![]() |
Trong môi trường kinh doanh nhiều sức ép như hiện nay, một ý tưởng kinh doanh tốt chưa hẳn mang lại thành công cho những người lần đầu tiên khởi nghiệp. Thành công sẽ đến nếu biết nỗ lực thay đổi tư duy, lắng nghe, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước.
Đó là thông điệp của buổi giao lưu giữa sinh viên và doanh nhân do Vụ Tổng hợp kinh tế (Bộ Ngoại giao), Trung ương Hội Doanh nghiệp Trẻ VN, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp và Hội đồng Doanh nhân Nữ TP.HCM tổ chức trong khuôn khổ “Chương trình khởi nghiệp 2009” do Phòng Thương mại và Công nghiệp VN khởi xướng.
Bạn Nguyễn Thị Kim Khuyên - Đại học Ngoại thương hỏi: “Khi có nhiều ý tưởng kinh doanh, nhiều bạn trẻ thường muốn chọn những lĩnh vực lớn để khẳng định mình. Làm thế nào để sinh viên có thể chọn một ý tưởng phù hợp? Lấy kinh nghiệm từ con trai mình, TS Nguyễn Thị Sơn - Hiệu trưởng Trường Quản lý cán bộ VCCI chia sẻ:
- “Sơn, con trai tôi từng du học ở Đức và cũng như các bạn, Sơn chỉ thích kinh doanh ở những lĩnh vực to tát và công ty đầu tiên Sơn thành lập là công ty bất động sản. Thất bại, Sơn thành lập công ty thứ hai và cũng không thành công. Còn chút vốn liếng, Sơn xoay xở bằng cách mở cửa hàng bán đồ lót, nguồn hàng do người chị đang gia công xuất khẩu cung cấp.
- Không dè, thị trường này rất lớn, với nhu cầu cao. Lúc đó, Sơn ngộ ra: Đừng ham những chuyện kinh doanh lớn lao nếu mình chưa đủ tầm, đủ sức. Có những lĩnh vực rất nhỏ nhưng nếu hợp khả năng, yêu thích và quan trọng là thị trường đang cần, mình sẽ rất dễ thành công."
Đi chuyên sâu vào lĩnh vực này và mở công ty chuyên may đồ lót, thành công đã đến với Sơn. TS Nguyễn Thị Sơn nhấn mạnh: “Ngay cả khi đã trở thành chủ DN, các bạn cũng nên làm cả những việc nhỏ nhặt để nắm được toàn bộ công việc, biết được những vướng mắc trong quá trình vận hành để kịp thời khắc phục, kết hợp giữa lý thuyết học ở nhà trường và thực tế để đưa ra những chiến lược kinh doanh phù hợp nhất”.
![]() |
“Kinh doanh có những yếu tố phát sinh không lường trước được. Kiến thức học được ở nhà trường đều chỉ là kiến thức nền. Do đó, muốn làm chủ công việc ở bất cứ lĩnh vực nào, điều quan trọng nhất là không nên giấu dốt, phải thường xuyên học hỏi, tiếp thu những cái mới từ bạn bè, đồng nghiệp - ông Trương Quốc Hưng - Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sông Miền Nam giải đáp câu hỏi của một sinh viên:
- “Nếu chọn một ngành học nào đó, chẳng hạn kế toán, nhưng lại muốn kinh doanh ở lĩnh vực khác ngành đã học thì sẽ khó khăn như thế nào?”. Ông tiếp: “Tôi từng làm việc ở lĩnh vực tài chính nhưng bây giờ lại tương đối thành đạt ở ngành đường sông.
- Trong quá trình khởi dựng sự nghiệp, tôi cũng gặp nhiều khó khăn và đúc kết được nhiều kinh nghiệm, đó là muốn thành công thì phải có niềm tin, chữ tín và cái tâm phải thật sáng. Song, cần nhất vẫn là kinh nghiệm thực tế”.
Tiếp quản Công ty Nhà Thủ Đức (Thủ Đức House), một công ty đang trên bờ phá sản, ông Lê Chí Hiếu - Chủ tịch HĐQT đã từng bước đưa Công ty đi đến thành công. Kinh nghiệm của ông được đúc kết là:
"- Ý tưởng, quyết tâm và môi trường thuận lợi chưa đủ. Muốn thành công thì phải chấp nhận gian nan, chịu cực, chịu khó, đi sâu vào lĩnh vực mình theo đuổi để biến ý tưởng thành hiện thực. Để có được ngày hôm nay, Thủ Đức House đã có những chặng đường đầu gian nan, phải gồng mình thắt lưng buộc bụng. Song, điều quan trọng nhất không phải là động viên nhau “cầm hơi” để vượt qua khó khăn, mà phải biết thị trường cần gì để đáp ứng và tạo một tên gọi, một thương hiệu đặc trưng."
Chẳng hạn, trước đây tên gọi của Thủ Đức House là Công ty Quản lý nhà Thủ Đức, tên gọi này chung chung quá nên chúng tôi đổi tên thành Nhà Thủ Đức, đi thẳng vào lĩnh vực hoạt động của Công ty để khách hàng dễ nhận diện. Một điều quan trọng khác là xây dựng thương hiệu không phải bằng quảng bá, mà phải bằng sản phẩm tốt, sự hài lòng của khách hàng”.
Một câu hỏi được rất nhiều sinh viên quan tâm, đó là: “Với vốn liếng ít ỏi, nên kinh doanh hay đi làm để tích lũy thêm vốn liếng, khi nào có đủ sức mới “ra riêng?”. Ông Nguyễn Văn Ngọc - Tổng giám đốc Công ty BMC khẳng định: “Muốn kinh doanh, trước hết phải thích. Để thành công không hề đơn giản, vì vậy các bạn phải nỗ lực hết mình và phải có định hướng rõ ràng. Một thực tế là các bạn trẻ bây giờ thường hay đòi hỏi khá nhiều khi đến với DN mà ít quan tâm đến việc mình phải nỗ lực như thế nào.