Doanh nhân Phạm Duy Hiếu: Xem làm việc cũng giống như đi chơi

DNSG| 18/02/2023 08:00

Từng là lãnh đạo cấp cao tại các ngân hàng, tổ chức tài chính, anh Phạm Duy Hiếu - Tổng giám đốc i.Value Holdings, Chủ tịch Startup Vietnam Foundation (SVF) cho biết, trở thành nhà lãnh đạo là một sự lựa chọn, một trong những lựa chọn đó là gánh vác trách nhiệm.

Tôi muốn trở thành nhà lãnh đạo là cuốn sách đầu tay của anh Hiếu. Cuốn sách tập hợp những câu hỏi - đáp về các tình huống thực tế trong các trong quá trình làm  việc; 50 câu trả lời 50 thông điệp tinh tế về thái độ sống và thái độ làm việc. Sau đây là những chia sẻ của anh Hiếu về những “lựa chọn của mình”, cũng như sự đúc rút của anh trong cuốn sách Tôi muốn trở thành nhà lãnh đạo.

* Anh nghĩ thế nào khi được nhận định là CEO trẻ nhất của ngành ngân hàng tại Việt Nam?

- Tuổi tác cao có thể là có nhiều kinh nghiệm, thế nhưng nếu như chúng ta không biết đúc rút ra những bài học từ kinh nghiệm thì có thể chúng ta sống rất lâu, trải nghiệm nhiều mà chúng ta không có sự trưởng thành, nên mấu chốt ở đây là chúng ta có được sự trưởng thành hay không?

* Không biết là anh đã từng có được những kinh nghiệm gì để bước đến vị trí CEO ở một độ tuổi rất trẻ?

- Một phần thì cuộc sống xô đẩy nhưng phần khác là mình chủ động xông vào. Thấy những việc khó mình muốn thử nghiệm, khám phá thì mình nhận lãnh công việc đó và xin phép những người lãnh đạo cấp trên cho mình được thử. Khi những trải nghiệm đó đến với mình nhiều hơn, mình sẽ có những bài học rút ra để sau này giúp ích được cho người khác.

 * Như vậy, giá trị thực sự của một lời khuyên là gì? 

- Khi mình đưa ra lời khuyên, phải nhắc nhở họ rằng “Những gì đã trải qua với tôi chưa chắc là đúng với bạn đâu nên bạn hãy cảnh giác với chuyện đó. Trong quá trình bạn tin tôi và bạn làm theo tôi thì bạn vẫn phải có sự quan sát, cảm nhận và rút ra bài học của riêng mình”. Nếu không nói như thế thì người làm theo lời khuyên của mình sẽ không có tinh thần nhận lãnh trách nhiệm với sự trưởng thành của chính người ta. Đến lúc làm theo, thất bại thì họ lại quay về trách móc: “Anh phải chịu trách nhiệm về việc anh đã khuyên tôi ngày hôm đó”. Mỗi người phải tự chịu trách nhiệm về cuộc đời của mình, điều đã đúng với tôi chưa chắc đã đúng với bạn, thậm chí có khi bạn còn có thể tìm ra được những thứ tuyệt vời hơn là lời khuyên của tôi. Cuộc sống là sự khám phá mà.

* Anh mong muốn độc giả khi đọc cuốn sách của ông có thể nhận ra được điều gì?

- Tôi mong rằng độc giả có góc nhìn hoàn toàn cởi mở, tự do khám phá cuộc đời, trải nghiệm cuộc sống và sẵn sàng rút ra bài học từ cuộc sống. Tôi không muốn giới hạn góc nhìn là chỉ con đường này đúng còn tất cả những con đường khác là sai. Chúng ta đã quá vất vả với những định kiến và khi chúng ta chạy theo những thứ người khác bảo mình là đi theo con đường này là đúng hoặc là phải làm theo cách này mới thành công, chúng ta sẽ bỏ lỡ nhiều thứ. Cuộc sống này luôn luôn thay đổi từng giây, từng phút và là một bí ẩn, một bí mật cần chúng ta khám phá.

* Chúng ta phải học cách sống có trách nhiệm như thế nào?

- Trách nhiệm là một từ đẹp, thế nhưng mà chúng ta thường sử dụng từ trách nhiệm theo nghĩa không đẹp. Ví dụ, khi nói rằng “Ai đó phải chịu trách nhiệm về vấn đề này…”, thì từ “trách nhiệm” lúc đó hàm ý kết tội ai đó. Cái từ “trách nhiệm” thường được chúng ta sử dụng trong những tình huống không đẹp và chúng ta quên mất ý nghĩa tích cực của nó.

Trách nhiệm phải đi kèm tình yêu, trách nhiệm mà không có tình yêu sẽ là áp lực. Nếu như bạn yêu công việc của bạn làm, bạn yêu khách hàng, bạn biết lắng nghe, biết quan tâm thì công việc của bạn sẽ nở hoa. Chứ nếu bạn nhận lãnh trách nhiệm mà không có tình yêu thì sẽ là thảm hoạ. Đặc biệt trách nhiệm của người lãnh đạo, khi nhận lãnh với tình yêu ở bên trong thì trách nhiệm mới phát huy sức mạnh.

Tôi muốn trở thành nhà lãnh đạo

Bìa cuốn sách Tôi muốn trở thành nhà lãnh đạo

* Không phải ai lãnh đạo cũng nói hay và cũng không phải người nào ở vị trí lãnh đạo cũng thực hiện được những cam kết của mình. Với anh thì sao?

- Năng lượng khi mà mình nói thay đổi theo từng giây, từng phút. Mỗi một người đều phải có cách tập luyện để mình nạp năng lượng hoặc chuyển hóa năng lượng bên trong của mình. Thật sự là có những bài tập, có những chương trình để giúp cho các bạn quản lý được năng lượng bên trong.

* Anh có thể ví dụ một bài tập đã giúp anh có được nguồn năng lượng tích cực?

- Khi mình nói đến từ “làm việc” là cảm thấy mọi thứ như gánh nặng, nhưng khi nói đến “đi chơi” thì mình cảm thấy tràn đầy năng lượng. Tôi phát hiện ra làm việc hay đi chơi là giống nhau. Bởi vì, bản chất của làm việc hay đi chơi thì đều là cử động của con người thôi. Chúng ta đứng lên, ngồi xuống, chúng ta đi, rồi lại đứng lên, ngồi xuống; chúng ta nói, lắng nghe rồi chúng ta lại nói, lại lắng nghe. Một nhóm những cử động như thế nếu gọi nó là công việc thì chúng ta cảm thấy thiếu năng lượng. Chúng ta cảm thấy bị áp lực, phải gồng lên để ứng phó.

Thế nhưng khi đi chơi cũng là đứng lên, ngồi xuống, thậm chí mình leo núi, mình hao tổn về thể lực nhiều đấy, nhưng mà tinh thần mình lại tràn đầy năng lượng. Khi tôi phát hiện ra điều đó thì tôi gọi  tất cả những thứ mà tôi phải làm trong ngày là đi chơi. Tôi được đi chơi với khách hàng, được đi chơi với các bạn đồng đội, đồng nghiệp, đi chơi trong phòng họp, đi chơi khắp mọi nơi. Ngày hôm nay, tôi được đến đây cũng là được đi chơi cùng Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn, được đi chơi cùng độc giả và như vậy năng lượng bên trong của tôi rất khác. Khi mà mình định vị mình đang được đi chơi thì chất lượng công việc cũng hoàn toàn thay đổi luôn!

Tôi có chia sẻ bài học này với nhiều nhân viên của mình và không ngờ các bạn ấy cũng làm được như vậy luôn, chứng tỏ rằng xem làm việc giống như đi chơi là điều ai cũng có thể làm. 

* Trong cuốn sách, anh từng nói rằng, một nhân viên giỏi khi quyết định rời công ty có hai lý do: hoặc là họ không còn tình yêu đối với công ty nữa, hoặc là giá trị cốt lõi và văn hóa doanh nghiệp không đủ vững để giữ chân nhân viên của mình. Vậy khi một nhà lãnh đạo như anh rời khỏi một vị trí thì lý do là gì?

- Tôi trải qua nhiều giai đoạn trước câu hỏi này lắm. Giai đoạn đầu thì mỗi một lần tôi rời khỏi công ty thì tôi lại đau đớn vì công ty đã đối xử với mình như thế này, thế kia. Tôi cảm thấy không hài lòng, thậm chí còn nung nấu thù hận, lúc đấy tôi dữ dội, xấu xí lắm, tự nghĩ: “Mình mà rời công ty này, công ty này sẽ sập”. Nhưng mà ba năm sau thấy công ty họ phát triển rực rỡ hơn cả cái thời kỳ còn có tôi làm việc, tôi tự nhủ: “Ồ, vấn đề này là của mình rồi!”. 

Giai đoạn tiếp theo, tôi hiểu được là cần phải chịu trách nhiệm trước mọi quyết định của mình. Quyết định của mình muốn rời khỏi công ty đấy có lý do thực sự là gì? Mình sợ hãi hay là mình đang phát hiện ra cái đam mê nào đó mình cần theo đuổi; mình giữ lời cam kết, hay là mình không giữ lời cam kết? Trước đây mình đã đến đây với lý do gì? Lý do đó bây giờ còn hay không còn?

Tôi chậm rãi quan sát nội tâm và bắt đầu hiểu mình. Tôi đã đi đến giai đoạn thứ hai là rời khỏi những công ty, doanh nghiệp nhưng với lòng biết ơn, vẫn thương nhớ đồng đội đã từng làm việc với mình.  Dù có những công ty đối thủ mời tôi về làm việc, tôi từ chối. Sự chia tay lần này mang một màu sắc hoàn toàn khác.

Doanh nhân Phạm Duy Hiếu

Doanh nhân Phạm Duy Hiếu

* Một câu hỏi của độc giả: Làm thế nào để một nhân viên biết được khi nào nên rời bỏ một doanh nghiệp và khi nào nên tiếp tục gắn bó?

- Mỗi một người có cảm nhận riêng, vì câu trả lời đúng với người này lại không đúng với người khác. Mỗi một người sẽ có sự lựa chọn nào đó, tương ứng với bên trong của mình. Cấp độ phụng sự và cống hiến là tâm thái, chứ không phải là thước đo hiệu quả. Trước khi từ bỏ, bạn nên xem xét bên ngoài lẫn bên trong. Bên ngoài, bạn tự hỏi mình có đang tạo ra kết quả càng ngày càng tốt hay không. Bên trong, bạn tự hỏi mình có thực sự yêu công việc này không?

Tôi tâm đắc với bản thân là khi chọn công việc nào thì tôi đặt câu hỏi: Nếu như không có tiền mình có sẵn lòng làm việc này hay không. Nếu câu trả lời là có thì đấy chính là công việc tôi rất nên làm. Khi tôi phân vân giữa những cơ hội đến với nhau, như làm ngân hàng, làm doanh nghiệp, làm huấn luyện và đào tạo, tôi so sánh đâu là công việc mà không có tiền mình cũng sẵn sàng làm? Khi có quyết định mạnh mẽ từ bên trong thì đấy chính là công việc mà mình nên gắn bó. 

* Cảm ơn anh đã có những chia sẻ rất tâm huyết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nhân Phạm Duy Hiếu: Xem làm việc cũng giống như đi chơi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO