Thứ Năm là ngày tốt nhất để... cướp nhà băng?

BÍCH TRÂM tóm tắt| 17/12/2016 04:30

Nếu thành công, những tay cướp nhà băng ở Mỹ kiếm được trung bình 4.120 USD. Nhưng 35% trường hợp họ sẽ bị bắt.

Thứ Năm là ngày tốt nhất để... cướp nhà băng?

Khi nào cướp nhà băng (When to rob a bank) là cuốn sách tổng hợp những nội dung chọn lọc từ trang blog Freakonomics.com của hai tác giả Steven D. Levitt và Stephen J. Dubner.

Suốt nhiều năm, Steven D. Levitt - Giáo sư Kinh tế học của Đại học Chicago và Stephen J. Dubner – biên tập viên của tờ The New York Times – đã cảm thấy vui sướng vô hạn khi biến những suy nghĩ “xỏ xiên” của mình thành bài viết và hy vọng độc giả sẽ thích thú khi "ghé mắt" vào đầu óc họ để nhìn thế giới qua lăng kính kinh tế học hài hước.

Dưới đây là phần tóm tắt những bài viết trong Khi nào cướp nhà băng - cuốn sách "lan man, lạ lùng, nhưng đáng kinh ngạc":

Điều gì xảy ra nếu các thư viện công cộng không tồn tại?

Giới viết lách thường truyền tai nhau một câu chuyện dở khóc dở cười. Tại buổi ký tặng sách, một người đến trước mặt tác giả hồ hởi nói: “Ôi, tôi thích sách của anh lắm, tôi đọc nó ở thư viện, rồi tôi đã bảo tất cả bạn bè đến đó đọc!”. Tác giả nghĩ trong đầu: “Quý hóa quá, sao anh không mua lấy một cuốn đi?”.

Thư viện đã mua, tất nhiên. Nhưng giả sử, trong vòng đời của cuốn sách đó, có 50 người sẽ đọc nó. Nếu thư viện không có cuốn sách ấy, chắc chắn không phải tất cả 50 người kia đều chạy ra hiệu sách mua nó.

Nếu không có cái gọi là thư viện công cộng, chuyện gì sẽ xảy ra? Đó sẽ là một đòn đáp trả mạnh mẽ của các nhà xuất bản sách. Với tình trạng hiện thời của cuộc tranh luận về tài sản trí tuệ, bạn có thể hình dung ra các nhà xuất bản hiện đại sẵn lòng bán một bản in, rồi để chủ sở hữu bản in đó cho một số lượng không giới hạn người lạ mượn nó không? Tôi cho là không. Có lẽ họ sẽ đưa ra một thỏa thuận cấp phép: cuốn sách nếu mua thì có giá 20 USD, cộng thêm 2 USD mỗi năm cho những năm tiếp theo. Tôi chắc rằng còn nhiều kiểu sắp xếp tiềm năng khác.

Và tôi cũng chắc chắn không kém rằng, giống như nhiều hệ thống phát triển theo thời gian, hệ thống thư viện cũng là hệ thống mà nếu được xây dựng mới từ đầu, nó sẽ không hề giống như hiện tại.

Xóa bỏ biên chế trong học thuật?

Nếu từng có thời việc xét biên chế cho các giảng viên kinh tế là hợp lý, thì thời đó chắc chắn đã qua. Điều tương tự cũng có thể đúng với các ngành học khác ở trường đại học và thậm chí có thể còn đúng hơn nữa với các giáo viên phổ thông và trung học.

Vậy biên chế có vai trò gì? Nó làm méo mó nỗ lực của con người, đẩy họ vào cảnh khi mới khởi đầu sự nghiệp thì có động cơ mạnh mẽ nhưng rồi sau này chỉ còn lại động cơ yếu ớt.

Ta có thể hình dung ra một vài mô hình trong đó cấu trúc động cơ này có vẻ hợp lý. Chẳng hạn, một người thường cố gắng học hỏi nhiều thông tin để nâng cao năng lực, nhưng khi người đó đã nắm trong tay kiến thức, kiến thức đó sẽ không bị mai một và nỗ lực chẳng còn là yếu tố quan trọng. Mô hình này có thể là mô tả chính xác cho việc học đi xe đạp, nhưng sẽ là một mô hình tồi tệ trong học thuật.

Từ quan điểm xã hội mà nói, việc động cơ của một người trở nên quá yếu ớt sau khi người đó được vào biên chế có vẻ là chuyện tệ hại. Những nhân viên được vào biên chế chẳng làm gì (hoặc chí ít là không làm những việc mà họ được trả lương để làm).

>>Kho ebook Doanh Nhân Sài Gòn

Chế độ biên chế đã hoàn thành tốt việc bảo vệ những học giả “ăn không ngồi rồi” hoặc có chất lượng làm việc kém, nhưng trong kinh tế liệu có thứ gì chất lượng cao mà lại gây tranh cãi tới độ sẽ đẩy một học giả tới chỗ bị sa thải? Vả lại nói cho cùng, đó chính là mục đích tồn tại của thị trường. Nếu một tổ chức sa thải một học giả với lý do chủ yếu vì họ không thích cách tiếp cận của người đó, thì sẽ có những trường khác muốn tuyển học giả đó về.

Hãy hình dung một nơi mà bạn quan tâm đến hiệu quả hoạt động, ví dụ như một đội bóng chuyên nghiệp hay một hãng giao dịch tiền tệ. Ở những ngành này, bạn chẳng nghĩ đến việc cho ai vào biên chế. Vậy tại sao chúng ta lại làm vậy trong môi trường học thuật?

Nếu Đại học C báo với tôi họ sẽ xóa biên chế của tôi nhưng tăng thêm 15.000 USD tiền lương, tôi sẽ sẵn lòng chấp nhận thỏa thuận này. Và tôi chắc chắn nhiều người khác cũng vậy.

Bằng cách loại bỏ một thành viên không năng suất trong đội ngũ giảng viên theo biên chế trước kia, trường đại học có thể bù lương cho 10 giảng viên khác với khoản tiền tiết kiệm được.

Ý tưởng về một cơ chế bỏ phiếu mới

Không giống như hầu hết mọi người, các nhà kinh tế thường thờ ơ với chuyện chính trị nói chung và chuyện bỏ phiếu nói riêng. Theo cách nhìn của họ, cơ hội phiếu bầu của một cá nhân có tác động đến kết quả của cuộc bầu cử là rất nhỏ.

Thế nhưng Glen Weyl – đồng nghiệp của tôi – đã đề cập đến một ý tưởng bằng những lời lẽ đơn giản và duyên dáng đến độ khiến tôi phải kinh ngạc vì trước đó chẳng ai nghĩ đến nó.

Theo cơ chế bỏ phiếu của Glen, tất cả cử tri đi bầu có thể bỏ bao nhiêu phiếu tùy thích. Điểm mấu chốt ở đây là bạn sẽ phải trả tiền cho mỗi lần bỏ phiếu và số tiền phải trả là kết quả bình phương của số phiếu mà bạn bầu. Do đó, mỗi phiếu bạn bầu thêm sẽ có chi phí cao hơn phiếu bầu trước đó.

Giả dụ bạn phải trả 1 USD cho phiếu bầu đầu tiên. Khi đó, lần bỏ phiếu thứ 2 sẽ có giá 4 USD, lần bỏ phiếu thứ 3 sẽ có giá 9 USD, lần thứ 4 là 16 USD… Bất kể bạn thích một ứng viên nhiều đến mức nào, cuối cùng bạn sẽ vẫn chọn một số lần bỏ phiếu hữu hạn.

Cơ chế bầu bán này có điểm gì đặc biệt? Mọi người rốt cuộc sẽ bầu theo tỷ lệ tương ứng với mức độ quan tâm của họ đối với kết quả bầu cử. Hệ thống này không chỉ cho thấy bạn ưu ái ứng viên nào hơn mà còn cho thấy xu hướng ưu ái đó mạnh đến độ nào.

Cơ chế này có thể bị chỉ trích vì nó thiên vị người giàu. Ở cấp độ nào đó, nó đúng trong mối tương quan với hệ thống hiện tại. Có thể đây không phải là luận điểm được lòng người, nhưng có một điều mà nhà kinh tế có thể đảm bảo, đó là người giàu tiêu dùng mọi thứ nhiều hơn, vậy thì tại sao họ không được tiêu dùng ảnh hưởng chính trị nhiều hơn?

Trong hệ thống đóng góp cho chiến dịch tranh cử hiện tại, người giàu đã sẵn có ảnh hưởng lớn hơn hẳn so với người nghèo. Vì vậy, việc hạn chế chi tiêu cho chiến dịch tranh cử kết hợp với cơ chế bỏ phiếu này có thể còn dân chủ hơn nhiều so với hệ thống hiện tại của nước Mỹ.

Trong đời sống hằng ngày, cơ chế bỏ phiếu này còn phát huy hiệu quả khi có nhiều người cố gắng lựa chọn giữa 2 phương án. Ví dụ, giữa một nhóm người đang cố quyết định nên đi xem bộ phim nào hay nên đi ăn ở nhà hàng nào, giữa những người sống cùng nhà đang xem xét mua chiếc TV nào trong 2 chiếc TV… Trong những bối cảnh đó, số tiền thu được từ những người bỏ phiếu sẽ được chia đều và sau đó được hoàn trả cho những người tham dự.

Tại sao giá nhà sụt giảm chẳng mấy đau đớn?

Theo chỉ số giá nhà S&P/Case-Shiller, giá nhà ở Mỹ năm 2007 giảm khoảng 6%. Nghĩa là những người sở hữu nhà đã mất khoảng 720 tỷ đô la. Tuy nhiên, có rất nhiều lý do có thể giải thích cho việc tại sao việc mất tiền cho một tài sản như ngôi nhà chẳng mấy đau đớn.

Trước tiên, tổn thất đó không hữu hình, bởi chẳng ai thực sự biết ngôi nhà của mình đáng giá bao nhiêu.

Thứ hai, người ta sẽ ít đau đớn hơn khi tất cả những người khác cũng bị mất giá nhà như mình. Tôi từng nghe một người giàu nói rằng ông ta chẳng quan tâm đến sự giàu có tuyệt đối của mình, mà chỉ quan tâm xem thứ hạng của ông trong danh sách những người giàu nhất trên Forbes là bao nhiêu.

Thứ ba, bạn thật ra chẳng thể trách mình khi giá nhà giảm.

Thứ tư, việc một tên trộm lấy được tiền của bạn sẽ khiến mọi việc tồi tệ hơn so với việc số tiền đó tự dưng bốc hơi, khi giá nhà giảm.

Và có lẽ còn nhiều lý do khác nữa. Khái quát hơn, nhà kinh tế Richard Thaler đã đưa ra cụm từ “tài khoản tâm trí” để mô tả cách thức mà mọi người dường như coi những tài sản khác là không thể thay thế được, dù về nguyên tắc có vẻ đáng ra chúng nên như thế.

Mặc dù những người bạn là chuyên gia kinh tế thường chế nhạo tôi về chuyện này, song tôi chắc chắn có sử dụng “tài khoản tâm trí” cho mình. Với tôi, 1 đô la thắng được khi chơi bài có ý nghĩa hơn nhiều so với 1 đô la kiếm được khi thị trường chứng khoán lên giá. Và tương tự, 1 đô la mất đi khi chơi bài cũng đau đớn hơn nhiều.

Bài kinh tế học cơ bản từ Pete Rose

Pete Rose từng ký lên một loạt quả bóng chày với câu đề tặng “Xin lỗi tôi đã tham gia cá độ”. Theo tin tức truyền thông, anh tặng những quả bóng này cho bạn bè và không có ý định bán chúng để kiếm lãi.

Tuy nhiên, một người bạn được tặng bóng đã quyết định đem đấu giá 30 quả bóng này. Có suy đoán rằng họ sẽ bán được hàng nghìn đô la.

Đúng lúc đó, Rose ra mặt và tặng cho chúng ta một bài cơ bản về kinh tế: miễn là có những mặt hàng thay thế, giá sẽ không quá cao.

Khi nghe nói những quả bóng kia được đem ra đấu giá, Rose chào bán những quả bóng với dòng đề tặng tương tự với giá chỉ 299 USD, phá hỏng thị trường của những quả bóng sắp được đem ra đấu giá. Đúng là những quả bóng mới được ký không phải là những món hàng thay thế hoàn hảo, bởi người sưu tập vẫn có thể tuyên bố rằng mình đang giữ 1 trong 30 quả bóng gốc.

Vì lý do đó, ta sẽ không mong giá của những quả bóng cũ kia sẽ giảm một mạch xuống còn 299 USD. Thực tế là cuộc đấu giá đã bị hủy, nhưng những quả bóng vẫn được bán cho những chủ mới với giá 1 nghìn đô la mỗi quả.

Giá mà Thượng đế được doanh nghiệp bảo trợ

Khi thế giới được tạo ra, không biết Thượng đế sẽ giàu có đến độ nào nếu bán quyền đặt tên cho cỏ cây, muông thú và khoáng sản?

Trong khi Thượng đế phải làm việc quần quật suốt thời những doanh nghiệp bảo trợ chưa xuất hiện thì đội bóng chày chuyên nghiệp Mỹ Chicago White Sox lại may mắn hơn nhiều. Đội này từng tuyên bố trong 3 mùa giải tiếp theo, các trận đấu của Đội trên sân nhà vào các buổi tối sẽ bắt đầu vào lúc 7h11 thay vì 7h5 hoặc 7h35 như thường lệ. Bởi chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven đã trả Đội 500 nghìn đô để làm thế.

Tôi phải thừa nhận rằng có điều gì đó đặc biệt sáng tạo ở việc đóng dấu giá trị lên thời gian, đặc biệt là khi bạn có thể nắm lấy giá trị đó vì lợi ích của riêng mình.

Động cơ phi tài chính trong công việc

Một buổi tối, chúng tôi đi ăn ở một nhà hàng khá đắt đỏ. Khi xem thực đơn, người phục vụ bàn cho chúng tôi biết có món cá hồi rất ngon và có thể chúng tôi cũng muốn thử món bánh atisô nướng.

Không ai trong chúng tôi gọi 2 món đó. Khi thu lại thực đơn, người phục vụ hỏi lại một lần nữa, lẽ nào chúng tôi không muốn cho món bánh atisô nướng một cơ hội hay sao. Một người trong chúng tôi hỏi liệu có lý do đặc biệt gì khiến cô muốn chúng tôi thử nó đến vậy không.

Cô thành thực trả lời, nhà hàng đang có một chính sách, rằng người phục vụ nào thuyết phục được khách hàng dùng nhiều món bánh atisô nướng và cá hồi khai vị nhất trong đêm sẽ được thưởng thức miễn phí một phần món tráng miệng mới. Chúng tôi thưởng cho phương pháp tạo động cơ sáng tạo của nhà hàng bằng cách gọi thêm món bánh atisô nướng.

Sau đó trong bữa ăn, tôi hỏi người phục vụ liệu nhà hàng có tạo động cơ cho đội phục vụ bán những sản phẩm nhất định thường xuyên không. Cô cho biết trước đó, nhà hàng đã treo thưởng 100 USD cho người bán được nhiều đơn hàng nhất cho một loại cá nhất định.

“Chà, 100 USD đó chắc phải làm cô bồn chồn muốn giật giải lắm nhỉ?”, tôi thốt lên. “Thật ra thì, tôi hứng thú với món tráng miệng hơn”, cô đáp.

Một chiến thắng cho động cơ phi tài chính!

Hoan hô giá xăng cao!

Suốt một thời gian dài, tôi luôn cảm thấy giá xăng dầu ở Mỹ quá thấp. Khá nhiều nhà kinh tế tin điều này và cũng tin vào việc cần tăng mạnh thuế xăng dầu.

Lý do chúng ta cần tăng thuế xăng dầu là vì việc lái xe của tôi có liên quan đến đủ loại chi phí mà tôi không phải bỏ ra một xu. Có ai đó đã trả chúng. Các nhà kinh tế học gọi đây là “tác động ngoại hiện âm”. Vì tôi không phải trả toàn bộ chi phí lái xe của mình nên tôi lái xe rất nhiều.

Điều lý tưởng ở đây là chính phủ có thể khắc phục vấn đề này thông qua mức thuế xăng dầu giúp điều chỉnh động cơ lái xe riêng tư của tôi với chi phí xã hội đi kèm việc lái xe đó.

>>5 cuốn sách được tỷ phú Bill Gates yêu thích nhất năm 2016

Việc lái xe có thể có 3 tác động ngoại hiện âm như sau:

- Làm tăng tình trạng tắc nghẽn giao thông đối với những lái xe khác
-Tôi có thể đâm vào xe khác hoặc người đi bộ
- Góp phần gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu

Giá xăng dầu đóng vai trò như thuế, trừ việc chúng dễ luân chuyển hơn và thêm doanh thu cho các nhà sản xuất, chiết xuất và phân phối xăng dầu thay vì vào két chính phủ.

Quan điểm của tôi là thay vì phàn nàn giá xăng dầu cao, chúng ta nên ăn mừng vì điều đó!

Khi nào nên cướp nhà băng?

Tôi từng đọc một bài báo về một người đàn ông cướp 6 nhà băng ở New Jersey nhưng anh ta chỉ đi cướp vào ngày thứ Năm. Có lẽ anh ta biết điều gì đó về cách thức kinh doanh của các nhà băng, có lẽ ông thầy chiêm tinh xem cho anh ta đã bảo rằng thứ Năm là ngày may mắn, hoặc có lẽ ngày đó đơn giản là phù hợp với lịch hành động của anh ta.

Bất kể thế nào nó cũng gợi tôi nhớ đến một câu chuyện từng nghe trong chuyến đi gần đây đến Iowa, về một nhân viên nhà băng địa phương tên Bernice Geiger. Bà này bị bắt giữ vào năm 1961 vì biển thủ hơn 2 triệu đô la suốt nhiều năm trời. Tình cờ làm sao, ngân hàng lại thuộc sở hữu của cha bà.

Đến khi bị bắt, Geiger được cho là đã kiệt sức. Bởi bà chẳng bao giờ chịu nghỉ ngơi. Hóa ra đây là yếu tố chính trong vụ phạm tội này. Chuyện là, tôi được nghe kể từ một viên cảnh sát đã nghỉ hưu, rằng lý do bà không bao giờ đi nghỉ là bởi bà giữ 2 tập sổ sách và không thể mạo hiểm để một nhân viên thế chỗ mình phát hiện ra chuyện biển thủ.

Phần thú vị nhất, theo viên cảnh sát này, là sau khi ra tù, Geiger vào làm cho một hãng giám sát nhà băng, giúp ngăn chặn tình trạng biển thủ công quỹ. Đóng góp lớn nhất của bà là tìm ra những nhân viên không chịu đi nghỉ mát. Thước đo đơn giản này hóa ra lại có khả năng dự đoán mạnh mẽ, giúp ngăn chặn tình trạng biển thủ công quỹ.

Những người trộm tiền nhà băng đôi khi cũng có những mẫu hành vi dễ đoán, giúp vạch trần họ dễ dàng, bất kể đó là ít đi nghỉ mát hay một chuỗi những vụ cướp vào ngày thứ Năm.

Tất cả điều này khiến tôi không khỏi tò mò về con số thống kê liên quan đến các vụ cướp nhà băng nói chung. Liệu thứ Năm có đúng là ngày đẹp nhất để cướp nhà băng?

Theo FBI, mỗi năm ở Mỹ có khoảng 5 ngàn vụ cướp nhà băng. Ai cũng biết thứ Sáu là ngày bận rộn nhất trong tuần (có tương đối ít vụ cướp diễn ra vào cuối tuần). Mỗi năm có 1.042 vụ cướp vào ngày thứ Sáu, tiếp sau đó là ngày thứ Ba với 922 vụ, thứ Năm là 885 vụ, thứ Hai 858 vụ và thứ Tư 842 vụ. Nhưng không có bằng chứng nào cho thấy bất cứ một ngày nào có nhiều khả năng thành công hơn những ngày khác.

>>Tâm lý học hài hước: Khoa học về những điều kỳ quặc

Cũng có vẻ như những tay cướp không biết cách tối đa hóa lợi ích cho bản thân lắm. Những vụ cướp buổi sáng kiếm được khá hơn hẳn so với các vụ cướp buổi chiều (5.180 USD so với 3.705 USD). Thế nhưng những tay cướp nhà băng lại có xu hướng tấn công vào buổi chiều hơn (lẽ nào bọn họ thích ngủ nướng? Và có thể nếu họ dậy sớm hơn và đi làm được, họ sẽ không phải đi cướp nhà băng?!).

Nhìn chung, nếu thành công, những tay cướp nhà băng ở Mỹ kiếm được trung bình 4.120 USD. Nhưng họ không thành công như tôi tưởng: 35% trường hợp họ sẽ bị bắt. Vậy nên anh chàng cướp 6 nhà băng vào ngày thứ Năm ở Jersey đang dẫn đầu.

Kết luận trong một bài báo khoa học trên Significance – một ấn phẩm của Hiệp hội Thống kê Hoàng gia – cho biết, số tiền thu về trong một vụ cướp nhà băng bình thường, thật ra mà nói, chẳng đáng là bao, và rằng xét ở góc độ nghề sinh lợi, cướp nhà băng còn thiếu nhiều điều.

Vì vậy, nếu chúng ta muốn biết khi nào là thời điểm đắc lợi để cướp nhà băng thì câu trả lời có vẻ như là… chẳng có thời điểm nào cả. Trừ khi, tất nhiên là bạn tình cờ làm việc trong một nhà băng. Nhưng thậm chí cả khi đó, cái giá phải trả vẫn quá cao: bạn có thể vĩnh viễn không được đi nghỉ mát.

Sống xanh và những nghịch lý

Khi nói đến chuyện cứu lấy môi trường, mọi thứ thường không đơn giản như vẻ ban đầu.

Chẳng hạn, hãy xem xét cuộc tranh luận về việc nên dùng túi giấy hay túi nhựa. Suốt nhiều năm trời, bất cứ ai chọn túi nhựa ở cửa hàng thực phẩm đều có nguy cơ bị các nhà môi trường học coi khinh. Giờ thì có vẻ như sự đồng thuận đã đổi sang hướng khác, khi người ta tính toán chi phí cẩn thận hơn.

Sự dao động kiểu này cũng treo lơ lửng trên sự lựa chọn giữa tã giấy dùng một lần hay tã vải. Hay việc đi bộ ra tiệm tạp hóa ở góc phố thay vì lái xe đến đó, lựa chọn nào sẽ tốt cho môi trường hơn?

Ngay cả kết luận có vẻ rõ ràng này cũng được đặt dấu chấm hỏi bởi Chris Goodall, qua blog của John Tierney - tác giả cuốn How to live a low-carbon life (tạm dịch: Làm sao để sống một cuộc đời ít carbon hơn) trên The New York Times:

"Theo tính toán của Goodall, nếu bạn đi bộ 1,5 dặm (khoảng 2,41km) và thay thế số calo này bằng cách uống một ly sữa, lượng khí thải nhà kính liên quan đến số sữa đó (như methane từ trang trại bò sữa và carbon dioxide từ xe vận chuyển) sẽ bằng với lượng khí thải thoát ra từ một chiếc xe bình thường chạy trên đúng cung đường đó. Và nếu bạn đi cùng với một người nữa thì chắc chắn đi xe sẽ là một cách thân thiện hơn với hành tinh này".

>>5 cuốn sách kinh tế đáng đọc nhất 2009

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thứ Năm là ngày tốt nhất để... cướp nhà băng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO