Khơi gợi tinh thần khởi nghiệp từ 3 nhà sáng lập nữ

Hoàng Hà| 10/01/2023 03:00

Truyền cảm hứng để các bạn sinh viên và phụ nữ mạnh dạn khởi nghiệp, 3 nhà sáng lập dưới đây đã chia sẻ kinh nghiệm biến ước mơ của họ thành hiện thực.

Biến giấc mơ thành hiện thực

Nhà sáng lập, Tổng giám đốc TiNiWorld - hệ thống khu vui chơi hướng nghiệp cho trẻ em đầu tiên tại Việt Nam: Ước mơ đem đến một sân chơi rộng rãi cho trẻ em từ thời thơ ấu của đồng sáng lập TiNiWorld Nguyễn Lê Chi Mai cuối cùng cũng thành hiện thực, với bản kế hoạch kinh doanh hoàn chỉnh nhờ một bài tập mà chị phải thực hiện trong thời gian theo học ngành thương mại tại RMIT Việt Nam.

"Thomas Ngo - cố vấn, người sau này cùng tôi sáng lập TiNiWorld nói với tôi rằng đây là một ý tưởng kinh doanh có thể biến thành hiện thực", chị Mai chia sẻ.

"9 tháng sau khi nghiên cứu thị trường, chúng tôi đã biến ý tưởng kinh doanh chuỗi sân chơi giáo dục cho trẻ em tại Việt Nam thành hiện thực vào năm 2009. Từ khởi đầu khiêm tốn, đến nay TiNiWorld đã lớn mạnh lên thành chuỗi sân chơi với 50 địa điểm trên cả nước, phục vụ cho hơn 10 triệu khách đến vui chơi hằng năm".

• Chị Nguyễn Lê Chi Mai (bên phải) chia sẻ hành trình của mình với các bạn sinh viên trong khuôn khổ triển lãm "Women.Building.Businesses"

Chị Nguyễn Lê Chi Mai (bên phải) chia sẻ hành trình của mình với các bạn sinh viên trong khuôn khổ triển lãm "Women.Building.Businesses"

Nhà sáng lập, Giám đốc Phát triển kinh doanh Rabity Kids Fashion - thương hiệu thời trang trẻ em: Tốt nghiệp ngành kinh doanh (kế toán) từ RMIT Việt Nam, nhà sáng lập Rabity Trần Hồng Hạnh thuyết phục ba mẹ mình chuyển đổi mô hình của doanh nghiệp có 17 năm tuổi đời - Công ty Tân Phú, thành nhà bán lẻ thời trang trẻ em sau khi chứng kiến nhiều bậc phụ huynh cố gắng tìm kiếm một thương hiệu trong nước đáng tin cậy bán quần áo chất lượng với giá cả phải chăng. 

"Khi nghe đồng nghiệp chia sẻ rằng họ không thể tìm thấy thương hiệu thời trang nội địa đáng tin cậy cho các thiên thần nhỏ của họ, trong khi Việt Nam thuộc nhóm các nước gia công dệt may hàng đầu thế giới, tôi quyết định nghỉ việc ở công ty và về đầu quân cho doanh nghiệp gia đình", chị Hạnh cho biết. 

Ban đầu không dễ dàng gì để thuyết phục đối tác hết sức quan trọng và cũng là ba mẹ mình, song với sự bền bỉ thuyết phục được hai đấng sinh thành, chị đã đưa Rabity đến thành công, hiện diện ở mọi miền đất nước và ở Campuchia.  

Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Passii - kênh trao đổi quần áo bền vững: Lấy cảm hứng từ nhà đồng sáng lập và giám đốc điều hành của ThredUp - ông James Reinhart, Thư Vũ đã thành công kiến tạo Passii (trước đây được gọi là Coco Dressing Room) - một giải pháp mua sắm vui vẻ và mang tính trải nghiệm, nơi phụ nữ có thể trao đổi quần áo và sở hữu các món đồ đã qua sử dụng với mục đích rõ ràng. 

Chị Thư chia sẻ: "Tôi muốn trao cho phụ nữ một giải pháp, chứ không đơn thuần là sản phẩm. Và hôm nay, sau ba năm trời, trong đó có hai năm đại dịch, là ngày đầu tiên chúng tôi ra mắt trang thương mại điện tử của mình".

Không giấc mơ nào thành công, nếu...

Nếu không biết thuyết phục và thấu hiểu sẽ không có giấc mơ nào có thể thành hiện thực với ba nhà sáng lập trẻ này.

"Điều thú vị là người đầu tiên tôi phải đối diện không phải là nhà tuyển dụng, hay đồng nghiệp, cũng không phải nhà đầu tư, mà chính là ba mẹ mình", Hồng Hạnh nhớ lại những cuộc tranh luận và những lần trao đổi hết sức căng thẳng mà chị từng trải qua, để cuối cùng có thể đi đến sự đồng thuận với ba mẹ để ra đời thương hiệu bán lẻ mới hiện đã có tới gần 80 cửa hàng trên khắp Việt Nam và ở Campuchia.

• Chị Trần Hồng Hạnh (bên phải) được chào đón nồng nhiệt khi quay về trường chia sẻ về hành trình khởi nghiệp truyền cảm hứng của mình

Chị Trần Hồng Hạnh (bên phải) được chào đón nồng nhiệt khi quay về trường chia sẻ về hành trình khởi nghiệp truyền cảm hứng của mình

"Thời điểm đó, công ty gia đình tôi đang "chạy" rất tốt nên ba mẹ tôi khá ngần ngại với ý tưởng chuyển sang mô hình kinh doanh hoàn toàn mới của tôi", chị Hạnh nói.

"Bài học kinh nghiệm tôi rút ra được từ trải nghiệm này là với việc kể chuyện, điểm mấu chốt không phải là bản thân câu chuyện mà là việc bạn hiểu người nghe đến thế nào, liệu bạn có dùng cùng ngôn ngữ của họ hay không, cũng như năng lực chứng minh giấc mơ của bạn tương thích với động lực của họ”.

Theo Tổng giám đốc TiNiWorld, "thách thức lớn nhất của chúng tôi là làm thế nào để thuyết phục tất cả các bên liên quan gồm nhà đầu tư, chủ cho thuê mặt bằng và đội ngũ nhân viên, để họ hiểu, tin tưởng và đồng hành cùng chúng tôi".

Sáng lập TiNiWorld khi còn là sinh viên đồng nghĩa với việc có được nguồn vốn để khởi nghiệp là thách thức đầu tiên. "Nhà đồng sáng lập cùng tôi đã bỏ ra toàn bộ khoản tiết kiệm mà anh có được, còn tôi phải về thuyết phục mẹ mình bán nhà và chuyển vào căn nhà nhỏ hơn để chúng tôi có thể dùng một khoản trong đó để kinh doanh".

Chị Mai đã thành công khi lấy được địa điểm đầu tiên với diện tích 500m2 tại một trong những địa điểm đắt đỏ và khó thuê ở quận 1, TP.HCM, dẫu chủ tòa nhà có phần ngần ngại vì chưa thấy mô hình này ở Việt Nam vào thời điểm đó. Và điều chị truyền tải lại cho nhân viên trong buổi tập huấn khai trương sân chơi đầu tiên không phải là cách làm thế nào để bán vé, mà là làm thế nào đem đến những khoảnh khắc hạnh phúc và ký ức tuổi thơ tươi đẹp cho các bé. 

Phát triển phong cách lãnh đạo riêng

Với các nữ thủ lĩnh truyền cảm hứng này, lãnh đạo chính là việc cùng tồn tại. Đó chính là điều mà Giám đốc điều hành Passii Thư Vũ học được từ thần tượng của mình - ông Yvon Chouinard - nhà sáng lập thương hiệu quần áo Patagonia.

"Tôi là người lãnh đạo bằng cảm xúc và khá bốc đồng. Nếu không được biết và học hỏi từ những người có tư chất lãnh đạo mạnh mẽ, trong đó có mẹ tôi, các bạn nhân viên và đối tác, tôi không nghĩ mình đi được đến ngày hôm nay", chị chia sẻ.

Chị Thư Vũ (bên phải) ra mắt trang thương mại điện tử của Passii

Chị Thư Vũ (bên phải) ra mắt trang thương mại điện tử của Passii

Giám đốc phát triển kinh doanh của Rabity cũng cho biết, điều đã giúp chị giải quyết thách thức khi vừa là nữ doanh nhân vừa làm mẹ của hai cô công chúa, đó là dung hòa thay vì cân bằng cuộc sống và công việc.

"Điều này có nghĩa chúng ta phải xác định các ưu tiên quan trọng trong các mặt khác nhau của cuộc sống. Chúng ta có công việc, gia đình, cộng đồng và bản thân chúng ta, tất cả những điều này đều kết nối với nhau", chị nói. 

"Ví dụ như, tôi có thể dành vài tiếng trong khung giờ làm việc để dự buổi diễn văn nghệ tại trường của con gái và không nên cảm thấy tội lỗi, vì điều này không ảnh hưởng lắm đến hiệu quả công việc của tôi. Chẳng những thế, từ cảm giác hài lòng với tư cách một người mẹ, khi quay lại văn phòng, tôi làm việc còn hiệu quả hơn".

"Ý tưởng ở đây không phải chia cuộc đời bạn thành 4 phần bằng nhau, mà là nhận biết các ưu tiên và tìm ra giải pháp cho một khía cạnh thay vì giải pháp cho toàn bộ mọi thứ để bạn có thể đạt được ước mơ và sống một cuộc đời hạnh phúc".

Với Tổng giám đốc TiNiWorld, triết lý "không bao giờ bỏ cuộc" và "tư duy cầu tiến, phát triển" là những gì giúp chị tiếp tục dấn bước qua những thăng trầm trong suốt 13 năm qua. 

"Tôi khởi nghiệp khi còn rất trẻ và thiếu kinh nghiệm. Từ tư tưởng cầu thị, tôi liên tục học hỏi từ đồng nghiệp, đối tác, người đồng sáng lập và từ những khuynh hướng mới của thị trường", chị Mai chia sẻ. 

"Chúng tôi trải qua rất nhiều tình huống, trong đó có cả việc gần như phá sản, nhưng chúng tôi không muốn nghĩ về việc từ bỏ. Điều chúng tôi nghĩ đến là làm gì và làm thế nào tìm ra giải pháp để vượt qua khó khăn".

Giám đốc phát triển kinh doanh của Rabity - chị Hạnh khuyên các bạn trẻ có khát khao khởi nghiệp cần phải dũng cảm, nhưng không cần phải luôn phải hoàn hảo.

Chị cũng chia sẻ những câu nói tâm đắc đã đúc kết: "Bạn có những người thương yêu để có thể chia sẻ về ước mơ và đam mê, vậy nên hãy là chính bản thân bạn". "Hãy đi một cách tự tin theo con đường mà ước mơ của bạn hướng đến, hãy sống cuộc đời đúng như bạn hình dung".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khơi gợi tinh thần khởi nghiệp từ 3 nhà sáng lập nữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO