Khác biệt - Phương cách đương đầu với thử thách

TRẦN PHÚ AN| 16/09/2013 08:34

Đừng tung hô việc học hỏi từ sai lầm. Một nhận thức sai lầm khác: bạn cần phải học hỏi từ thất bại của mình. Hãy làm ngược lại bằng cách học hỏi từ thành công của bạn.

“Đơn giản, trực diện, sắc bén và đầy sức thuyết phục… Hãy để Khác biệt để bứt phá làm sách gối đầu giường, bạn sẽ có đủ lòng can đảm để đương đầu với mọi thứ và tạo nên điều vĩ đại” - Tony Hsieh - Giám đốc điều hành Zappos.com.

Nguyên tác: Rework
Tác giả: Jason Fried và David Heinemeier Hanson
Nhà xuất bản Trẻ

Về tác giả

Jason Fried là một doanh nhân về phần mềm.

David Heinemeier Hansson, chuyên gia lập trình 30 tuổi, người Mỹ gốc Đan Mạch, tác giả của ngôn ngữ lập trình nổi tiếng Ruby on Rails.

Jason Fried và David Heinemeier Hanson là những nhà sáng lập 37 Signals, một công ty phần mềm tiên phong chuyên sản xuất các phần mềm ứng dụng được hàng triệu người trên thế giới tin dùng.

Họ còn là đồng tác giả của Signals vs.Noise, một trong những trang blog phổ biến nhất hiện nay.

Nội dung chính

Chương 1 – Khởi đầu

Có một thực tế mới: ngày nay, bất kỳ ai cũng có thể kinh doanh. Những công cụ trước đây nằm ngoài tầm tay thì giờ rất dễ có được. Một người có thể đảm đương công việc của hai hay nhiều người. Những việc bất khả hồi vài năm trước thì giờ trở nên đơn giản. Giờ đây, bạn có thể làm việc ở nhà hoặc hợp tác với những người sống cách xa hàng ngàn dặm mà bạn chưa bao giờ gặp mặt.

Đã đến lúc thay đổi phương thức làm việc. Chúng ta hãy bắt đầu.

Chương 2 – Hạ bệ

Phớt lờ thế giới thực

Thế giới thực có vẻ là một nơi cực kỳ buồn chán. Đó là nơi mà các ý tưởng mới, phương pháp lạ và những khái niệm ngoại lai luôn thất thế.

Trong thế giới thực, bạn không thể thu hút hàng triệu khách hàng mà không cần bất cứ nhân viên bán hàng hay chiến dịch quảng cáo. Trong thế giới thực, bạn không thể để lộ bí quyết thành công của mình cho người khác biết. Tuy nhiên, chúng tôi đã làm tất cả những điều đó và vẫn phát đạt.

Đừng tung hô việc học hỏi từ sai lầm. Người ta thường khuyên bạn “thất bại là mẹ thành công”. Một nhận thức sai lầm khác: bạn cần phải học hỏi từ thất bại của mình.

Hãy làm ngược lại bằng cách học hỏi từ thành công của bạn. Khi thành công một việc nào đó, bạn biết được điều gì hiệu quả và bạn có thể tiếp tục thực hiện việc đó, và có thể làm tốt hơn nữa. Thất bại không phải là điều kiện tiên quyết để thành công. Sự tiến hóa không nấn ná ở những thất bại trong quá khứ, nó luôn được xây dựng dựa trên những gì hiệu quả.

Lên kế hoạch là phán đoán. Có nhiều yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn: đối thủ cạnh tranh, khách hàng, nền kinh tế… Việc lên kế hoạch khiến bạn cảm thấy mình có thể kiểm soát được những thứ mà thực ra bạn không thể. Kế hoạch là những phán đoán. Kế hoạch để cho quá khứ điều khiển tương lai. Kế hoạch mâu thuẫn với sự ứng biến. Bạn phải có khả năng nắm bắt khi cơ hội đến. Hãy bỏ bớt việc phán đoán. Hãy quyết định những gì bạn sẽ làm trong một tuần, hãy tìm ra điều quan trọng nhất tiếp theo và thực hiện.

Đừng đưa ra giả định về quy mô doanh nghiệp của bạn. Hãy phát triển từ từ và xem cái gì là phù hợp. Hãy tránh sự phát triển bộc phát. Đừng cảm thấy bất an khi điều hành một doanh nghiệp nhỏ. Một doanh nghiệp có thể đứng vững và có thể sinh lợi thì dù nó nhỏ hay lớn, người tạo ra nó cũng lấy làm tự hào.

Chứng nghiện việc

Bạn hãy biết chứng nghiện việc chẳng những không cần thiết mà còn thật xuẩn ngốc. Người nghiện việc thích làm việc ngoài giờ để có cảm giác mình như những vị anh hùng xả thân vì sự nghiệp.

Nếu trí não luôn phải làm việc, bạn sẽ khó mà có óc phán xét sáng suốt, quyết định của bạn sẽ bị lệch lạc, bạn không phải là người hoàn hảo mà chỉ lãng phí thời gian chúi mũi vào những tiểu tiết vụn vặt, nên hiệu suất không nhiều hơn người làm việc bình thường. Rồi sau cùng, bạn chỉ chuốc lấy sự chán chường và mệt mỏi.

Bạn đừng nghĩ mình là ông chủ doanh nghiệp mà là người khởi nghiệp. Bạn chỉ đang làm những gì bạn yêu thích theo cách riêng của bạn và nhận được thù lao từ việc ấy. Bạn chỉ cần có ý tưởng, sự tự tin và động lực để bước lên bệ phóng.

Chương 3 – Tiến lên

Tạo dấu ấn

Để làm việc lớn, bạn cần phải thấy mình đang tạo ra sự khác biệt, tạo ra dấu ấn. Chỉ cần khách hàng của bạn nói “cái này làm cho cuộc sống của tôi tốt đẹp hơn”, hay chỉ cần nếu bạn ngưng những gì mình đang làm thì mọi người sẽ nhận ra ngay.

Gãi đúng chỗ ngứa. Cách dễ dàng nhất và nhanh chóng nhất để có được một sản phẩm hay dịch vụ tuyệt vời là làm ra những thứ mà bản thân bạn cũng muốn sử dụng. Nghĩa là, đơn giản bạn ngứa chỗ nào, gãi chỗ đó. Phương pháp “giải quyết vấn đề của chính bạn” làm bạn ưa thích những gì mình tạo ra và bạn sẽ song hành cùng nó, có lẽ cả phần đời còn lại của bạn cũng nên.

Bạn cho rằng ý tưởng của mình đáng giá? Chừng nào bạn chưa thực sự bắt đầu tạo ra một cái gì đó, thì ý tưởng tuyệt vời của bạn cũng chỉ là ý tưởng mà thôi… Điều quan trọng nhất là phải bắt tay vào làm.

Đừng đổ lỗi cho thời gian

Bạn sẽ luôn có đủ thời gian nếu bạn biết sử dụng thời gian đúng cách. Hãy cứ làm việc bình thường và tranh thủ thực hiện kế hoạch của mình vào buổi tối. Khi bạn thực sự đam mê điều gì, bạn sẽ dành thời gian cho nó, bất chấp những nghĩa vụ khác của bạn. Thời điểm hoàn hảo không bao giờ đến cả. Nếu bạn cứ tiếp tục gặm nhấm việc hoạch định thời gian hoàn hảo cho mọi việc thì những việc đó sẽ chẳng bao giờ xảy ra đâu.

Giữ vững lập trường

Các doanh nghiệp thành công luôn có quan điểm riêng và họ tin tưởng vào quan điểm đó. Lập trường vững vàng chính là cách bạn thu hút những người hâm mộ cuồng nhiệt. Họ hướng đến bạn và bảo vệ bạn, họ sẽ loan truyền tiếng thơm của bạn xa hơn, rộng hơn và nồng nhiệt hơn bất cứ loại hình quảng cáo nào.

Huy động vốn từ nguồn lực bên ngoài là phương án cuối cùng

Bất luận bạn đang kinh doanh theo loại hình nào, hãy sử dụng càng ít nguồn vốn từ bên ngoài càng tốt. Khi bạn huy động vốn, người khác sẽ nắm cổ phần trong công ty bạn. Liệu bạn mở công ty để phục tùng người khác? Lại nữa, nhà đầu tư luôn luôn muốn thu hồi vốn càng nhanh càng tốt thì các dự án dài hạn của bạn sẽ ra sao? Cuối cùng bạn sẽ xây dựng những gì mà nhà đầu tư muốn thay vì những gì mà khách hàng muốn. Trước khi đưa đầu vào chiếc thòng lọng ấy, hãy tìm phương án khác.

Bạn cần ít hơn bạn nghĩ. Các vấn đề về vốn, nhân sự, cơ sở vật chất, thời gian thật ra bạn cần ít hơn bạn nghĩ. Nhiều công ty đã khởi sự trong gara chỉ với một vài người, nhưng rồi họ đã trở thành công ty lớn.

Đừng bao giờ quan niệm rằng công ty của bạn mới thành lập mà bạn phải suy nghĩ là bạn đang thành lập một doanh nghiệp thực sự, nghĩa là, bạn phải đương đầu với những vấn đề thực tế và phải nghĩ đến lợi nhuận ngay từ những ngày đầu tiên. Có như vậy bạn sẽ dễ tiến đến thành công hơn.

Khi bạn gầy dựng một công ty với ý định bán nó đi, bạn đã chọn nhầm đường. Liệu chỉ có tiền thôi thì có thực sự làm bạn hạnh phúc? Làm sao bạn có tâm huyết và sự tin tưởng? Đừng bao giờ thế. Phúc không đến hai lần. Nếu bạn đã xây dựng được doanh nghiệp tiềm năng, hãy duy trì hoạt động của nó.

Nếu chưa cần thiết gia tăng qui mô, bạn giữ qui mô nhỏ, bạn có thể thay đổi dễ dàng bất cứ thứ gì: mô hình kinh doanh, sản phẩm, đặc tính, thông điệp quảng cáo. Bạn có thể phạm sai lầm và nhanh chóng sửa chữa. Điều quan trọng là bạn có thể thay đổi tư duy.

Jason Fried (trái) và David Heinemeier Hansson

Chương 4 – Tiến triển

Tận dụng hạn chế

Thời gian, tiền bạc, nhân lực, kinh nghiệm, đừng than vãn những hạn chế của chúng. Ít là tốt. Sự hạn chế là một lợi thế mà không phải ai cũng nhận ra. Bạn hãy tiến hành công việc với những gì bạn có. Không có chỗ cho sự lãng phí. Điều đó bắt buộc bạn phải trở nên sáng tạo. Trước khi than vãn về sự thiếu thốn, hãy xem thử liệu bạn có thể làm được gì với những gì mình có.

Bạn không thể làm tất cả mọi thứ mà bạn muốn và làm cho thật hoàn hảo được. Hãy buông bỏ một vài việc để đạt kết quả tốt hơn. Hãy tạo ra những điều xuất sắc bằng cách cắt bớt những phần chỉ ở mức vừa hay.

Hãy bắt đầu từ tâm chấn

Có những việc bạn có thể làm, những việc bạn muốn làm, và những việc bạn phải làm. Những việc bạn phải làm là nơi mà bạn nên bắt đầu. Hãy bắt đầu ngay từ tâm chấn.

Hãy phớt lờ cái chi tiết trong thời gian đầu. Hãy tập trung vào những điều cốt lõi trước, rồi hãy bận tâm đến các chi tiết sau. Bức tranh tổng thể chính là tất cả những gì mà bạn nên bận tâm trước khi bắt đầu.

Hãy tuân thủ việc ra quyết định. Đừng chờ đợi giải pháp hoàn hảo. Hãy quyết định và hướng về phía trước. Quyết định chính là sự tiến triển. Hãy đặt câu hỏi “chúng ta có thể làm gì ngay lúc này để có được kết quả tối ưu?”. Hãy quyết định và bắt tay làm ngay khi bạn có đủ đà và động lực.

Hãy là một giám tuyển (curator) đưa ra những quyết định sáng suốt về những gì nên giữ và những gì nên bỏ đi. Hãy bám sát những gì tinh túy. Hãy xén bớt cho đến khi chỉ còn lại những thứ thực sự quan trọng.

Giá trị cốt lõi không bao giờ thay đổi

Phần cốt lõi trong việc kinh doanh của bạn nên được xây dựng dựa trên những thứ không đổi, những thứ mà mọi người muốn có hôm nay và trong vòng mười năm sau họ vẫn muốn có. Đó là những thứ mà bạn nên đầu tư vào.

Hãy sử dụng bất cứ thứ gì mà bạn đã có hoặc những thứ mà bạn có thể chi trả, cứ việc tiến lên. Công cụ chỉ đóng “vai phụ”, khả năng sử dụng tốt những gì bạn có mới là thứ chính yếu. Nên nhớ rằng các âm điệu nằm ở ngón tay bạn.

Khi sản xuất ra một sản phẩm, bạn luôn tạo ra vài thứ kèm theo. Không thể nào chỉ tạo ra mỗi một thứ. Bất cứ thứ gì cũng có sản phẩm phụ cả. Những bộ óc kinh doanh sáng tạo và tinh ý sẽ nhắm vào những phụ phẩm đó và nhìn thấy những cơ hội rộng mở.

Bạn có thể đưa sản phẩm ra sớm hơn nhiều so với bạn nghĩ. Mỗi sản phẩm của bạn đã đầy đủ tính năng, hãy tung ra thị trường.

Chương 5 – Năng suất

Chất vấn bản thân

Những bản báo cáo, những biểu đồ, những bản miêu tả phải tốn rất nhiều thời gian để tạo ra, nhưng chỉ sau vài giây là bị quên lãng. Nếu bạn cần phải giải thích một điều gì đó, hãy cố gắng hiện thực hóa nó. Hãy làm bất cứ điều gì để loại bỏ vỏ bọc trừu tượng.

Cặm cụi thực hiện những việc mà bạn nghĩ phải làm thì rất dễ, còn việc ngừng lại và hỏi tại sao mình làm thì khó khăn hơn nhiều. Bạn sẽ tìm ra đâu là những việc thực sự quan trọng qua những câu hỏi sau: Tại sao bạn phải làm việc này? Bạn đang giải quyết vấn đề gì? Điều này có thực sự hữu ích? Bạn có đang gia tăng giá trị? Điều này có làm thay đổi hành vi? Có cách nào dễ dàng hơn? Bạn có thể làm gì thay thế? Có đáng làm?

Hãy chất vấn bản thân. Đôi khi từ bỏ những gì bạn đang thực hiện là một động thái đúng đắn. Đừng tiếp tục lãng phí thời gian quý báu cho những việc không hiệu quả.

Sự quấy rầy: kẻ thù của năng suất

Bạn có thể lập ra một nguyên tắc nơi công sở là bạn sẽ có nửa ngày được ở một mình (hoặc một ngày trong tuần). Chốn riêng là nơi mà bạn dồn hết tâm trí để làm việc và lúc đó, năng suất làm việc của bạn đạt đến đỉnh cao. Bất cứ sự quấy rầy nào cũng buộc bạn bắt đầu lại từ đầu. Hãy kiên quyết đấu tranh và chống lại chúng.

Link bài viết

Họp hành là độc dược. Những cuộc họp thường mang lại những khái niệm trừu tượng, những chuyện ngoài lề, những phát biểu vô nghĩa, nhồi nhét những nội dung mà không rõ mục tiêu. Một buổi họp một tiếng đồng hồ tức nhân lên với số người dự họp, đánh đổi một số năng suất rất lớn. Cái giá thực sự của một cuộc họp thật quá đắt!

Nếu bạn quyết định rằng, các bạn chắc chắn phải họp, thì cố gắng làm cho cuộc họp thật hiệu quả: đối tượng họp phù hợp; vấn đề, giải pháp, nhiệm vụ của mỗi thành viên thật cụ thể và có trọng tâm.

Phần lớn các vấn đề đều có giải pháp. Sao bạn không tìm đến giải pháp Judo, một giải pháp giúp bạn đạt hiệu quả tối đa với nỗ lực tối thiểu? Khi cái vừa đủ tốt để giúp bạn hoàn thành công việc, hãy thực hiện nó. Đó là cách khôn ngoan hơn nhiều so với việc lãng phí tài nguyên.

Tốc chiến tốc thắng

Sự tăng trưởng tiếp sức động lực. Cách tạo ra đà tăng trưởng là hoàn thành một việc rồi chuyển sang việc kế tiếp. Hãy tập thói quen đạt được những chiến thắng nhỏ dọc đường, thậm chí chỉ một sự cải thiện tí hon tạo ra đà tăng trưởng tốt.

Bỏ cuộc đôi lúc trở thành giải pháp tối ưu. Mọi người thường đánh đồng từ bỏ là thất bại, song đôi lúc đó chính xác là những gì mà bạn nên làm. Nếu bạn đã tiêu tốn quá nhiều thời gian vào một việc không đúng, hãy từ bỏ nó, nếu bạn tiếp tục lãng phí thời gian vào việc mà bạn không thể đảm đương thì càng tệ hại hơn nhiều.

Ngủ đủ giấc

Bỏ ngủ là một ý tồi, vì bạn sẽ trả giá đắt về sau: bạn sẽ chọn “bừa” giải pháp, bạn sẽ hủy hoại sức sáng tạo, sụt giảm tinh thần, dễ cáu kỉnh, đánh mất tính kiên nhẫn và lòng vị tha.

Con người chúng ta rất dở trong việc ước lượng. Cho nên phải chia việc lớn thành những việc nhỏ hơn. Việc càng nhỏ thì càng dễ ước lượng. Có thể là bạn vẫn ước lượng sai, nhưng sự sai lệch giảm nhiều so với việc ước lượng một dự án lớn.

Những quyết định lớn rất khó đưa ra và rất khó thay đổi. Nhất là khi bản ngã và lòng kiêu hãnh chiếm ưu thế thì bạn không thể thay đổi quyết định một cách dễ dàng. Hãy đưa ra những lựa chọn nhỏ để nó chỉ có hiệu quả tạm thời. Khi đưa ra những quyết định nhỏ thì bạn không thể phạm sai lầm lớn, đồng thời bạn có thể thay đổi nếu không phù hợp.

Chương 6 – Đối thủ cạnh tranh

Đừng sao chép

Khi còn đi học, sực bắt chước là một công cụ hữu ích trên con đường khám phá tiếng nói của chính mình. Nhưng xây dựng công ty bằng cách mô phỏng theo một mô hình sẵn có là một công thức dẫn đến thất bại. Khi đơn thuần “cắt dán” bạn sẽ không có sự thấu hiểu, không nhìn thấy được công sức người tạo ra, nó được chôn sâu bên dưới lớp mặt nạ. Bạn sẽ luôn ở thế bị động, không bao giờ dẫn đầu và sẽ luôn đi theo kẻ khác. Hãy chịu ảnh hưởng, nhưng đừng đánh cắp.

Khác biệt hóa sản phẩm

Nếu bạn thành công, người ta sẽ bắt chước những gì bạn làm. Để bảo vệ mình khỏi những kẻ sao chép, bạn hãy biến mình thành một phần của sản phẩm hay dịch vụ để nó thành sản phẩm mà không ai khác có thể làm được.

Zappos đã khác biệt hóa ở khâu dịch vụ khách hàng. Polyface khác biệt hóa bằng sự quan tâm đến môi trường để hướng đến chất lượng thực sự.

Lùi một bước trong cạnh tranh

Hãy cố gắng kém đối thủ một bậc, dành phần khó khăn phức tạp cho đối thủ. Sản phẩm của bạn có thể chỉ thực hiện một tính năng đơn giản, nhưng thực hiện một cách xuất sắc. Hãy làm nổi bật các tính năng mà bạn có và tự hào về nó.

Các đối thủ chẳng đáng cho bạn quan tâm. Hãy tập trung vào bản thân mình, những điều đang diễn ra ở đây quan trọng hơn nhiều so với những điều diễn ra ngoài kia. Bạn không thể loại trừ đối thủ bằng cách đưa ra sản phẩm na ná như họ, tốt hơn một chút. Thế là bạn đã để họ đặt ra luật chơi và bạn không thể nào hạ gục được người đặt luật. Bạn cần đặt lại luật: Họ là họ còn của bạn là của bạn.

Chương 7 – Sự tiến triển

Cứng rắn nói không

Đừng tin vào chuyện “khách hàng luôn luôn đúng”. Hãy tập thói quen nói “không”. Không đáng để làm hài lòng một số khách hàng hay phàn nàn mà phá hỏng sản phẩm của bạn trong mắt nhiều người còn lại. Nhưng đừng nói không một cách ngớ ngẩn. Hãy thành thật, giải thích nguyên nhân tại sao, thuyết phục họ suy nghĩ theo cách của bạn. Thà để cho khách hàng vui vẻ sử dụng sản phẩm của người khác, còn hơn buộc họ sử dụng sản phẩm của bạn trong sự bất bình.

Để khách hàng vươn cao hơn bạn

Khi công ty cố gắng biến đổi sản phẩm theo yêu cầu để làm vừa lòng khách hàng hiện tại, bạn tự đánh mất cơ hội có được các khách hàng mới. Hãy để cho khách hàng vươn cao hơn mình. Số người không sử dụng sản phẩm của bạn luôn nhiều hơn số người đang sử dụng. Hãy đảm bảo bạn giữ cho mọi thứ thật đơn giản, bạn không thể nào biến hóa cho phù hợp với tất cả mọi người. Các công ty cần phải trung thành với một số đối tượng khách hàng nhất định.

Bạn có nhiều ý tưởng mới cộng thêm các ý tưởng từ khách hàng. Hãy hào hứng với chúng nhưng đừng hành động ngay. Hãy để các ý tưởng đó nguội lại, viết ra và xếp chúng theo mức độ ưu tiên bằng cái đầu minh mẫn.

Mang về nhà vẫn dùng tốt

Khi khách hàng mua một sản phẩm mà họ cảm thấy rất hào hứng ngay ở cửa hàng, nhưng họ hụt hẫng sau khi mang về nhà sử dụng. Bạn đừng dùng chiêu thức quảng cáo và marketing để che giấu những trải nghiệm tồi mà khách hàng đã có đối với sản phẩm của bạn.

Các công ty khôn ngoan thì làm điều ngược lại: họ tạo ra sản phẩm khiến khách hàng hài lòng khi đem về nhà. Càng sử dụng họ càng cảm thấy thích thú. Lúc đó, chính họ sẽ chia sẻ với bạn bè về sản phẩm.

Chương 8 – Chiêu thị

Ẩn mặt

Hiện không ai biết bạn là ai. Như thế rất đắc lợi. Lúc này bạn có thể thử nghiệm và nếu phạm sai lầm cũng chẳng ai hay. Hãy tiếp tục tu chỉnh. Hãy tạo ra các điểm nhấn. Hãy kiểm chứng các ý tưởng ngẫu nhiên. Hãy thử những điều mới lạ.

Vì lý do này mà các nhà bán lẻ luôn thử nghiệm sản phẩm của mình ở các thị trường thí điểm. Khi thành công, áp lực duy trì sự ổn định, bạn trở nên bảo thủ hơn và sợ mạo hiểm hơn vì thực sự bạn bị soi mói đến từng chân tơ kẽ tóc.

Xây dựng lực lượng khán thính giả

Tất cả các công ty đều có khách hàng. Nhiều công ty còn có may mắn có người hâm mộ. Có những công ty có cả lực lượng khán thính giả. Khán thính giả có thể là vũ khí bí mật của bạn. Thay vì bạn tìm đến mọi người với các chương trình quảng cáo, tiếp thị tốn kém, bạn làm sao để mọi người phải tìm đến bạn. Khán thính giả sẽ tự tìm hiểu xem bạn có cái gì mới. Hãy chia sẻ những thông tin giá trị thì bạn chắc chắn sẽ xây dựng được lực lượng khán thính giả trung thành.

Chia sẻ kiến thức

Thường các công ty có thể làm quảng cáo, tài trợ cho các sự kiện. Để nổi trội hơn đối thủ, tiết kiệm và hiệu quả hơn, bạn cần chia sẻ kiến thức nhiều hơn với khách hàng về những gì mình biết. Công ty thiết kế đồ họa dạy thiết kế trên trang web. Tiệm rượu Nine Library TV chia sẻ kiến thức về rượu cho khách hàng… Làm như vậy, bạn sẽ hình thành mối dây ràng buộc với khách hàng. Họ sẽ tôn trọng bạn hơn kể cả những người chưa dùng sản phẩm của bạn.

Hãy vén màn hậu trường để mọi người biết cách làm của bạn. Vì con người thích khám phá mọi thứ kể cả những bí mật kinh doanh nho nhỏ. Họ háo hức muốn tham quan nhà máy của bạn. Khi biết bạn đổ biết bao mồ hôi nước mắt và công sức vào sản phẩm, họ sẽ thấu hiểu và tôn trọng hơn những gì bạn đang làm.

Sự chân thành

Đừng ngại để lộ những khuyết điểm. Có khiếm khuyết là lẽ tự nhiên và con người có khuynh hướng tương tác với những gì tự nhiên. Hãy giữ lại tính thơ trong những gì bạn làm. Khi mọi thứ quá bóng bẩy, nó đánh mất phần hồn và hóa cứng nhắc. Hãy đương đầu với những điểm yếu của mình, bạn sẽ gây được cảm tình vì sự chân thành của chính bạn.

Dùng thử trước khi mua

Hãy làm cho chất lượng sản phẩm của bạn tốt đến nỗi người ta phải ước ao có nó ngay khi dùng lần đầu. Đừng e ngại việc cho không vào lúc đầu, biết bao nhiêu ngành nghề có thể hưởng lợi từ phương thức kinh doanh dùng thử trước khi mua. Hãy tự tin với những gì bạn cung cấp.

Công ty bạn có phòng marketing không? Nếu không, tốt đấy. Marketing là việc mà tất cả mọi người thực hiện suốt 24/24. Marketing không chỉ là một vài sự kiện đơn lẻ, nó là tổng hợp tất cả những gì bạn làm.

Thành công trong một sớm một chiều là điều không tưởng. Bạn thường nghe nhiều câu chuyện thành công một sớm một chiều? Sự thật không hẳn là thế đâu. Họ cũng phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” trong nhiều năm trời để tìm được bãi đáp an toàn. Đối với những trường hợp hiếm hoi mà thành công đến ngay thì thường cũng không lâu dài bởi chẳng có nền tảng nào để chống đỡ cho nó cả.

Mỗi khi bạn đã có khách hàng, có bề dày kinh doanh, có lực lượng khán giả của mình, bản thân bạn sẽ cười thầm khi mọi người bàn tán về thành công của bạn.

Chương 9 – Thuê mướn

Hãy tự làm trước

Đừng bao giờ thuê người làm bất cứ việc gì mà bạn chưa thử tự làm trước. Bạn sẽ trở thành nhà quản lý bởi bạn giám sát mọi người thực hiện những việc mà bạn từng làm trước đây. Điều đó giúp bạn khỏi phải quờ quạng trong bóng tối và đặt vận mệnh của mình vào tay kẻ khác, vô cùng nguy hiểm.

Thời điểm thích hợp để thuê người là khi bạn không thể thu xếp và đảm đương mọi việc, chất lượng công việc tuột dốc, bạn không còn khả năng làm việc đó nữa. Nhưng khi có nhân viên nghỉ việc, đừng lấp đầy vị trí ngay. Hãy xem thử liệu bạn có thể duy trì được bao lâu mà không cần đến anh ta.

Đừng thuê những người mà bạn không cần, dù anh ta là một nhân tài hiếm có. Bạn sẽ gây hại cho công ty hơn là hỗ trợ nếu bạn nhận vào một người tài mà chẳng dùng đến. Bạn bắt đầu tạo ra việc để mọi người có việc để làm. Công việc giả tạo sẽ dẫn đến những kế hoạch giả tạo, nhưng mang đến chi phí và sự phức tạp thật.

Tuyển nhân viên

Tất cả chúng ta đều biết các bản sơ yếu lý lịch không đáng tin cậy. Nếu một người đồng thời gửi sơ yếu lý lịch cho hàng loạt công ty, thì bạn hãy loại anh ta ngay. Vì ứng viên ấy không thể nào tìm hiểu về bạn. Đối với anh ta, không có sự khác biệt giữa công ty bạn và các công ty khác. Thư xin việc là một công cụ kiểm tra tốt hơn so với lý lịch. Bạn hãy tin vào trực giác của mình, nếu trực giác bảo đây là một ứng viên tiềm năng thì hãy chuyển qua giai đoạn phỏng vấn.

Yêu cầu về kinh nghiệm là một ý hay, nhưng làm thế nào để kiểm chứng họ đã thực hiện công việc tốt đến mức nào. Điều quan trọng là sự khác biệt thực sự đến từ sự cống hiến, tính cách và trí thông mình của mỗi cá nhân.

Cần biết rằng thế giới của các ứng viên tài năng rất rộng, chứ không chỉ giới hạn trong số những người tốt nghiệp đại học hạng ưu. Hãy chú ý đến các đối tượng khác nữa. Có biết bao nhiêu người tuy học lực không xuất sắc nhưng lại rất thông minh. 90% các CEO của 500 doanh nghiệp đứng đầu Hoa Kỳ không tốt nghiệp từ các trường danh tiếng. Có những kỹ năng tuy hữu dụng ở giảng đường nhưng lại chẳng ứng dụng được trong thực tế.

Thuê nhà quản lý giỏi

Những nhà quản lý giỏi là những người có mục tiêu riêng và biết cách hiện thực hóa những mục tiêu đó. Họ không cần ai hướng dẫn. Bạn hãy nhìn vào những gì họ từng làm. Họ kiểm soát được tình hình ở những công việc cũ. Họ tự điều hành công việc hoặc tự tiến hành một dự án nào đó. Những người như thế sẽ giúp được bạn rất nhiều.

Nếu bạn đang cân nhắc giữa những người cùng khả năng, hãy chọn người có khiếu viết nhất. Dù ở bất cứ công việc gì, vị trí nào thì kỹ năng viết lách của họ cũng sẽ phát huy tác dụng. Kỹ năng soạn thảo văn bản là dấu hiệu của khả năng tư duy logic. Khả năng viết ngày nay chính là phương tiện để có được những ý tưởng hay.

Ngày nay, khoảng cách địa lý đã không còn là vấn đề nữa. Hãy thuê những người giỏi nhất, bất luận họ ở nơi đâu.

Thử việc nhân viên

Bạn cần phải đánh giá công việc mà họ có thể làm ở hiện tại, chứ không phải những việc mà họ đã làm trong quá khứ. Hãy thuê họ làm một dự án nhỏ với thời gian ngắn, hoặc các công việc khác nhau có liên quan đến vị trí mà họ ứng tuyển, bạn sẽ thấy họ có hợp với bạn hay không.

Chương 10 – Kiểm soát thiệt hại

Làm chủ tình huống xấu

Khi có điều gì tồi tệ xảy ra, hãy báo cho khách hàng của mình, đừng nghĩ bạn có thể che giấu. Nếu không, những tin đồn và các thông tin sai lệch sẽ lan truyền nhanh chóng.
Mọi người sẽ tôn trọng bạn hơn nếu bạn cởi mở, chân thật, công khai và có tinh thần trách nhiệm trong cơn khủng hoảng.

Trong dịch vụ khách hàng, việc nhanh chóng tiếp chuyện với khách hàng là việc quan trọng nhất. Mỗi khi bạn giải đáp nhanh chóng, nhiệt thành, cặn kẽ, thể hiện đang lắng nghe tức là bạn đã khác biệt hóa bản thân so với đối thủ, bạn có thể xoa dịu một tình huống bất lợi và biến nó thành một tình huống có lợi, khách hàng sẽ vui vẻ và trở thành cực kỳ lịch sự.

Một lời xin lỗi đúng nghĩa phải bao gồm cả việc nhận lãnh trách nhiệm, cam kết không để sự việc tái diễn. Lời xin lỗi tìm kiếm phương cách sửa chữa sai lầm.

Đặt mọi người ở đầu chiến tuyến

Lắng nghe khách hàng là cách tốt nhất để nắm bắt được thế mạnh và điểm yếu của sản phẩm. Hãy để cho những người trực tiếp làm ra sản phẩm nhận phản hồi từ khách hàng, vì càng thông qua nhiều trung gian thì thông tin từ khách hàng càng sai lệch.

Tĩnh tâm

Mỗi khi bạn giới thiệu một tính năng mới, thay đổi một chính sách hay loại bỏ một điều gì đó, ít nhiều sẽ xuất hiện phản ứng. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn phải làm theo những gì họ muốn. Hãy để cho mọi thứ có thời gian lắng dịu, hãy làm cho họ biết bạn đang lắng nghe. Nhưng đừng khờ dại rút lui khỏi một quyết định gây tranh cãi nhưng rất cần thiết.

Chương 11 – Văn hóa

Bạn không tạo ra văn hóa

Văn hóa là hành động chứ không phải những lời hô hào. Bạn không tạo ra văn hóa, tự nó hình thành. Văn hóa là phụ phẩm của hành vi nhất quán: Nếu bạn khuyến khích mọi người chia sẻ; nếu bạn đánh giá cho sự tin tưởng và đối xử với khách hàng đúng mực, thì sự chia sẻ, sự tin tưởng và sự đối xử đúng mực đó sẽ trở thành một phần nền văn hóa của công ty bạn. Bạn phải cho nó thời gian để lên men đúng độ.

Quyết định chỉ là tạm thời

Khả năng thay đổi phương hướng là một ưu thế của doanh nghiệp nhỏ. Các công ty lớn không thể chuyển mình nhanh như thế. Vì vậy, bạn phải tập trung vào hiện tại trước và lo lắng về tương lai sau. Những quyết định mà bạn đưa ra hôm nay cũng không nhất thiết phải tồn tại mãi, chúng chỉ là tạm thời mà thôi.

Môi trường làm việc

Thay vì thu hút người tài về công ty mình, bạn hãy nghĩ về môi trường làm việc trước đã. Môi trường làm việc tuyệt vời là thể hiện sự tôn trọng đối với người đang làm việc, và sẽ khai mở tài năng tiềm ẩn ở họ. Vì có những tiềm năng còn mắc kẹt trong những chính sách vớ vẩn, phương hướng lệch lạc, thủ tục ngột ngạt đang chờ cơ hội để phát triển.

Khi bạn đối xử và xem mọi người như trẻ con, bạn sẽ nhận kết quả làm việc của trẻ con. Bạn sẽ được điều gì nếu cấm nhân viên thế này, thế nọ. Bạn đưa ra luật lệ, giám sát nhưng chẳng có hiệu quả gì, chỉ tạo mối quan hệ đối đầu giữa nhân viên và sếp.

Không tin tưởng nhân viên - bạn sẽ gây tổn thất lớn. Bạn không cần phải làm việc nhiều giờ, mà cái bạn cần là giờ làm việc có chất lượng. Bạn không nên trông mong công việc là tất cả cuộc sống của một ai đó, bạn đừng làm vậy nếu bạn muốn giữ họ ở lại công ty lâu dài.

Từng qui định một từ từ tiến vào các công ty và dần hình thành nên chính sách. Mỗi một chính sách là một vết sẹo. Đừng tạo sẹo ngay vết cắt đầu tiên; đừng tạo ra chính sách bởi lỗi lầm của một người vừa sai phạm lần đầu. Các chính sách chỉ có ý nghĩa đối với những tình huống cứ lặp đi lặp lại.

Những từ có bốn chữ cái

Có những từ có 4 chữ cái mà bạn không nên dùng trong kinh doanh. Những từ này khi chen vào giữa các cuộc giao tiếp lành mạnh sẽ trở thành sự cảnh báo phá vỡ cuộc đàm phán; tạo ra tình huống khó phân đen trắng. Đó là: need (cần), must (phải), can’t (không thể), easy (dễ dàng), just (chỉ), only (duy nhất) và fast (nhanh).

Bạn cũng nên cẩn trọng với những từ có bà con với các từ trên như: everyone (mọi người), no one (không ai cả), always (luôn luôn) và never (không bao giờ).

Cụm từ “càng sớm càng tốt” ám chỉ tất cả mọi thứ đều được ưu tiên hàng đầu; như thế thì chẳng có gì được ưu tiên cả. Kiểu kích động này chỉ tạo ra sự căng thẳng, gây kiệt sức và thậm chí dẫn đến hậu quả tồi tệ.

Chương 12 – Kết thúc

Tất cả chúng ta đều có ý tưởng

Các ý tưởng là bất tử, chúng luôn trường tồn. Cái không tồn tại mãi là nguồn cảm hứng, nó như trái cây mới hái, đều có ngày hết hạn.

Nếu muốn làm một việc gì đó, bạn phải thực hiện ngay, nếu chần chừ bạn sẽ mất đi hứng thú.

Nguồn cảm hứng là một điều kỳ diệu, một cỗ máy khuếch đại năng suất làm việc, một nguồn động lực, nó không chờ đợi bạn đâu, vì nó là một thứ tức thời. Nếu nó xuất hiện, hãy nắm chặt ngay lập tức.

(Bài được thực hiện với sự hợp tác của nhuongquyenvietnam.com)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khác biệt - Phương cách đương đầu với thử thách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO