Tiến dáng thư sinh với cặp kiếng cận khá dày vui vẻ giải thích cái tên công ty "tiếng Tây": 

- Khó dịch The Brothers Nature ra tiếng Việt cho thật sát nghĩa, nhưng có thể hiểu là "bạn đồng sự cùng thiên nhiên".

Tôi ngẫm, như vậy là khá hay: "đồng sự" - bạn bè chung công việc, chung sở thích, lại "đồng sự" cùng thiên nhiên, yêu thiên nhiên.

Biết là không tế nhị, nhưng tôi vẫn ướm hỏi Hoàng Tiến:

- Có được showroom này chắc phải đầu tư tiền tỷ?

Anh cho biết khoảng 2 tỷ đồng, thiết kế, thi công gần 6 tháng. 

Hai tỷ đồng chỉ riêng trang thiết bị cho một showroom với một công ty vừa thành lập, chưa kể tiền thuê mặt bằng mà không gọi vốn đầu tư, quả là ông chủ "giàu tiềm lực". Hình như biết được suy nghĩ của tôi, Hoàng Tiến chia sẻ:

- Chúng tôi là một nhóm bạn bè rải rác ở miền Trung, Tây Nguyên, Nam Bộ, đều còn trẻ, có chung niềm đam mê tép cảnh. Khi niềm đam mê đủ lớn, chúng tôi quyết định làm showroom, trước là để "khoe cho đã”, sau là nơi điều hành công việc chung của cả nhóm. Mỗi anh em chúng tôi đều có trại nuôi tép riêng, người ít thì một vài trăm, người nhiều thì nghìn hồ, hùn vốn lập công ty với hình thức như doanh nghiệp hợp tác xã. Để đảm bảo vận hành các trại nuôi một cách nhất quán, đảm bảo quy trình kỹ thuật từ con giống đến sản lượng, mọi thứ đều "online" là chính. 

- Tức lập công ty để cùng "làm ăn lớn"?, tôi lại ướm hỏi.

- Thành lập công ty và mở showroom để có điều kiện tiến xa hơn. Dù biết còn nhiều khó khăn do tốn không ít chi phí, nhưng chúng tôi tự tin sẽ phát triển. 

-2795-1681182965.jpg

Giám đốc khởi nghiệp Hoàng Tiến

Hoàng Tiến kể tiếp: 

- Tốt nghiệp đại học chuyên ngành tài chính, tôi lần lượt làm việc ở mấy ngân hàng. Công việc căng thẳng quá, phải tìm cách xả bớt áp lực. Thế là tôi tìm đến thủy sinh qua vài diễn đàn trên mạng. Một lần lướt web, thấy có nhiều bài viết và ảnh về tép cảnh, chúng thật đẹp, tôi mê ngay nên mày mò nuôi, mỗi con giá vài chục, vài trăm nghìn đồng. Qua mạng, tôi tìm được những người cùng đam mê thú vui này để trao đổi qua lại các loại tép. Rồi không biết từ lúc nào tôi trở thành người hướng dẫn cho "đồng môn". 

- Nghe nói nuôi tép cảnh khó hơn nhiều nuôi cá cảnh? 

- Điều thú vị nhất của việc nuôi tép cảnh là chinh phục độ khó. Tép cảnh rất mỏng manh, nên môi trường nuôi phải thật tốt, từ nước, độ pH, nhiệt độ, đến hệ vi sinh... Vì vậy, khi tép ôm trứng, rồi tép con nở ra bơi và bò khắp hồ thì người chơi rất phấn khích, chụp ảnh khoe với bạn bè, khoe trên mạng xã hội.

- Nhưng có bao giờ tép anh nuôi bị chết?

- Cách đây mươi năm, lúc bắt đầu chơi tép cảnh, thấy trong hồ có sán, tôi lấy thuốc dùng trị sán cho người để xử lý. Hậu quả là tép rụng dần, từ một hồ mấy trăm con chỉ còn năm bảy con. Chán nản, nghĩ đã mất trắng, tôi xác định nghỉ chơi. Nào ngờ, mấy tháng sau, mở tấm trùm ra, hồ đầy nhóc tép lớn tép bé do tôi quên tắt hệ thống lọc nước. Nuôi tép cảnh phải thật kiên nhẫn, càng "rối ruột" thì nguy cơ mất trắng càng cao và phải không ngừng học hỏi, nghiên cứu. 

- Khi bắt đầu bán được tép cảnh, anh đã nghĩ đến khởi nghiệp kinh doanh?

- Nuôi và bán tép để chơi, nhưng do ngày càng đam mê và nhu cầu của người chơi càng lúc càng cao, qua mạng, tôi liên hệ với một trại nuôi tép cảnh thương phẩm ở Đài Loan, đề nghị được nhập tép và sản phẩm nuôi tép để bán ở thị trường Việt Nam. Họ yêu cầu tôi trong 6 tháng liên tục phải đạt doanh số họ đưa ra. Khi đạt được điều đó, họ mời tôi qua tham quan, hướng dẫn kỹ thuật và đàm phán làm nhà phân phối. Đợt đó tôi học được khá nhiều kỹ thuật nuôi công nghiệp, lai tạo tép cảnh của người Đài Loan, dù họ giấu bí quyết. Nhưng nhập tép cảnh về bán thì biên lợi nhuận thấp, chưa kể rủi ro, nên tôi giữ một phần tép nhập để nuôi, lai tạo và cho sinh sản. Dần dần tôi phát triển kỹ thuật nuôi công nghiệp và chia sẻ với vài người bạn, bắt đầu định hướng nuôi tép xuất khẩu. Đến trước khi thành lập The Brothers Nature, chúng tôi đã xuất tép cảnh sang Thái Lan, Singapore, Philippines, Úc, Canada, Mỹ và đang mở rộng thị trường vì kế hoạch là 90% tép nuôi để bán ra nước ngoài. Vừa rồi, một khách hàng của chúng tôi ở Mỹ đoạt giải nhất cuộc thi tép cảnh liên bang. 

Tôi lại tò mò:

- Nhưng tại showroom này làm sao đủ tép cho khách hàng?

- Như tôi đã nói, mỗi thành viên của The Brothers Nature đều có trại nuôi, nuôi loại tép nào, sản lượng bao nhiêu đều được phân bổ đến từng người tùy theo nhu cầu của thị trường. Ở TP.HCM, cơ sở của tôi là trạm tập trung tép cảnh và chịu trách nhiệm xuất khẩu. Đối tác nước ngoài của chúng tôi phải đáp ứng được tiêu chí về sức mua, điều kiện nuôi, quy mô cửa hàng, cách thức và khả năng thanh toán. Tép cảnh được xuất khẩu chính ngạch, vận chuyển bằng đường hàng không và phải đảm bảo sống tốt trong quá trình vận chuyển tối đa 5 ngày.

- Lúc nãy anh nói các anh đã lai tạo được nhiều loại tép quý...

- Chơi tép cảnh mà lai tạo được chúng lại càng thú vị, nhất là tìm ra được những dòng đột biến. Cách lai chỉ đơn thuần là cho phối giữa các dòng tép, nhưng thành quả có khi phải 7-8 đời F, nên nếu không đủ kiên nhẫn hoặc chọn công thức lai sai thì không có kết quả. Một nhánh nhỏ nhưng rất quan trọng là cải tạo gen để cho ra những con tép đẹp hơn ở những đời sau. Những con tép đắt tiền nhất hiện nay đều là kết quả của quá trình lai tạo, cải tạo gen. Cách đây 7 năm,  người Đài Loan đã tạo ra những con tép đột biến gen tuyệt đẹp về hình dáng và màu sắc, như tép Red Galaxy Fishbone Pinto có giá tính ra tiền Việt lên đến trên 80 triệu đồng mỗi con. Nhưng khi nhiều người thuần dưỡng được chúng, cho sinh sản nhiều thì giá sẽ giảm và những dòng lai mới sẽ lại "lên ngôi". Giá tép cao thấp thế nào phụ thuộc vào độ hiếm, độ "hot", khi nó hết hiếm, hết "hot", giá giảm thì đó là cơ hội cho những người yêu tép cảnh nhưng không nhiều tiền để nuôi thú vui này.

Nghe thế, tôi tin giá trị của một con tép cảnh "bậc trung" có thể đổi được  mấy bữa tiệc tôm hùm thịnh soạn là có thật! 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Một thú vui sinh lợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO