Ngẫm nghĩ với... "Thiện, ác và smartphone"

PHÚC THIỆN| 19/03/2017 06:32

Sự "vô hình" của cư dân mạng có thể khiến chúng ta thờ ơ với nỗi đau của họ. Chúng ta không hình dung ra đằng sau những dòng bình luận hay cái avatar là một con người bằng xương bằng thịt.

Ngẫm nghĩ với...

Sự "vô hình" của những cư dân mạng có thể khiến chúng ta thờ ơ với nỗi đau của họ. Chúng ta không hình dung ra đằng sau những dòng bình luận hay cái avatar là một con người bằng xương bằng thịt.

Đọc E-paper

Trong thời đại của internet, chưa bao giờ con người bị lăng nhục nhanh, nhiều và dễ dàng đến thế! Nhân danh cái "thiện" để đấu tranh với cái "ác", văn hóa làm nhục trên mạng là một hiện tượng đang có chiều hướng gia tăng.

Qua những câu chuyện thời sự liên quan tới 2 giáo viên mẫu giáo, 2 anh em chủ một đại lý bán bia, một nữ ca sĩ và người mẫu, một dịch giả ngoài 80 tuổi, một nữ sinh 15 tuổi, và chính tác giả..., Thiện, ác và smartphone phác họa sắc nét "chân dung" của văn hóa làm nhục thời mạng xã hội phát triển, khiến chúng ta phải rùng mình vì sự xấu xí và sức phá hủy của nó.

Những phân tích thấu đáo buộc chúng ta phải đối diện với bản thân, và giật mình nhận ra đôi khi chính mình cũng đang góp phần tạo ra "chân dung" đó để hủy hoại người khác và cả bản thân.

Không dừng lại ở đó, tác giả Đặng Hoàng Giang chỉ ra con đường thoát bằng sức mạnh của sự điềm tĩnh và sự vững vàng của lòng trắc ẩn để luôn ý thức rằng đằng sau những avatar ảo là con người thật, rằng mỗi lượt "like" có thể là một ngọn roi góp vào cuộc "hành hình" tập thể; để phê bình mà không mạt sát, lên án nhưng không lăng nhục; để trong khi thượng tôn pháp luật mà vẫn trân trọng nhân phẩm con người; để thấu cảm, khoan dung và tha thứ; để hướng tới một xã hội của công lý phục hồi và hàn gắn thay vì của trừng phạt tàn khốc.

Tự do biểu đạt sẽ chỉ trở thành hình thức nếu nó không đi kèm với điều thứ hai: khả năng lắng nghe nhau của những thành viên trong xã hội.

Có thể nói, chạm tới từng góc khuất trong tâm can mỗi người nhưng đồng thời bao quát cả xã hội, Thiện, ác và smartphone mang tính xây dựng và tinh thần nhân văn sâu sắc.

>>Hãy làm một điều hơn cả bức xúc

"Phần đầu của cuốn sách khiến tôi run rẩy. Tôi cảm thấy xấu hổ khi đã từng gõ những lời tàn nhẫn trên bàn phím mà không để ý tới số phận con người đằng sau câu chuyện!", Thu Hà - tác giả cuốn Con nghĩ đi, mẹ không biết - chia sẻ.

"Nếu bạn không đủ kiên nhẫn để đọc hết cuốn sách này, bạn không nên bắt đầu đọc nó! Bởi có thể bạn sẽ không chịu nổi khi nhận ra mình đã từng độc ác đến thế nào. Nếu đọc hết cuốn sách này, tôi tin chắc bạn sẽ không thể "like, share" hay bình luận những câu chuyện trên mạng xã hội vội vã như trước kia nữa", nhà báo Phạm Trung Tuyến bày tỏ.

Tác giả Đặng Hoàng Giang đã tốt nghiệp kỹ sư tin học tại Đại học Công nghệ Ilmenau (Đức), bảo vệ tiến sĩ kinh tế phát triển tại Đại học Công nghệ Vienna (Áo), hiện anh sống và làm việc ở Việt Nam.

Là một chuyên gia phát triển, nhà hoạt động xã hội và cây viết chính luận, Đặng Hoàng Giang nỗ lực mở rộng không gian xã hội dân sự, truyền bá tri thức, khuyến khích tư duy phản biện và xây dựng văn hóa tranh luận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngẫm nghĩ với... "Thiện, ác và smartphone"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO