Dự án Gateway vào top 3 cuộc thi Solution Challenge 2022

P.V| 14/09/2022 07:17

Cuộc thi Solution Challenge 2022 của Google vừa trao giải cao nhất cho dự án Gateway của nhóm sinh viên Trường Đại học Hoa Sen (HSU). Với niềm đam mê giúp đỡ cộng đồng, nhóm sinh viên đã gặt hái những thành công đầu tiên.

Dự án Gateway vào top 3 cuộc thi Solution Challenge 2022

Các thành viên Gateway chia sẻ về dự án của mình

Gắn kết thành viên bằng niềm đam mê

Ngày 7/9/2022, Google phối hợp với HSU tổ chức sự kiện "Phát triển ứng dụng vì cộng đồng: Từ đề án sinh viên đến dự án đoạt giải quốc tế”. Tại sự kiện, nhóm sinh viên gồm Nguyễn Võ Đăng Cao, Trương Hoàng Duy, Nguyễn Đăng Khương và Nguyễn Mạnh Hùng đã chia sẻ về quá trình khởi nghiệp với Gateway.

Đối với các bạn sinh viên, việc thiếu trải nghiệm thực tế là một rào cản lớn khi khởi nghiệp. Nhóm sinh viên thực hiện dự án Gateway cũng gặp tình trạng tương tự. Các thành viên Gateway chỉ mới thực tập tại các công ty, chưa có nhiều cơ hội va chạm với nghề. Sự thiếu hụt kinh nghiệm khiến các bạn khó xác định hướng đi.

Biết được điều đó, nhóm đã chủ động "cầu cứu" người quen giúp tìm một người cố vấn cho Gateway. Vị cố vấn này đã giúp nhóm xác định đúng sai và đánh giá tính cạnh tranh của dự án. Đăng Khương tường thuật: "Người cố vấn cho tụi mình xem ý tưởng nào đáng đưa vào, chức năng nào nên thêm vào hay loại bỏ đi. Những lời khuyên này rất bổ ích và đã giúp dự án hình thành".

Bên cạnh đó, do còn đang thực tập, các thành viên không có nhiều thời gian dành riêng cho Gateway. Để giữ đúng tiến độ, nhóm thường tranh thủ làm vào buổi tối, có lúc phải thức đến 2-3 giờ sáng. "Những lúc như vậy, mình thấy khá kiệt sức và muốn bỏ cuộc. Nhưng ngay từ đầu, tụi mình đã có chung ngọn lửa đam mê giúp ích cho cộng đồng. Đó là động lực để nhóm cố gắng, cùng nhau dẹp bỏ khó khăn và tiếp tục phát triển", Mạnh Hùng chia sẻ.

Ngọn lửa đam mê cũng chính là yếu tố quan trọng góp phần xây dựng và duy trì hoạt động của cả nhóm. Hoàng Duy cho biết, từ những ngày đầu tiên, Duy đã phải dành 2-3 tuần để thuyết phục từng người cùng làm dự án. Duy không chỉ mang đến ý tưởng mà còn lan tỏa niềm đam mê, lòng quyết tâm biến ý tưởng thành sự thật. Cảm nhận được tinh thần đó, các thành viên mới đồng ý đồng hành cùng Duy.

Các thành viên của Gateway thuộc các chuyên ngành khác nhau như mạng máy tính, hệ thống dữ liệu, công nghệ thông tin, kỹ thuật phần mềm. Nhóm phân chia người lo về kỹ thuật, xây dựng website; người phụ trách thiết kế ứng dụng; người quản lý hoạt động chung, tạo niềm tin, truyền cảm hứng làm việc... Với những lợi thế riêng, mỗi thành viên đảm nhiệm những phần việc khác nhau, bảo đảm kết hợp ăn ý để công việc diễn ra suôn sẻ. Đó là cách để 4 thành viên cùng nhau hoàn thiện Gateway, đưa dự án đạt được thành công ban đầu tại cuộc thi của Google.

Bà Janise Tan và ThS. Nguyễn Hải Ninh - Phó hiệu trưởng HSU trao chứng nhận và hoa cho 4 thành viên của Gateway

Bà Janise Tan và ThS. Nguyễn Hải Ninh - Phó hiệu trưởng HSU trao chứng nhận và hoa cho 4 thành viên của Gateway

Điểm nhược trở thành lợi thế cạnh tranh

Để lọt vào top 3 dự án xuất sắc nhất của cuộc thi Solution Challenge 2022 (không chia giải nhất, nhì, ba), nhóm sinh viên HSU đã phải vượt qua 835 dự án. Trong đó, Đông Nam Á có 74 và Việt Nam có 16 dự án. Đây cũng là thành tích cao nhất của các đội thi đến từ Việt Nam từ trước đến nay. 

Các thành viên đã biến Gateway từ ý tưởng trở thành dự án đủ sức cạnh tranh ở một cuộc thi quốc tế. Để làm được điều đó, nhóm đã xác định rõ những điều kiện tiên quyết giúp Gateway tạo ấn tượng với các giám khảo.

Solution Challenge là cuộc thi thường niên do cộng đồng Google Developer Student Clubs (GDSC) tổ chức với sự hậu thuẫn của Google. Mục tiêu của cuộc thi nhằm tìm ra các giải pháp cho các vấn đề của cộng đồng địa phương bằng cách sử dụng một hoặc nhiều sản phẩm nền tảng công nghệ của Google. Năm 2022, cuộc thi khuyến khích các dự án tập trung vào giải quyết những vấn đề liên quan đến 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc. Ngoài sản phẩm Gateway của sinh viên Trường Đại học Hoa Sen, dự án Xtrinsic của nhóm sinh viên Trường Đại học Freiburg (Đức) và dự án Blossom của Trường Đại học Waterloo (Canada) cùng lọt vào top 3 của cuộc thi. Với thành tích này, các đội thi nhận được giải thưởng trị giá 3.000 USD cho mỗi thành viên của nhóm cùng với chứng chỉ từ Google.

Gateway là một sản phẩm khai báo y tế Covid-19 kỹ thuật số. Dự án xây dựng các chốt kiểm tra 5K không cần sự hỗ trợ hoặc can thiệp của con người. Mục tiêu chính là giảm bớt áp lực cho lực lượng y tế, cộng đồng, doanh nghiệp trong công cuộc chống dịch Covid-19.

Hoàng Duy cho biết, thực tế Gateway không phải là dự án duy nhất hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19. Vì vậy, dấu ấn của Gateway không nằm ở câu chuyện chống dịch hay công nghệ mà nhóm áp dụng, mà nằm ở chỗ đơn giản nhất là sản phẩm do chính sinh viên làm. Điều đó tạo sự khác biệt so với sản phẩm đến từ các tập đoàn công nghệ.

Ưu điểm của Gateway là có giá thành thấp và dễ sử dụng. Học sinh, sinh viên có thể lắp đặt Gateway dễ dàng thông qua các thiết bị linh kiện điện tử có sẵn hoặc ứng dụng trên điện thoại. Ngoài ra, Gateway là ứng dụng open-source (mã nguồn mở), do đó mọi người đều có thể tham gia hỏi đáp hoặc cùng nhóm phát triển dự án.

"Mọi người có thể thấy rằng Gateway là sản phẩm phục vụ cộng đồng. Chúng mình tạo ra những thứ mà mọi người đều sử dụng được. Thoạt nhìn, Gateway trông rất "sơ khai". Nhưng đó là thứ mà Gateway muốn cho ban giám khảo thấy - những món đồ sinh viên mua được, làm được", Hoàng Duy cho biết.

Từ thành công của dự án Gateway, có thể thấy sinh viên khởi nghiệp nên tìm người cố vấn về mặt chuyên môn, nhờ đó tìm ra hướng đi hợp lý. Bên cạnh đó, cần xác định được đâu là điểm đặc biệt, là lợi thế cạnh tranh của dự án so với  những sản phẩm, dịch vụ đã có trên thị trường. Cuối cùng, đam mê phải đủ lớn, quyết tâm phải đủ nhiều và phải có cả thực lực mới có thể trụ vững trước những khó khăn có thể gặp phải trong quá trình khởi nghiệp. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dự án Gateway vào top 3 cuộc thi Solution Challenge 2022
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO