Khả năng cung ứng thực phẩm bình ổn cho doanh nghiệp “3 tại chỗ” như thế nào?

Hồng Nga| 20/07/2021 00:10

Doanh nghiệp TP.HCM đang thực hiện “3 tại chỗ” đối diện với nhiều khó khăn, một trong số đó là vấn đề lo bữa ăn cho công nhân. Doanh Nhân Sài Gòn đã liên hệ với các DN đang thực hiện nhiệm vụ bình ổn, cung ứng thực phẩm của TP, nhưng mỗi nơi đều đưa ra một lý do khiến việc cung cấp thực phẩm tới nhà máy, xí nghiệp thực hiện 3T chưa thể triển khai được…

Khả năng cung ứng thực phẩm bình ổn cho doanh nghiệp “3 tại chỗ” như thế nào?

Dù đã tăng công suất gấp đôi, gấp ba so với trước nhưng doanh nghiệp phực phẩm vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu của nhiều doanh nghiệp "3 tại chỗ" hiện nay

Các DN cung ứng thực phẩm bình ổn quá tải

Vừa trở về từ khu “cắm trại” của hơn 150 công nhân nhà máy trứng gia cầm V.Food tại Q. 12, ông Trương Chí Thiện - Tổng giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, cho biết hai ngày qua điện thoại của ông liên tục đổ chuông với những đơn đặt hàng trứng gia cầm của các DN thuộc Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza). 

“Họ đặt 5 hộp trứng gà, 10 hộp trứng vịt nhưng chúng tôi phải từ chối. Tôi khuyên họ nên đến các điểm bán bình ổn gần công ty hoặc đặt hàng các siêu thị. Nếu trong điều kiện không dịch bệnh chúng tôi có thể đáp ứng nhưng nay thì quá tải rồi…”, ông Trương Vĩnh Thiện nói.

Hiện tại, nhân viên và các dây chuyền làm trứng truy xuất nguồn gốc của ông Thiện đã chạy hết công suất để cung ứng trứng gia cầm cho hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và các điểm bán bình ổn giá TP.HCM. Và dù lượng trứng cung ứng ra thị trường đã tăng gấp đôi, gấp ba so với thời điểm trước dịch nhưng vẫn chưa đủ cho nhu cầu hiện nay. Điều đáng nói là nhân sự hiện tại của công ty chỉ có thể đáp ứng được các đơn hàng của những khách hàng cũ, không thể mở rộng cho những khách hàng mới.

“Nhân sự đang rất thiếu nhưng công ty không dám tuyển mới vì giờ phải làm việc tập trung và người lao động tiêm vaccine nên người bên ngoài nếu chưa tiêm thì không dám tuyển”, ông Thiện chia sẻ. 

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Công ty CP Ba Huân. Mấy ngày qua, công ty này cũng nhận được nhiều đề nghị đặt mua hàng từ các DN sản xuất “3 tại chỗ” ở TP.HCM nhưng phải từ chối vì nguồn hàng cho các điểm bán hàng bình ổn giá của TP.HCM do Ba Huân phụ trách vẫn chưa đáp ứng thực tế nhu cầu.

“Chúng tôi đang huy động toàn lực, tập trung nguồn cung ứng cho các kênh bán lẻ như Co.opmart, Co.opXtra, Satra, MM Mega Market, Vissan… Hiện nay, nhu cầu mua hàng từ những đơn vị này đã tăng gấp đôi so với trước. Vì thế, những đơn hàng nhỏ lẻ từ các DN sản xuất đặt hàng theo kiểu này rất khó để đáp ứng”, ông Phạm Thanh Hùng - Giám đốc Công ty CP Ba Huân cho biết.

Vissan-7228-1626675728.jpg

Hơn 1.300 công nhân của Vissan đang "cắm trại" tại nhà máy để cung ứng thực phẩm cho người dân trong những ngày giãn cách xã hội

Cũng bị thiếu nhân sự vì số lao động sống trong khu vực phong toả, rồi số lượng F1, F2… phải đi cách tập trung khá nhiều nên Vissan phải tăng ca mới có thể đáp ứng được nhu cầu của người dân TP.HCM. Để có thể đưa ra thị trường trường 100 - 120 tấn thịt tươi sống và 120 tấn thực phẩm chế biến mỗi ngày (tăng hơn gấp đôi so với trước đây) như hiện nay, đã 3 tuần nay (từ ngày 24/6) cả ban lãnh đạo và hơn 1.300 người lao động Vissan đã gồng mình và “cắm trại” ở nhà máy tại Bình Thạnh.

“Điều quan trọng là chúng tôi đã tập trung người lao động lại một chỗ và kiểm soát được dịch bệnh, không bị tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, công ty cũng đối diện với trăm bề khó khăn. Để lo được chỗ ăn, chỗ ngủ cho hơn 1.300 con người không phải là vấn đề nhỏ. Công nhân thì 9 người 10 ý nên rất khó đáp ứng tốt được cho tất cả. Rồi nhiều người lạ chỗ không ngủ được dẫn đến năng suất lao động thấp…”, đại diện Công ty Vissan cho biết.

Khó khăn cung ứng thực phẩm bình ổn cho doanh nghiệp 3T

Ông Thiện cho rằng, rất chia sẻ với những khó khăn mà các DN đang gặp phải nhưng để lo luôn cả nguồn hàng cho các DN đang sản xuất 3T của TP.HCM là điều không khả thi. Vì “các DN lo đủ nguồn hàng cho các điểm bình ổn trong thời điểm hiện này đã là rất cố gắng.

Hiện, các chợ đầu mối, chợ truyền thống, chợ tạm ngưng hoạt động nên khách hàng đổ dồn vào các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và các điểm bán bình ổn giá nên nhu cầu tăng cao. Mặc dù nỗ lực hết sức nhưng nguồn nhân sự hiện nay của công ty đã “đuối”. Tuy vậy, công ty vẫn phải có gắng để thực hiện trách nhiệm với những nhà phân phối lâu năm. "Nay nếu yêu cầu phải lo cho từng DN nhỏ nữa thì thực sự không phục vụ nổi”, ông Trương Chí Thiện thừa nhận.

Không thể đáp ứng yêu cầu của số khách hàng mới này, các DN ngành thực phẩm TP.HCM còn gặp khó khăn khi chi phí sản xuất đội lên cao quá cao. Theo tính toán của lãnh đạo Vissan, tất cả các chi phí cho sản xuất đều tăng gấp 2-4 lần so với trước đây. “Trước đây, mỗi ngày công ty chỉ lo ngày 1 bữa ăn cho 1.300 công nhân nhưng nay phải tăng lên 4 bữa ăn/ngày. Đã vậy, tiền điện, tiền nước cũng tăng gấp đôi so với trước… Chi phí tăng cao nhưng công ty không thể tăng giá, phải chấp nhận hy sinh lợi nhuận để bình ổn giá thị trường, đáp ứng tốt nhu cầu thực phẩm của người dân thành phố”, đại diện Vissan cho biết.

Trong lĩnh vực chăn nuôi và kinh doanh trứng gia cầm, theo chia sẻ của ông Phạm Thanh Hùng, công ty còn đối diện với giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Với hơn 2 triệu con gà đẻ trứng và hơn 1 triệu con gà thịt, mỗi ngày Ba Huân cung ứng cho thị trường bình ổn giá hàng triệu quả trứng gà. Thế nhưng, do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao trong khi giá bán không thể điều chỉnh khiến lợi nhuận của công ty giảm mạnh.

Bên cạnh việc bị giảm lợi nhuận, các DN thực phẩm còn đối diện khó khăn về logistic.

“Mỗi địa phương thực hiện mỗi kiểu, rồi những người trực tiếp thực hiện thì làm máy móc khiến DN khó khăn trong khâu vận chuyển. Mà một khi khâu vận chuyển bị đứt gãy thì làm sao có thể có nguồn thực phẩm cho các DN, công ty. Khi đó, DN mua thực phẩm phải đối diện với nhiều trở ngại như việc vận chuyển nguyên liệu chế biến không kịp tiến độ, chất lượng nguồn hàng không tốt, giá cao… Vì vậy, các DN càng khó khăn hơn khi các đối tác bên ngoài cung ứng nguyên vật liệu để nấu ăn cho công nhân từ khoảng 500 người trở lên”, lãnh đạo Vissan lo ngại.

Ba-huan-7372-1626675729.jpg

Các DN thực phẩm vừa sản xuất trong điều kiện "3 tại chỗ" vừa test Covid-19 mỗi tuần

Hiện nay, việc cung ứng đã khó, khi cả 19 tỉnh-thành phía Nam cùng thực hiện CT 16 lại càng khó cho các DN cung ứng hàng thực phẩm. Vì những ngày qua, nguồn thực phẩm thiết hụt vì ngay ở những tỉnh, địa phương mà nơi cung cấp nguồn hàng này cũng bị tình trạng giãn cách xã hội. Chính các địa phương cũng bị thiếu hụt nhiều nên họ phải ưu tiên cho địa phương trước.

Vì vậy, trước nhu cầu về thực phẩm khi DN thực hiện “3 tại chỗ, ông Thiện cho rằng: “Cách tốt nhất là các DN nên tìm đến các đơn vị cung cấp thực phẩm chuyên nghiệp như bếp ăn tập thể. Nếu mỗi một đơn vị cung cấp một món theo kiểu người rau, người thịt, người trứng… thì rất khó để phối hợp”. 

Nói thêm về vấn đề này, đại diện Vissan cho rằng: “Để giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn hàng, theo tôi, có hai việc cần làm. Thứ nhất, khi có chỉ thị mới cần thông tin kịp thời, nhanh chóng cho người dân không hoang mang. Thứ hai, người dân hết sức bình tĩnh, hợp tác với chính quyền địa phương để được đáp ứng tốt nhất trong điều kiện dịch bệnh”.

Dù rất khó khăn nhưng một số doanh nghiệp thực phẩm có dây chuyền sản xuất khép kín cho biết sẽ cố gắng đáp ứng được đơn hàng của các DN 3T của TP.HCM.

"DN nào muốn mua thịt heo, bò cứ đến Vissan nhưng đừng làm khó chúng tôi là phải cắt thịt ra theo từng gram hay cắt theo kiểu này, kiểu kia. Để thuận tiện cho cả hai bên, các DN nên có kế hoạch mua hàng dài hạn, ít nhất là theo từng tuần. Như vậy, chúng tôi sẽ chở hàng đến tận nơi”, đại diện Vissan cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khả năng cung ứng thực phẩm bình ổn cho doanh nghiệp “3 tại chỗ” như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO