Chọn sách văn học nước ngoài: Thận trọng với dịch giả

KHẢI LY| 14/05/2014 07:47

Chọn một cuốn sách của văn học nước ngoài, độc giả phải thận trọng với tên dịch giả. Những tác phẩm lớn thường có nhiều bản dịch khác nhau, chọn một cuốn sách tốt cho tủ sách gia đình lại càng phải am hiểu.

Chọn sách văn học nước ngoài: Thận trọng với dịch giả

Chọn một cuốn sách của văn học nước ngoài, độc giả phải thận trọng với tên dịch giả. Những tác phẩm lớn thường có nhiều bản dịch khác nhau, chọn một cuốn sách tốt cho tủ sách gia đình lại càng phải am hiểu.

E-paper

Một hôm, có nhà văn nhờ tìm cuốn sách Buồn nôn của Jean Paul Sartre mà còn căn dặn phải tìm đúng cuốn do Phùng Thăng dịch. Chị nói thêm, nghe các nhà nghiên cứu văn học nói đó là bản dịch tốt nhất. Trong tủ sách có hai cuốn Buồn nôn ấn hành vào hai thời điểm khác nhau, nhưng vấn đề là chỉ có một cuốn được độc giả tín nhiệm hướng dẫn cho nhau tìm đọc. Từ đó mới thấy người dịch quan trọng, bởi một tác phẩm được dẫn dắt thế nào, hấp dẫn bao nhiêu phần trăm so với nguyên tác, hết thảy đều phụ thuộc vào người dịch, bởi phần đông độc giả không đủ trình độ đọc đối chiếu.

Việc dịch thuật đã từng làm hỏng số phận một cuốn sách đỉnh cao của văn chương hiện đại Pháp khi nó xuất hiện ở Việt Nam năm 2012. Đó là cuốn tiểu thuyết Bản đồ và vùng đất của Michel Houellebecq do Cao Việt Dũng dịch.

Là một dịch giả trẻ đầy triển vọng nhưng Cao Việt Dũng đã sơ suất đến mức Công ty Nhã Nam quyết định thu hồi sách, phải sửa chữa nhiều trong đợt tái bản sau đó.

Nhiều dịch giả bày tỏ rất tiếc cho cuốn sách đó. Bởi vì nó là một tác phẩm lớn và hiện đại, sự "đấu tố” vặt vãnh đã làm cuốn sách "chết trong trứng nước", người đọc Việt không có cơ hội và tinh thần thoải mái để tiếp nhận tư tưởng của tác phẩm ấy. Nếu như sau này không ai dám dịch lại Bản đồ và vùng đất một lần nữa, phần thiệt hại ắt thuộc về độc giả.

Mới đây, thời sự về dịch thuật lại bùng lên với số phận cuốn tiểu thuyết Lolita khi một phiên bản tiếng Việt mới xuất hiện với người dịch là Thiên Lương. Phiên bản cũ cách đây hơn một năm của Lolita do dịch giả Dương Tường thực hiện cũng trải qua rất nhiều sóng gió khi các nhà nghiên cứu và ngôn ngữ đã phát hiện nhiều lỗi dịch, phát hiện Dương Tường có sử dụng một phần bản dịch của các dịch giả Sài Gòn trước năm 1975.

Phía ủng hộ bản dịch Lolita của Thiên Lương và chính dịch giả này cũng đã có nhiều cuộc tranh đấu lên án chất lượng bản dịch của Dương Tường, làm cho nhiều độc giả không đủ khả năng đọc đối chiếu với nguyên bản tiếng Pháp thấy khó xử trước cuộc tranh luận khá dữ dội về chất lượng giữa hai bản dịch.

Và mới đây, nhà văn Đoàn Minh Phượng đã lên tiếng chuyện dịch giả Dương Tường đang ấp ủ dự án dịch tác phẩm Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust và bày tỏ mong muốn: "Có cách nào khuyên ông ấy ngưng làm chuyện đó?".

Nữ nhà văn lý giải chuyện dịch tác phẩm của Marcel Proust như thế này: "Dù Dương Tường có ấp ủ dự án này đã lâu, dù với ông nó quan trọng thế nào, thì giấc mơ của ông không còn là chuyện riêng, mà nó liên quan tới nhiều người khác. Việc ông thực hiện được hoài bão đời mình không có ý nghĩa... Tôi không nghĩ Dương Tường là người dịch Proust hay nhất chúng ta có thể mong đợi".

Ý kiến của nhà văn Đoàn Minh Phượng không phải là của một hội đồng thẩm định dịch thuật của nhà xuất bản nào, nhưng chị là một độc giả và có quyền lựa chọn của mình. Dù sao đó cũng là một ý kiến rất đáng chú ý.

Chúng ta đang muốn quên đi những cụm từ "thảm họa dịch thuật", những chiến dịch "ném đá” vô căn cứ vào sự nghiệp của các dịch giả một cách vô lối, nhưng hơn lúc nào hết, độc giả lo lắng về chuyện không được tiếp cận nguyên bản bằng một lối dịch có đường tiệm cận gần nhất với bản gốc.

Mới đây, bộ sách Đi tìm thời gian đã mất của Proust đã ra mắt cuốn thứ nhất Bên phía nhà Swann với một đội ngũ dịch giả hùng hậu. Thời gian chưa đủ để có những phản hồi tích cực hay tiêu cực về bản dịch. Tuy nhiên, những ý kiến dấy lên với vấn đề dịch giả Dương Tường và dự án dịch Đi tìm thời gian đã mất cũng cho người đọc một cơ hội cân nhắc trước mỗi cuốn sách dịch - lựa chọn tên dịch giả chứ không chỉ nhìn vào tên nhà văn!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chọn sách văn học nước ngoài: Thận trọng với dịch giả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO