Doanh nhân và sách

Kể chuyện “công nghệ bình dân” bằng sách

Hà Thủy 19/07/2025 10:00

Đối với doanh nhân Nguyễn Tiến Huy, viết sách là quá trình chắt lọc trải nghiệm, làm sáng tỏ tư duy và góp phần xây dựng di sản trí tuệ cho thế hệ kế tiếp. Từ một học sinh chuyên Toán, lập trình viên đến chuyên gia truyền thông và tác giả của ba cuốn sách nổi bật, anh đã biến “nghề chọn người” trở thành con đường khai mở tri thức.

“Nghề chọn người” và 3 cuốn sách ghi dấu trong sự nghiệp

Chia sẻ với Doanh Nhân Sài Gòn, anh Nguyễn Tiến Huy cho biết, kỷ niệm đầu tiên của anh với sách không bắt đầu bằng những cuốn chuyên môn như toán hay lập trình, mà là… truyện tranh. Tuổi thơ gắn liền với những cuốn truyện tranh kể chuyện sinh động, trực quan là nơi trí tưởng tượng được chắp cánh. Mơ ước trở thành họa sĩ truyện tranh, chính là khởi nguồn cho đam mê kể chuyện sau này.

ảnh 2-chân dung Nguyễn tiến Huy copy

Khi lớn lên và bắt đầu tự học, những trang sách dần trở thành người bạn đồng hành thân thiết. Bởi không được đào tạo bài bản về marketing, thương hiệu hay truyền thông nên con đường duy nhất để bổ sung kiến thức là tự học qua sách; đọc nhiều để tra cứu, cập nhật xu hướng, làm việc với khách hàng và dần hình thành thói quen nghiên cứu qua sách như một phần không thể thiếu của công việc sáng tạo.

Bên cạnh đó, tác giả này cũng ví hành trình nghề nghiệp của mình như “nghề chọn người”, không phải bản thân chọn nghề mà nghề đã chọn anh, mở ra cơ hội tiếp cận các lĩnh vực liên ngành và tạo ra giá trị thực tiễn. Hành trình gần 20 năm gắn bó với các sản phẩm số đều được ghi lại trong ba tác phẩm, mỗi cuốn là một chặng đường, một bước chuyển mình đầy dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp của doanh nhân trẻ này.

Tác giả Nguyễn Tiến Huy kể, cuốn sách đầu tiên Đọc vị thế hệ sống ảo (2019) ra đời từ một đề bài nội bộ của công ty anh: “Thế hệ Gen Z có gì khác biệt so với thế hệ Millennials?”. Đó là lúc Gen Z ở Việt Nam còn rất trẻ, chưa phải là đối tượng nghiên cứu phổ biến trong giới marketing, nhưng anh và đội ngũ đã sớm nhìn thấy sự chuyển dịch hành vi của thế hệ này, một thế hệ sinh ra cùng với Internet, sống cùng kết nối số, và có hệ quy chiếu xã hội rất khác biệt.

Từ câu hỏi đó, nhóm nghiên cứu trong công ty của Nguyễn Tiến Huy đã thiết kế một dự án khảo sát và phỏng vấn sâu, thu thập dữ liệu về cách Gen Z kết nối trong các mối quan hệ gia đình, bạn bè, tình cảm, xã hội; cách họ tiêu dùng, học tập, yêu thương… Và khi đọc những kết quả thu thập được, Tiến Huy nhận ra đây không chỉ là một báo cáo nội bộ mà có thể trở thành một cuốn sách có ích cho cả giới làm marketing lẫn các bậc phụ huynh đang cố gắng hiểu con em mình.

“Tôi đem ý tưởng xuất bản chia sẻ với anh Thái Phạm - Happy Live, và nhanh chóng được ủng hộ. Chính anh Thái là người đặt tên cho cuốn sách Đọc vị thế hệ sống ảo như một cách nhìn thẳng thắn, nhưng đầy thiện cảm về Gen Z”, Nguyễn Tiến Huy chia sẻ.

Tác phẩm thứ hai mang tên Digital Marketing: Chiến lược đi để chiến là kết tinh từ hành trình 8 năm giảng dạy khóa học do anh thiết kế mang tên “Digitalized marketing”. Khác với nhiều sách chỉ tập trung vào kỹ thuật chạy quảng cáo, cuốn sách này đưa ra một tầm nhìn chiến lược về cách tích hợp các kênh số, thấu hiểu tâm lý khách hàng và tạo ra những chiến dịch có hiệu quả tổng thể.

Cuốn thứ ba Không ai cản được AI lại được viết từ một buổi phỏng vấn dài gần ba tiếng với báo Tuổi Trẻ về xu hướng AI và văn hóa số. Sau một năm tích lũy và biên soạn, tác phẩm hoàn thành như một cột mốc khái quát những đúc kết quan trọng của Nguyễn Tiến Huy trong quá trình định hình dấu ấn cá nhân.

“Khi bắt đầu sự nghiệp với Internet cách đây hơn 20 năm, tôi từng gặp rất nhiều người thành công trong xã hội nhưng lại chật vật trước những thay đổi công nghệ. Không phải vì họ thiếu năng lực, mà là họ không thể tiếp cận được ngôn ngữ mới. Ngôn ngữ của Internet, của mạng xã hội, và giờ là AI đôi khi quá kỹ thuật, quá khô cứng, quá xa rời với đời sống thường nhật”, Tiến Huy nói.

thumb DN sach 2

Thách thức kể chuyện công nghệ bằng ngôn ngữ đời thường

Với kinh nghiệm gần 20 năm làm việc trong lĩnh vực Internet và truyền thông số, từng chứng kiến nhiều làn sóng lên - xuống của các nền tảng: từ Yahoo360, Facebook, blog, video blog... Nguyễn Tiến Huy hiểu rõ rằng nội dung số luôn thay đổi, còn sách - nhất là sách giấy và các định dạng nội dung dài tuy không phổ biến đại trà, nhưng có chiều sâu, phù hợp với những người thực sự quan tâm và muốn tiếp nhận tri thức một cách nghiêm túc.

“Các nền tảng số lên xuống nhanh chóng, còn sách, dù có số lượng độc giả ít hơn nhưng lại giữ được giá trị chiều sâu và khả năng đi xa với thời gian”, Tiến nói.

Những bài viết đầu tiên thường xuất phát từ việc soạn giáo án cho các khóa học hoặc trả lời phỏng vấn chuyên môn. Dần dà, qua sự hỗ trợ của trợ lý và cộng sự, các câu chuyện được mở rộng, khai thác và mổ xẻ sâu sắc hơn thành các cuốn sách.

“Tôi thường xuyên được mời phỏng vấn, chia sẻ quan điểm chuyên môn trên các tạp chí như Gam7 hay nhiều báo chuyên ngành. Mỗi bài viết hay cuộc phỏng vấn thường dài khoảng 1.500 chữ là cơ hội để tôi đúc kết các góc nhìn thực tiễn trong lĩnh vực marketing, truyền thông, công nghệ”, Nguyễn Tiến Huy nói với Doanh Nhân Sài Gòn.

Một trong những rào cản lớn mà tác giả này thường gặp là làm sao biến những kiến thức kỹ thuật phức tạp thành ngôn ngữ gần gũi, dễ hiểu cho đa dạng đối tượng, từ các lãnh đạo doanh nghiệp đến nhân viên marketing hay những người quan tâm công nghệ.

Theo tác giả Nguyễn Tiến Huy, trong đề tài nghiên cứu tiến sĩ tại Mỹ, anh tập trung vào “bảo vệ tính xác thực của thương hiệu trong thời đại AI”, nhấn mạnh vai trò của tri thức bản địa. Khi thế giới ngày càng bị thuật toán hóa, hiểu thấu đáo văn hóa, giá trị và đặc trưng riêng của từng quốc gia, từng cộng đồng là điều kiện tiên quyết để xây dựng thương hiệu có chiều sâu, có bản sắc riêng biệt.

Nhà sáng lập Pencil Group khẳng định: với những người đã có trải nghiệm thực chiến, viết sách là cách đúc kết, lưu giữ kinh nghiệm thành tài sản trí tuệ bền vững. Dù ngày nay có nhiều hình thức chia sẻ khác, sách vẫn giữ vị trí quan trọng. Việc xuất bản sách không chỉ mang lại niềm tự hào cá nhân mà còn tạo ra di sản giúp các thế hệ doanh nhân, nhà sáng tạo và nhà quản lý tiếp theo có thể học hỏi, phát triển và đổi mới.

Bên cạnh đó, đối với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, việc đầu tư vào những tài sản trí tuệ như sách, không chỉ là cách để truyền tải tầm nhìn chiến lược mà còn là công cụ mạnh mẽ để kiến tạo văn hóa học hỏi và đổi mới trong toàn bộ tổ chức. Trong bối cảnh công nghệ thay đổi chóng mặt, việc biến những khái niệm phức tạp thành ngôn ngữ dễ hiểu sẽ giúp thu hẹp khoảng cách kiến thức giữa các cấp quản lý và nhân viên, thúc đẩy sự thích nghi nhanh chóng với xu thế mới, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp trong tương lai.

“Đó là lý do tôi dành nhiều tâm huyết tiếp tục viết và lan tỏa tri thức dưới nhiều định dạng mới”, tác giả Tiến Huy chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kể chuyện “công nghệ bình dân” bằng sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO