Theo The Guardian, mỗi năm, hàng triệu người sẵn lòng xuất ngoại để tìm kiếm các liệu pháp y tế không có sẵn hoặc quá đắt đỏ tại quê nhà - hình thức được gọi chung là du lịch y tế. Với một số người, đây là phương án cuối cùng để xoa dịu sự đau đớn của bệnh tật. Với số khác, mục tiêu đơn giản là kéo dài tuổi thọ.
Sử dụng tế bào gốc để trẻ hoá và kéo dài tuổi thọ là lĩnh vực nghiên cứu có nhiều tiềm năng, song tương đối ít phương pháp được phê duyệt trên thực tế |
Cơn khát kéo dài tuổi thọ và đảo ngược lão hoá
Theo Giáo sư Peter Ward, Đại học Washington - tác giả cuốn The Price of Immortality (tạm dịch: Cái giá của Sự bất tử), rất nhiều người có nhu cầu "bỏ tiền để mua thêm vài năm sống sót". Tại Anh, số người trên 65 tuổi vào năm 2019 chiếm 19% dân số, tăng 23% so với 10 năm trước và các tiến bộ khoa học trong lĩnh vực đảo ngược lão hóa đang khiến nhiều người ôm hy vọng có thể kéo dài tuổi thọ thông qua du lịch y tế.
Chính nhu cầu có thực này đã giúp du lịch y tế trở thành một ngành công nghiệp tỷ đô. Theo Patients Beyond Borders - sách hướng dẫn về du lịch y tế, thị trường du lịch y tế toàn cầu có giá trị từ 74 tỷ USD đến 92 tỷ USD năm 2019. Và, một trong những dịch vụ được ưa chuộng nhất là liệu pháp tế bào gốc: sử dụng tế bào hình thành cơ thể để trẻ hóa và khắc phục tổn thương do bệnh tật hoặc lão hóa.
Dù đây là lĩnh vực nghiên cứu có nhiều tiềm năng, songtương đối ít phương pháp được phê duyệt trên thực tế. Theo một nghiên cứu công bố năm 2020, các nước dẫn đầu về du lịch để tiêm tế bào gốc là Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và Mexico. Theo Giáo sư Peter Ward, liệu pháp tế bào gốc có thể hỗ trợ điều trị ung thư và nhiều loại bệnh khác, nhưng một số công ty tại Mỹ đang thổi phồng nó như "một giải pháp thần kỳ để chống lão hóa".
Năm ngoái, một phòng khám ở Iowa, Mỹ bị phát hiện đã phóng đại dịch vụ của mình trong một buổi giao lưu với khách hàng. Tài liệu bán dịch vụ của phòng khám này ghi "Chống lão hóa: Truyền tế bào gốc giúp đảo ngược quá trình lão hóa tới 3 năm! Bạn có muốn trẻ lại 3 tuổi không?". Tài liệu này đượcvăn phòng tổng chưởng lý của bang Iowa thu thập, và phòng khám này đang bị kiện vì quảng cáo sai sự thật.
Đáng chú ý, ngay cả khi đã bị truy tố hoặc bị phạt ở một quốc gia, vẫn có trường hợp tiếp tục cung cấp dịch vụ tương tự ở nơi khác.
The Guardian liệt kê trường hợp một người tại Florida bị thu hồi giấy phép y tế vào năm 2015, sau khi 2 khách hàng sử dụng dịch vụ tế bào gốc của anh ta qua đời, đã tiếp tục làm giám đốc khoa học của một công ty tế bào gốc khác. Thậm chí, nhân viên lễ tân còn vui vẻ cho biết rằng phòng khám vẫn hoạt động và đang thực hiện các thủ tục ở Cộng hòa Dominica - một điểm nóng về du lịch y tế.
Có thực sự hiệu quả?
Trên thực tế, việc truyền tế bào gốc của người khác vào cơ thể để điều trị bệnh mạn tínhcó thể tạo ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Bác sĩ John Chi - Giám đốc khoa phẫu thuật cột sống tại Bệnh viện Brigham và Phụ nữ ở Boston từng tiếp nhận một bệnh nhân gánh hậu quả từ liệu pháp này.
"Bệnh nhân nhập viện với cột sống chứa đầy mô máu, khi tôi gắp từng mảnh, nó bắt đầu xuất huyết và trộn lẫn với mọi thứ xung quanh. Tôi chưa từng thấy điều tương tự", ông kể.
Dị vật trong cột sống bệnh nhân này hình thành từ các tế bào gốc bất thường nhưng phát triển mạnh mẽ. Số tế bào gốc đó được lấy từ một người khác. Trước đó, bệnh nhân đã điều trị tại các phòng khám khắp Mexico, Trung Quốc, Argentina và trả hàng chục nghìn USD/lần tiêm tế báo gốc. Tổng chi phí du lịch là gần 300.000 USD.
Tế bào gốc trên xương của người. Ảnh: Science |
Liệu pháp tế bào gốc không phải phương pháp chống lão hóa duy nhất khiến nhiều người sẵn lòng chi hàng trăm nghìn USD cho các chuyến du lịch y tế. Lĩnh vực di truyền (liệu pháp gene) cũng được lựa chọn. Các nghiên cứu đầy hứa hẹn chưa cho kết quả, chưa được phê duyệt, nhưng nhiều người vẫn sẵn lòng dốc hầu bao cho các dịch vụ được quảng cáo trên mạng.
"Tôi biết một người Mỹ từng lên kế hoạch đến Pháp để trải nghiệm liệu pháp lọc huyết tương - liệu pháp mà anh ta tuyên bố rằng sẽ làm trẻ hóa máu, loại bỏ các tế bào bệnh tật và trao cơ hội sống đến 500 tuổi cho mình", ông Ward nói.
Trong một số trường hợp, người muốn kéo dài tuổi thọ thậm chí còn không cần phải ra nước ngoài để tiếp cận các loại thuốc được quảng cáo sẽ giúp họ sống lâu hơn. Giáo sư Ward cho biết một phụ nữ lớn tuổi tại London kể với ông đã mua thuốc ung thư Dasatinib từ một website ở Ấn Độ và dùng nó với hy vọng nó sẽ tiêu diệt các tế bào già, được cho là đóng vai trò không thể thiếu trong việc lão hóa.
Tiến sĩ Jaime Imitola - chuyên gia thần kinh học, nhà nghiên cứu tế bào gốc tại Trung tâm Y tế Wexner, Đại học Bang Ohio, khuyến cáo cộng đồng không nên thực hiện các chuyến du lịch y tế như trên. Tuy nhiên, ông cho rằng những lời cảnh báo của giới chuyên môn thường không tác động mấy đến quyết định của những người có nhu cầu.
Theo ông Ward, khi du lịch y tế, bệnh nhân không được hưởng tiêu chuẩn chăm sóc mà họ vốn quen thuộc tại quê nhà, khó xác định bác sĩ và phòng khám có hợp pháp hay không. Nếu bay về nước quá sớm, một số gặp phải tác dụng phụ mà không được điều trị kịp thời và có thể để lại hậu quả nghiêm trọng về mặt sức khỏe.
"Trong trường hợp khả quan nhất, họ về nhà và mất chút tiền. Trong trường hợp tệ nhất, họ tự rút ngắn tuổi thọ của chính mình", vị giáo sư nhận xét.