Khai thác hợp lý cảng Cam Ranh

THIÊN NHẬT| 03/01/2011 08:21

Quyết định của Chính phủ hai tháng trước đây về việc xây dựng cảng Cam Ranh thành trung tâm dịch vụ hậu cần kỹ thuật hiện đại cho tàu hải quân của tất cả các nước được dư luận trong lẫn ngoài nước đặc biệt quan tâm, nhất là trong tình hình tranh chấp biển Đông suốt năm qua đã trở nên vô cùng nhạy cảm.

Khai thác hợp lý cảng Cam Ranh

Quyết định của Chính phủ hai tháng trước đây về việc xây dựng cảng Cam Ranh thành trung tâm dịch vụ hậu cần kỹ thuật hiện đại cho tàu hải quân của tất cả các nước được dư luận trong lẫn ngoài nước đặc biệt quan tâm, nhất là trong tình hình tranh chấp biển Đông suốt năm qua đã trở nên vô cùng nhạy cảm.

Hiện nay việc khai thác cảng này đang ở giai đoạn làm dự án để chuẩn bị đầu tư và khả năng thuê tư vấn nước ngoài, mua thiết bị công nghệ của Nga đang ở trong tầm tay sau nhiều lần đàm phán.

Từ căn cứ quân sự…

Thật ra thì việc khai thác cảng Cam Ranh đã được đặt ra trước khi người Nga chấm dứt hợp đồng thuê và rút khỏi quân cảng quan trọng này.

Vào trung tuần tháng 10/2001, ngay sau khi Tổng thống Nga Putin công bố quyết định của Chính phủ nước này kết thúc việc thuê cảng Cam Ranh của Việt Nam đầu năm 2002 trước thời hạn hai năm, Chính phủ Việt Nam đã khẳng định chắc chắn Việt Nam sẽ sử dụng cảng này vào mục đích phát triển kinh tế.

Điều này làm rõ hơn tuyên bố của Thủ tướng Phan Văn Khải trước đó rằng: “Chúng tôi sẽ không để bất cứ nước nào sử dụng Cam Ranh vào mục đích quân sự”. Một sự khẳng định đáng mừng bởi Cam Ranh từ nay đã được nhìn theo cách khác.

Là một hải cảng được đánh giá đứng thứ nhì trên thế giới về vị trí và tiềm năng, chỉ sau Sydney của Australia, gần thế kỷ nay Cam Ranh thường được nhắc đến dưới tầm nhìn chiến lược quân sự: Vào năm 1905, hạm đội Nga Hoàng đã vào đây tránh bão sau đó bị hạm đội Nhật đánh tan ở eo biển Tsushima.

Trong Thế chiến thứ hai, quân đội Nhật đã sử dụng cảng Cam Ranh làm căn cứ hậu cần xâm chiếm Đông Dương cho đến giữa năm 1944. Chiến tranh Việt Nam đã đưa Cam Ranh lên bản đồ quân sự thế giới, khi từ năm 1965 đến 1972, quân đội Mỹ đã xây dựng nơi đây thành căn cứ quân sự quy mô khá lớn, với sân bay có hai đường băng 2.800 mét, nhiều kho bãi để sử dụng như căn cứ tiếp liệu chính ở miền
Nam khống chế hành lang phía Tây Thái Bình Dương.

Chiến tranh kết thúc, Mỹ rút thì Liên Xô đã thuê Cam Ranh năm 1978 với thời hạn kết thúc vào năm 2004 để dùng vào mục đích quân sự. Trong suốt thời gian ấy, chỉ một lần Cam Ranh được nhắc đến dưới giác độ kinh tế. Đó là vào cuối thập niên 60 trong kế hoạch hậu chiến,
chính quyền Sài Gòn dự kiến biến nơi đây thành cảng biển, một khu kỹ nghệ đóng chữa tàu quy mô lớn và xây dựng nhà máy khai thác mỏ cát trắng lộ thiên để sản xuất thủy tinh cao cấp.

…Đến trung tâm dịch vụ

Nhưng đến thời điểm 2010 chính phủ quyết định Cam Ranh trở thành một trung tâm dịch vụ mà hiểu cách giản đơn thì đây là một hoạt động kinh tế do quân đội đảm trách và chỉ làm dịch vụ hậu cần.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khi trả lời báo chí trong và ngoài nước quan tâm đến tương lai cảng Cam Ranh đã nói rõ: “Việt Nam nhiều lần tuyên bố không hợp tác với nước ngoài sử dụng vào mục đích quân sự mà sẽ khai thác tiềm năng ở vịnh Cam Ranh phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước”.

Vịnh Cam Ranh nằm ở cực Nam của vịnh Khánh Hòa, nằm ở vòng cung phía Đông, là vị trí yết hầu chiến lược có tầm nhìn bao quát Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, nhờ khoảng cách từ vị trí này đến tuyến hàng hải quốc tế ở hai đại dương nói trên chỉ bằng hải trình một tiếng đồng hồ.Vì thế Cam Ranh có vị trí chiến lược hết sức quan trọng xưa nay đối với các nhà quân sự.

Vịnh Cam Ranh bốn bề được bao bọc bởi một quần thể núi đá cao khoảng 400 mét, ăn sâu vào đất liền 17km, rộng 6km, diện tích mặt nước hơn 100 cây số vuông. Độ sâu trong vịnh chỗ sâu nhất đến 32m, là một trong những cảng nước sâu tự nhiên có giá trị nhất thế giới. Trong vịnh có thể là nơi đậu của hàng trăm tàu cỡ lớn hàng vạn tấn, kể cả tàu sân bay.

Phía trong cảng được phân thành hai khu vực là cảng quân sự và cảng thương mại, trong đó cảng quân sự nằm ở bờ phía Đông thị trấn Cam Ranh có sáu cầu tàu, xưởng đóng tàu có thể sửa chữa tàu cỡ lớn và đóng tàu cỡ nhỏ. Ngoài ra nơi đây còn có kho chứa dầu, kho đạn dược và kho quân nhu đảm bảo cơ sở vật chất, hệ thống trinh sát điện tử và thông tin cũng tương đối hoàn thiện.

Đa phương hóa quan hệ

Sân bay Cam Ranh

Việc khai thác cảng Cam Ranh được dư luận và báo chí nước ngoài chú ý rất nhiều trong tình hình hiện nay. Một số nhà bình luận cho rằng sau 25 năm đổi mới, Việt Nam đã có những tiến bộ phát triển kinh tế.

Về mặt quân sự, Việt Nam đang muốn xây dựng một số cảng quốc tế để vừa có được lợi ích kinh tế vừa nâng cao hình ảnh đất nước.
Trong khi đó Đài RFI của Pháp lại nhìn vấn đề một cách trực diện khi cho rằng quyết định mở cửa Cam Ranh là một tính toán chiến lược mới. Sự kiện thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông báo quyết định này, rồi sau đó được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh làm rõ thêm, chứng tỏ tầm quan trọng của động thái này.

Phải nói là khi loan báo thông tin về Cam Ranh, các lãnh đạo của chúng ta đều nhấn mạnh đến tính chất thương mại của quyết định. Trong cuộc họp báo hồi cuối tháng 10/2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rõ: “Việt Nam sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho tàu hải quân của tất cả các quốc gia, kể cả tàu ngầm, khi có yêu cầu”.

Còn theo tướng Thanh, dự án này hoàn toàn nhằm mục tiêu kinh tế thương mại. Lẽ dĩ nhiên, Cam Ranh cũng có quân cảng của Việt Nam, nhưng tách biệt với khu trung tâm dịch vụ quốc tế.

Về các hoạt động tương lai của khu dịch vụ nói trên, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam nói không loại trừ việc phục vụ các hàng không mẫu hạm. Về các đối tượng phục vụ, ông bộ trưởng xác định Việt Nam là chủ đầu tư, là người quản lý, các nước đều có thể vào cảng với điều kiện phải có hợp đồng kinh tế. Những nước có tranh chấp chủ quyền với Việt Nam, chúng ta có thể xem xét việc cho tàu vào.

Nhận xét của báo chí về việc mở cửa này cũng không khác quan điểm của các chuyên gia nghiên cứu. Trong bài phỏng vấn dành riêng cho đài phát thanh RFI, giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về Việt Nam và châu Á tại Học viện Quốc phòng Úc, đã đánh giá cao quyết định của Việt Nam.

Theo ông, việc cho phép tàu hải quân nước ngoài ghé vịnh Cam Ranh là một động thái khôn ngoan, vì nó có hình thức như là một biện pháp công bằng về địa chiến lược, xem mọi nước như nhau.

Việc mở cửa vịnh Cam Ranh là biểu hiện một chính sách đối ngoại đa phương của Việt Nam, nó sẽ thu hút những lực lượng hải quân duy trì một sự hiện diện thường xuyên và tuần tra trên biển Đông. Cũng theo ông, ý nghĩa quan trọng đầu tiên của quyết định liên quan đến Cam Ranh là vấn đề chiến lược, sau đó mới đến khía cạnh kinh tế.

Dù dư luận nước ngoài có nhận định thế nào đi nữa, thì việc khai thác cảng Cam Ranh chỉ còn là vấn đề thời gian. Trả lời câu hỏi của báo chí liệu khi nào trung tâm dịch vụ Cam Ranh đi vào hoạt động, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết ít nhất cũng phải mất ba năm. Và hiện nay chúng ta vẫn chưa nói trước được tính hiệu quả về kinh tế của trung tâm này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khai thác hợp lý cảng Cam Ranh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO