Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa - Nhìn lại hành trình giáo dục gần một thế kỷ

Thu Nga| 29/11/2020 06:00

Tác phẩm tổng hợp những nghiên cứu của Tiến sĩ Nguyễn Thụy Phương, hiện đang sống và làm việc tại Pháp, về di sản giáo dục thực dân, dựa trên những tài liệu và văn bản khai thác được từ các trung tâm lưu trữ nước ngoài, đặc biệt là các văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền thuộc địa Pháp.

Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa - Nhìn lại hành trình giáo dục gần một thế kỷ

Trong gần một thế kỷ Pháp triển khai nền giáo dục tại Việt Nam, chính quyền thực dân cũng đã nhiều lần sửa đổi và điều chỉnh mô hình giáo dục để phù hợp với xã hội và nhu cầu của người Việt. Từ mô hình đào tạo thông ngôn, phổ cập chữ quốc ngữ và tiếng Pháp để xóa chữ Hán đến việc thiết lập nền giáo dục dạy đồng thời ba ngôn ngữ Việt-Hán-Pháp; thành lập các trường nữ sinh, trường sư phạm đào tạo nữ giáo viên… nhằm mục đích "đào tạo ra đội ngũ phụ tá bản xứ để phát triển thuộc địa và những nhà nho thân Pháp dùng làm trung gian".

Không thể phủ nhận, nền giáo dục của Pháp tại Việt Nam dưới thời thuộc địa đã để lại những di sản nhất định cho xã hội Việt Nam như đặt "nền móng cho một hệ thống hợp lý và hiện đại"; giáo dục cho nữ sinh góp phần thay đổi xã hội; giáo dục cho con em dân tộc thiểu số, hiện đại hóa trường chùa; giới tinh hoa bản địa Pháp học được hình thành…

Tuy nhiên, cũng có những "huyền thoại đen" như hạn chế số lượng, kiềm tỏa chất lượng, trình độ để nhằm đào tạo người thừa hành và phụ tá; sau 80 năm vẫn còn hơn 90% dân số mù chữ; tỷ lệ học sinh thấp (8% tại Việt Nam so với 17% tại Pháp), tỉ lệ tốt nghiệp càng thấp hơn.

Kết quả này xuất phát từ mâu thuẫn cơ bản trong chính quan điểm của chính quyền Pháp là muốn thực thi sứ mạng khai hóa nhưng lo sợ và ám ảnh khi sứ mạng này lại là phương tiện để trang bị vũ khí tinh thần cho quần chúng bị trị.

Cuốn sách không chỉ mô tả cặn kẽ bối cảnh lịch sử giáo dục mà người Pháp áp dụng tại Việt Nam thời thuộc địa mà còn nếu rõ những quan điểm giáo dục của người Pháp. Chẳng hạn như "giống như người Trung Hoa trước kia đã cải thiện hiện trạng xã hội của các người bằng cách đem văn minh đến, khai tâm các người qua vị trí nước lập pháp, thì người Pháp cũng vậy, người Pháp hôm nay đến nhà các người để cải thiện nền nông nghiệp, công nghiệp và kinh tế, và còn để nâng cao dân trí thông qua giáo dưỡng."

Chính những quan điểm như vậy đã tạo nên mô hình giáo dục đặc trưng của thực dân Pháp tại Việt Nam thời kỳ thuộc địa. Trường học là công cụ của thực dân, tuy nhiên giáo dục cũng được coi là hiểm họa. Con dao hai lưỡi này đặc biệt nguy hiểm ở những bậc học cao. Điều đó giải thích vì sao chủ trương của Pháp là phát triển bậc học thấp như sơ học, trung học và giới hạn, bóp nghẹt những bậc học cao hơn.

Tác giả Nguyễn Thụy Phương chia sẻ, qua cuốn sách này, chị muốn lý giải thêm hai điểm mà theo chị là then chốt của nền giáo dục thực dân tại Đông Dương. Một là, tìm hiểu nguồn gốc luận thuyết sứ mạng khai hóa, được coi là biểu tượng cho thiết chế thuộc địa của đế chế Pháp, và hai là, phân tích chính sách đào tạo cản bước tầng lớp tinh hoa Việt.

Tác giả cho biết, dù muốn hay không, thì thế hệ người Pháp và Việt Nam sau này đều là thế hệ thừa kế bất đắc dĩ những di sản của thế hệ trước. Cho nên, bà hy vọng việc tìm hiểu, tiếp xúc cặn kẽ với những quan điểm giáo dục thế hệ trước sẽ giúp cho thế hệ ngày nay mở rộng phạm vi tiếp cận hơn với những vấn đề trong quá khứ và cả cái nhìn về tương lai.

Giáo dục Việt Nam thời thuộc địa cũng là cuốn sách đầu tiên mở đầu tủ sách Pháp ngữ giai đoạn 2 của Omega+. Chia sẻ về dự án, ông Vũ Trọng Đại - Giám đốc Công ty sách Omega Việt Nam cho biết: "Với Omega+, việc công bố và xuất bản Tủ sách Pháp ngữ phải đem lại hai tác động. Thứ nhất là làm thay đổi tư duy người đọc theo hướng tiếp cận tri thức đa chiều; thứ hai là tạo ra mối quan tâm khai thác kho tàng Pháp ngữ đồ sộ và hết sức giá trị mà bấy lâu nay bị bỏ ngỏ vì được cho là kén độc giả, khó triển khai, khó phát hành".

"Tủ sách Pháp ngữ giai đoạn 2 sẽ tập trung khai thác sách biên khảo, nghiên cứu mới nhiều hơn, những nghiên cứu này đa phần do các học giả đương đại viết, qua đó đóng góp tốt hơn cho giới nghiên cứu trong nước cũng như độc giả phổ thông. Chủ đề cũng rộng hơn, từ giáo dục thuộc địa và hậu thuộc địa, dân tộc học, dân tộc học tôn giáo, nhân vật-hồi ký, cho đến đô hộ thực dân và kháng chiến dân tộc…", ông Đại nói thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa - Nhìn lại hành trình giáo dục gần một thế kỷ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO