Xem kịch, thấy đời

DƯƠNG KIM THOA| 17/02/2014 04:55

Vở kịch “Thiên Thiên” của đạo diễn Việt Linh là sự xâu chuỗi nhiều câu chuyện, mà thực chất là nhiều cảnh đời, nhiều mặt của đời sống xã hội đương đại được “điển hình hóa” trên sân khấu.

Xem kịch, thấy đời

Vở kịch “Thiên Thiên” của đạo diễn Việt Linh là sự xâu chuỗi nhiều câu chuyện, mà thực chất là nhiều cảnh đời, nhiều mặt của đời sống xã hội đương đại được “điển hình hóa” trên sân khấu.

Một cảnh trong kịch "Thiên Thiên"
Xem kịch thấy đời và hiểu đạo diễn

Xem kịch, người ta thấy những con người đang bị quay cuồng trong vòng xoáy danh lợi. Họ tìm mọi cách để có được danh tiếng, địa vị, bất chấp thủ đoạn. Người ta cũng thấy những người chồng ích kỷ, chỉ coi vợ là ô-sin cao cấp. Và tương ứng, lại có những người vợ nhẫn nhịn, cam chịu, ôm trong lòng những khối hận có thể nổ tung bất cứ lúc nào.

Xem kịch, lại cũng thấy những đứa trẻ “có rất nhiều nhưng lại không có những thứ mình cần”. Chúng thèm được bố mẹ quan tâm, lắng nghe, thèm những bữa ăn có đủ mọi thành viên trong gia đình.

Xem kịch, ta còn gặp những cô gái quê còn giữ được phẩm chất tử tế, đàng hoàng, kiên quyết không chịu nhục trước cám dỗ bạc tiền. Chuyện của những gia đình mà vợ chồng không còn khả năng nói chuyện với nhau. Chuyện những người đàn ông sẵn sàng dựng chuyện để ruồng rẫy vợ,…

Có vẻ như chừng ấy chuyện chưa phải là tất cả. Nhưng nó là một phần rất lớn, rất nổi bật, đang diễn ra của cuộc sống đương đại. Xem kịch, khán giả hiểu chuyện đời. Và dĩ nhiên, hiểu luôn những gì đạo diễn đau đáu trong lòng.

Đạo đức nhân tâm, rốt cuộc vẫn là điều làm những trí thức như Việt Linh trăn trở. Người ta đang tự hào vì theo kịp, thậm chí vượt trước văn minh. Nhưng liệu trong số bao nhiêu người đang đắc thắng, tự hào kia, giật mình vì sự thụt lùi, thậm chí sụt toang của nhiều giá trị đạo đức? “Trí thức mà không nói được thì đau lắm”, đó có phải cũng là tâm trạng của đạo diễn?

Giá trị của sự biết lắng nghe?

Trải theo vở kịch, Thiên Thiên là một nhân vật gần như chỉ lắng nghe. Chị không hỏi, không đánh giá hay xét đoán người kể chuyện. Nhưng chị nói những lúc cần, thậm chí thúc giục, gào thét nếu điều đó thực sự tốt cho những người bất hạnh tìm tới chị.

Không dưới ba lần trong vở diễn, việc Thiên Thiên bỏ thời gian để lắng nghe người khác “miễn phí” được nhắc lại qua lời các nhân vật. Ai cũng muốn mình được lắng nghe, nhưng dường như trong nhịp sống hôm nay, người ta càng ngày càng không có thời gian dành cho cái việc “xa xỉ” gọi là “nghe người khác” ấy.

Thiên Thiên không phải một nữ thánh. Chị cũng không phải chuyên gia tâm lý. Chị chỉ có một điểm khác biệt duy nhất: sẵn sàng mở lòng lắng nghe những băn khoăn, đau khổ, những day dứt, tội lỗi của người khác mà không tò mò, xét đoán, kết tội. Khát vọng được người khác “nghe” trong tâm thế ấy có phải là khát vọng chung, và cũng là lớn nhất, trong mỗi chúng ta?

Và có phải, rất rất nhiều những hệ lụy đau khổ trong cuộc sống này đều nảy sinh từ việc ta không chịu lắng nghe nhau, lắng nghe một cách thực sự? Bởi thế mà cha mẹ không hiểu con cái, vợ chồng rơi vào cảnh “em nói đông – anh nói tây, em nói sông – anh nói ao”, đồng sàng dị mộng…

Những tìm tòi của đạo diễn

Một vở kịch nhiều xung đột, nhưng thực sự lại không hề xung đột, đó là sự thật. Bởi những xung đột trong từng câu chuyện của các nhân vật liên quan thì có, nhưng chúng không hề liên đới nhau theo quan hệ nhân – quả, không có tác động làm thúc đẩy sự phát triển của kịch mà chỉ tự giải quyết mâu thuẫn trong khuôn khổ riêng.

Thiên Thiên cũng là vở kịch rất ít hành động. Cái để diễn viên bộc lộ tài năng không nhiều và quả thực rất khó, khi nó là: ánh mắt, cử chỉ, điệu bộ, và đặc biệt là… nói! Lời thoại trong kịch rất gần với lối thoại của kịch cổ điển. Do đó, ngôn ngữ kịch gần với văn học hơn ngôn ngữ đời sống. Nói thế nào để “ra” được cái chất người đạo diễn muốn, đó không phải chuyện đơn giản.

Ê kíp làm kịch "Thiên Thiên"

Những người thích suy ngẫm và triết lý hẳn sẽ thích phần lời thoại trong kịch “Thiên Thiên” với những câu như: “Khóc có người xem vẫn sướng hơn”; “Việc chú đổ oan cho cháu ăn trộm tiền, nói xin lỗi chú, cũng giống như có người đái vào dòng sông. Nhưng không vì thế mà dòng sông bị bẩn thỉu, ô uế đi. Bà cháu nói, lòng sông rộng lắm!”; “Ông bây giờ danh lợi thế rồi thì đâu còn sợ gì người lạ nữa, ông chỉ tránh né những người thân thôi”; “Những bất hạnh lớn luôn cần nhân chứng”; “Những bí mật lớn luôn sợ ánh sáng”; “Khi ta tuyệt vọng, ta hãy nghĩ tới những người đang hy vọng về ta”; v.v… Còn nhiều những câu như thế nữa trong kịch. Nó cho thấy sự chăm chút rất kỹ lưỡng của tác giả kịch bản. Nó khiến người xem không thể để những câu như thế truội qua tâm trí mình.

Đạo diễn đã tính toán rất kỹ khi mời nữ diễn viên Minh Trang vào vai Thiên Thiên. Một giọng Bắc duy nhất, lại là giọng Hà Nội chuẩn, giữa một dàn diễn viên miền Nam, là cách tạo điểm nhấn và khác biệt cần thiết, gây ấn tượng với người xem.

Xem kịch “Thiên Thiên”, có phóng viên đã gọi đó là vở kịch “chắp cánh cho những nỗi buồn”. Đó có lẽ cũng là một mạch cảm nhận của nhiều người, bởi ở vở kịch, ngoài một vài cảnh hài hước có tác dụng thay đổi tiết điệu, cảm xúc, dòng mạch chính vẫn là những cảm xúc, tâm trạng, những nỗi buồn, thậm chí nỗi đau và sự tuyệt vọng.

Và đúng như slogan trên poster của vở kịch ngay từ những ngày trước Tết nguyên đán: “Không kể một câu chuyện mà để lại một cảm xúc”, “Thiên Thiên” thực sự đã tạo được cảm xúc cho người xem qua cách vở kịch đến với họ.

>>Thiên Thiên: Điểm khởi đầu cho kịch đương đại?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xem kịch, thấy đời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO