Doanh nhân Mic Nguyễn: Người tạo ra những bệnh nhân... ảo

PHƯƠNG QUYÊN| 29/05/2018 08:00

Trong bối cảnh chi phí đào tạo sinh viên y dược thực tập trên robot mô phỏng là rất cao, thì thực hành trên phần mềm sử dụng trí tuệ nhân tạo tốn ít chi phí hơn hẳn nhưng lại hết sức trực quan và đó cũng là lý do thúc đẩy doanh nhân Mic Nguyễn tạo ra những... bệnh nhân ảo.

Doanh nhân Mic Nguyễn: Người tạo ra những bệnh nhân... ảo

Với mục tiêu cung cấp phương pháp học y tốt hơn, Mic Nguyễn cùng đồng nghiệp của mình đã kêu gọi được số vốn đầu tư khá lớn từ cộng đồng để vận hành ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) Med2lab của mình. Ứng dụng của anh được nhiều trường đại học lớn của Mỹ triển khai. Nhưng, với Mic Nguyễn, Med2lab không phải là dự án để kiếm tiền mà thuần để phục vụ cộng đồng. Công nghệ sẽ giúp anh làm giàu bằng những cách khác.

Sứ mệnh của Med2lab

Gặp Mic Nguyễn tại TP.HCM ngay sau chuyến bay từ Vinh trở về. Anh bảo, những ngày qua, anh như con thoi bay từ đầu này đến đầu kia của đất nước. Vừa lo chuyện vận hành văn phòng Med2lab tại Vinh, vừa chuẩn bị cho việc thành lập AI Novations, trung tâm triển khai ứng dụng AI và phân tích dữ liệu đầu tiên của anh tại Việt Nam. Đó là chưa kể, thời gian anh dành để điều hành việc kinh doanh ở Mỹ. “Công nghệ đã giúp con người tối ưu rất nhiều thứ nhưng vẫn có những yếu tố cần đến sự hiện diện của chính con người”, Mic Nguyễn chia sẻ.

Thành lập vào năm 2015 và có trụ sở tại Alexandria, Virginia, Med2lab là nền tảng ứng dụng AI để tạo ra những bệnh nhân ảo. Nó cung cấp công cụ cần thiết để tạo ra các mô đun đào tạo. Trong đó, học viên có thể thu thập thông tin, đưa ra quyết định lâm sàng và nhận được những phản ứng từ “bệnh nhân” ngay sau những quyết định ấy. Tương tự như ngoài đời thực, bệnh nhân ảo sẽ trả lời tình trạng hiện tại để sinh viên có thể dựa trên các thông số này kê đơn, triển khai chữa trị. Nếu sai, sinh viên được rút kinh nghiệm và có thể thử phương án chữa trị khác trên bệnh nhân mới.

Sau khi chia sẻ sứ mệnh của Med2lab, các thành viên sáng lập đã nhanh chóng huy động được hơn 300.000 USD vốn từ cộng đồng. Ngay sau đó, Ban Giám đốc bệnh viện Boston, Mỹ cũng đã đồng ý chi 80.000 USD để triển khai sản phẩm này tại Đại học Bệnh viện nhi đồng Boston. Sau 3 năm vận hành, Med2lab đã phục vụ cho việc giảng dạy, thực nghiệm cho hàng ngàn sinh viên y khoa, bác sĩ các trường đại học, bệnh viện danh tiếng tại San Francisco, California, Boston, Massachusetts...

Mic Nguyễn kể, anh đã hoàn thành chương trình thạc sĩ ứng dụng công nghệ thông tin tại Đại học Johns Hopkins và thạc sĩ quản lý nhân lực công nghệ tại Đại học Towson. Anh không khởi nghiệp mà đầu quân vào các tổ chức chính phủ như Bộ Quốc phòng Mỹ, Bộ Thương mại, Bộ Thống kê, Quỹ Tiền tệ Quốc tế… để có điều kiện triển khai các chương trình nghiên cứu về ứng dụng AI công nghệ cao vào đời sống.

Đang nắm giữ chức vụ Phó Chủ tịch công nghệ ở Whirlwind Technologies, công ty công nghệ cao thuộc chính phủ ở Mỹ, thì tình cờ, Mic Nguyễn gặp lại anh bạn học chung ngày trước ở Việt Nam là Bảo Trương. Cùng nhau nói về y tế Việt Nam, cả hai quyết định triển khai Med2lab. Để có thể dùng công nghệ mô phỏng y khoa, cả hai đã phải nghiên cứu phương thức biến tài liệu giảng dạy thành hệ thống mô phỏng thực nghiệm trên phần mềm thông minh.

Trong bối cảnh chi phí đào tạo sinh viên thực tập trên robot mô phỏng rất cao, hơn 113.000 USD/người, thì thực hành trên bệnh nhân ảo tốn ít chi phí hơn hẳn nhưng lại hết sức trực quan. Med2lab được đón nhận cũng là điều dễ hiểu.

“Động lực lớn nhất giúp chúng tôi hoàn thành dự án này không phải là tiền. Ngay từ đầu, chúng tôi xác định với nhau sẽ đem công nghệ này phục vụ cộng đồng, nhất là tại các nước chưa phát triển. Những nhà đầu tư cho Med2lab cũng có cùng quan điểm, phát triển ứng dụng bệnh nhân ảo không vì lợi nhuận”, anh khẳng định.

Link bài viết

Việc kết hợp với các trường đại học danh tiếng ở Mỹ đã giúp Med2lab được đảm bảo về mặt uy tín. Med2lab giờ đã có doanh thu đủ lớn để có thể tái đầu tư, mở rộng thêm các ứng dụng mới. “Sau bệnh nhân ảo sẽ là bác sĩ ảo. Trong tương lai, ứng dụng ấy có thể giúp ích cho rất nhiều bệnh nhân”, Mic Nguyễn khoe.

Con cá ngược dòng

Rời quê hương cùng gia đình khi còn đang học phổ thông, cựu học sinh Trường Lê Hồng Phong cho biết, điều làm anh trăn trở nhiều hơn cả là chất lượng y tế tại Việt Nam. Thống kê từ Bộ Y tế cho thấy, số nhân viên toàn ngành y tế có trên 400.000 người, trong đó số bác sĩ gần 80.000, so với 92 triệu dân thì chỉ tiêu trên mới đạt khoảng 8 bác sĩ/10.000 dân. Con số này rất thấp so với thế giới, hơn 20 bác sĩ/10.000 dân.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng công bố trong World Health Statistics 2017 rằng tỉ lệ người làm trong lĩnh vực y tế có tay nghề tại Việt Nam chỉ khoảng 24,1/10.000 dân. Để phát triển chất lượng y tế, điểm bắt đầu phải là khâu đào tạo đội ngũ y bác sĩ. Đó chính là lý do khiến anh quyết định sớm quay về.

Khác với Mỹ, khi đưa Med2lab vào Việt Nam, Mic Nguyễn phải trở lại điểm khởi đầu: kêu gọi các nhà đầu tư hỗ trợ triển khai tại trường Đại học Y dược TP.HCM. Nguyên nhân là phải đầu tư cho hệ thống máy chủ, hạ tầng còn thiếu tại trường. Theo tính toán của Mic Nguyễn, chỉ cần huy động được khoảng 200.000 USD, dự án này có thể phục vụ việc học cho hơn 4.000 sinh viên Việt Nam trong 3 năm. Đã có vài nhà đầu tư chấp nhận khoản này nhưng do chưa cùng mục tiêu cuối cùng là phi lợi nhuận nên anh vẫn chưa tìm được bạn đồng hành. “Khi chúng ta hướng đến những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng, những điều an lành cũng sẽ đến”, anh nói.

Đi đi về về giữa 2 quốc gia, lúc nào cũng canh cánh chuyện ứng dụng bệnh nhân ảo, hỏi chuyện làm giàu cho bản thân, anh cười, bảo mình rất tự tin về điều này. Bởi bên cạnh nhiệm vụ cộng đồng mà anh tự gánh cho mình, việc trở về của anh còn có một lý do khác: Sự khởi đầu của Việt Nam chính là đại dương xanh cho những người phát triển ứng dụng AI như anh.

Anh nhận xét: “Việt Nam đang có nhiều tập đoàn kinh tế nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn xa lạ với công nghệ, nhất là AI. Trong khi đó, trên thế giới, dữ liệu chính là tiền, là doanh số, là lợi thế cạnh tranh”.

Theo chàng trai trẻ này, công nghệ có thể giúp doanh nghiệp tối giản được quy trình sản xuất, tiết kiệm chi phí. Với ứng dụng AI, doanh nghiệp sẽ “đọc” được nhu cầu của khách hàng một cách chính xác vì nó có khả năng thu thập dữ liệu rất cao. Nhờ đó, người điều hành có thể dự đoán được những biến động của thị trường, đưa ra chiến lược kinh doanh phù hợp.

“Tất nhiên, trong bối cảnh thực tế Việt Nam hiện nay thì vận hành AI Novations chỉ là bước đón đầu. Khó khăn ở thị trường này không hề ít”, Mic Nguyễn nói về việc kinh doanh của mình như vậy. Rất vui, đã có vài doanh nghiệp nhìn thấy sức mạnh của AI, tìm đến anh. “Tôi biết, mình sẽ mất rất nhiều thời gian ở thị trường này nhưng luôn tin mình sẽ làm được. Uber thua Grab ở Đông Nam Á vì không thông thuộc thị trường bản địa. Tôi là con cá, ngược dòng về Việt Nam để được bơi trong nguồn nước của mình”, Mic Nguyễn tự tin.

(Theo NCĐT - Tựa bài do DNSG Online đặt lại)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nhân Mic Nguyễn: Người tạo ra những bệnh nhân... ảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO