5 quyển sách nổi bật - món ăn tinh thần cho những ngày tết

An Doanh| 12/02/2021 00:00

Một năm đầy biến động sắp qua. Khi văn hóa đọc ở Việt Nam đang ngày càng trở nên phổ biến thì nhiều người đã chọn sách làm món quà tinh thần, tìm kiếm động lực để bắt đầu một năm mới hiệu quả và thành công hơn.

Dưới đây là 05 “món ăn” nổi bật từ nhiều thể loại: Lịch sử, Thực phẩm, Tùy bút, Văn học, Tham khảo,… có thể giúp bạn đọc “nhâm nhi” dịp Tết này.

VIỆT NAM VẬN HỘI

vnvh-7258-1613100111.jpg

Việt Nam vận hội là kết quả bước đầu trong chặng đường dài nỗ lực nghiên cứu sử học Việt Nam của Giáo sư Nguyễn Thế Anh.

Từng là Viện trưởng Viện Đại học Huế, Trưởng ban Sử học thuộc Đại học Văn khoa Sài Gòn (1969-1975), phạm vi học thuật của Giáo sư Nguyễn Thế Anh thực sự đáng chú ý. Các nghiên cứu của ông bao trùm những chủ đề trong phạm vi rộng lớn (nghiên cứu lịch sử địa chất học, nông nghiệp, khí hậu học; hệ tư tưởng và tôn giáo, bao gồm Phật giáo, Nho giáo, tín ngưỡng dân gian, chủ nghĩa Marx; giao thương và thương mại; chiến tranh; quan hệ Trung-Việt; quan hệ giữa Việt Nam và phương Tây; lịch sử Đông Á và Đông Nam Á; lịch sử Hoa Kỳ; sử Việt nói chung: từ thế kỷ XV đến thế kỷ XX, đặc biệt nhấn mạnh triều Nguyễn và thời kỳ Pháp thuộc; và các nghiên cứu về lịch sử Việt Nam sau năm 1945). Điều đó cho thấy một trí óc mới mẻ, sống động, không bị ràng buộc bởi bất cứ tư duy khuôn cứng nào.

Số lượng bài viết được tuyển chọn trong cuốn sách này tuy chỉ là một phần rất nhỏ trong số các công trình của ông, song cuốn sách vẫn kỳ vọng bổ khuyết phần nào cho tình trạng thiếu sót về tài liệu cùng những thiên lệch trong quan điểm nghiên cứu lịch sử trên thế giới về Việt sử, đồng thời cung hiến cho độc giả góc nhìn rộng và khách quan hơn về các nghiên cứu sử Việt.

QUÊ HƯƠNG TÔI

qht-8480-1613100111.jpg

Đọc tập tùy bút Quê hương tôi của Tràng Thiên – một trong những nhà văn nổi bật nhất ở miền Nam thời 1954-1975 –  gần giống như một chuyến xe trở về với quê hương thân thuộc.

Cuốn sách được chia làm bốn phần. Phần một tập hợp các bài viết về văn hóa Việt Nam nói chung, phần hai viết về miền Trung, phần ba là về phong tục, con người miền Nam, riêng phần bốn là nơi Tràng Thiên dành riêng để viết về vùng cao nguyên sương trắng – Đà Lạt. Ngoài ra, cách sắp xếp các bài viết cũng vô cùng ý nhị. Chúng được xếp đặt theo từng đôi một có cùng chủ đề như: Chiếc áo dài và Lại chiếc áo dài, Không cười và Không cười thế mà hay, Anh Bình Định và Người Bình Định…

Ngôn ngữ của Tràng Thiên giàu tính đối thoại, mang lại cảm giác khi đọc mà như thể đang trò chuyện. Quê hương tôi đầy ắp thân tình, mộc mạc, có một sắc thái rất riêng, giản dị và không chút pha tạp.

THE STORY OF FOOD – CÂU CHUYỆN THỰC PHẨM

theood-9982-1613100112.jpg

The Story of Food – Câu chuyện thực phẩm tái khám phá lịch sử phong phú của thực phẩm qua các thời đại, giải thích tính thiết yếu của thực phẩm không chỉ đối với sức khỏe, sự sinh tồn mà còn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hình thành, phát triển các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau. Từ các loại hạt và ngũ cốc, thịt và cá, trái cây và rau quả, các loại thảo mộc và gia vị,… và tất cả những gì chúng ta ăn hàng ngày.

Từ loài cá khơi nguồn cho cả một cuộc chiến tranh cho đến loại rau gia vị từng được coi là biểu tượng của sự căm ghét để rồi nhiều thế kỷ sau lại trở thành biểu tượng cho tình yêu, thực phẩm đã luôn là một phần không thể thiếu của văn hóa nhân loại. Những câu chuyện về nguồn gốc, truyền thống nuôi trồng và nấu nướng của gần hai trăm loại thực phẩm được truyền tải sống động qua những trang sách minh họa tuyệt vời sẽ mang lại một bữa đại tiệc bổ ích cho những người say mê ẩm thực ở khắp mọi nơi.

Hơn cả những mẩu thông tin đơn lẻ về từng loại thực phẩm, cuốn sách xâu chuỗi chúng thành từng nhóm thực phẩm, khiến thông tin biến thành một câu chuyện (có minh họa) dễ theo dõi, có diễn biến qua thời gian và vùng miền.

DANH NGHĨA NHÂN DÂN

dnnd-9750-1613100112.jpg

Khó có thể phủ nhận, đối với Việt Nam, văn học Trung Quốc dù là thời điểm nào cũng có sức hấp dẫn rất riêng. Sức hấp dẫn này có thể đến từ sự tương đồng nhất định trong cách suy nghĩ con người, trong thể chế chính trị lẫn văn hóa.

Danh nghĩa nhân dân xuất bản lần đầu vào tháng 1/2017, ngay lập tức được tái bản lần thứ mười chỉ sau 4 tháng, tổng lượng bán ra hơn 1 triệu 500 ngàn bản. Tại Liên hoan truyền hình quốc tế Macao lần thứ 8 năm 2017, bộ phim truyền hình chuyển thể cùng tên đã đoạt bốn giải thưởng quan trọng.

Một trong những điều giúp Danh nghĩa nhân dân thắng lớn và được ủng hộ nhiệt liệt là phim đã mở ra được thế giới “thâm cung bí sử” của nhà nước trước mắt dân. Đó là thế giới của tham quan, của hệ thống chính trị chồng chéo mâu thuẫn, của những bất cập quyền lực, những mánh khỏe cản trở lẫn nhau giữa bộ, ban, cục, tỉnh ủy, kiểm sát, phân tranh quyền lực giữa địa phương và trung ương.

Không đơn giản hư cấu nên một cuộc đấu đá chốn quan trường, tác phẩm đã trở thành một tấm gương phản chiếu đời sống xã hội Trung Quốc trong thời đại phát triển mới, sâu hơn nữa soi tỏ nội tâm đấu tranh giữa danh lợi và sự công minh, để lộ phần nhân tính bản chất trong mỗi con người.

HOW TO THINK - CÁCH TƯ DUY: HƯỚNG DẪN SINH TỒN TRONG MỘT TẾ GIỚI ĐẦY BẤT ĐỒNG

htt-3637-1613100112.jpg

Cách tư duy: Hướng dẫn sinh tồn trong một thế giới đầy bất đồng xuất bản năm 2007, được đánh giá cao trên nhiều tạp chí nổi tiếng và diễn đàn về sách. Những năm tháng trăn trở về các vấn đề lớn – các quan điểm chính trị, xã hội và tôn giáo – chia cắt những con người sống cùng nhau trên một đất nước đã giúp Alan Jacobs (Giáo sư Ưu tú trong lĩnh vực Khoa học Nhân văn, giảng dạy tại Chương trình Danh dự thuộc Đại học Baylor, Waco, tiểu bang Texas ) nhận ra rằng những bất đồng kịch liệt nhất không phải tiền định mà đơn giản là bởi những người liên quan không tư duy.

Một thực tế mà có lẽ không nhiều người dám thừa nhận đó là chúng ta thường “ngại” trau rèn và sử dụng năng lực tư duy – món quà tuyệt vời mà tạo hóa ban tặng. Nguyên nhân, theo Alan Jacobs, đó là bởi những trở lực trong quá trình ấy bắt chúng ta phải trải qua những điều chẳng hề dễ chịu chút nào, thậm chí phải trả những cái giá nhất định. Đó có thể là việc phải vứt bỏ cảm giác dễ chịu, thoải mái mà thói quen mang lại, hay chuyện đánh mất một mối quan hệ bởi xung khắc quan điểm, thậm chí phải rời khỏi một nhóm thân thuộc mà chúng ta là thành viên vì sự khác biệt nảy sinh. Vậy bù lại, tư duy sẽ mang đến cho chúng ta điều gì ?

Theo Jacobs, cách tư duy vừa giống một luận văn, vừa giống một lời than thở, vừa giống một cuốn cẩm nang hướng dẫn người ta hiểu và ứng đối với thế giới này rộng lượng hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
5 quyển sách nổi bật - món ăn tinh thần cho những ngày tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO