![]() |
Ông Lâm Nguyễn Hải Long - Chủ tịch HCA |
Doanh nghiệp vẫn còn loay hoay, mơ hồ
Phát biểu tại tọa đàm “Chuyển đổi số hiệu quả - Nhu cầu và khả năng đáp ứng” do Hội Tin học TP.HCM (HCA) vừa tổ chức, ông Lâm Nguyễn Hải Long - Chủ tịch HCA khẳng định: “Chuyển đổi số không chỉ là cơ hội mà còn là trách nhiệm, sứ mạng của các doanh nghiệp CNTT tại Thành phố trong việc cùng Thành phố triển khai chương trình này” .
Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) Nguyễn Phước Hưng cũng nhận định: “Chuyển đổi số hiệu quả là một nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp không những bắt kịp xu hướng thị trường, xu hướng tiêu dùng mới mà còn thay đổi mô hình kinh doanh của chính doanh nghiệp. Việc chuyển đổi số - chuyển đổi mô hình kinh doanh phù hợp sẽ giúp tổ chức, doanh nghiệp tiệm cận, hòa nhập với thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế”.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số, trong đó vấn đề nổi cộm là doanh nghiệp vẫn còn loay hoay không biết bắt đầu từ đâu. Ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ Sao Bắc Đẩu cho rằng: “Đặc thù của các doanh nghiệp Việt Nam là nhỏ và vừa nên việc triển khai CNTT gặp rất nhiều vướng mắc về nguồn lực và tài chính.
Đồng tình nhận định này, ông Nguyễn Chánh Phương - Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TP.HCM cũng cho rằng: “Với tốc độ tăng trưởng nhanh cộng với nhu cầu hợp tác, làm ăn với các đối tác nước ngoài nên các doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ nhận nhận thức việc chuyển đổi số là cực kỳ quan trọng, đóng góp rất hiệu quả vào việc kinh doanh, tối ưu hóa năng lực sản xuất, mở rộng quan hệ khách hàng, đối tác. Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp nhỏ còn mơ hồ trong nhận thức về chuyển đổi số, cho rằng chuyển đổi số là xu hướng còn xa lắm nên vẫn thờ ơ, thậm chí chưa hiểu rõ chuyển đổi số là gì”.
Khẳng định doanh nghiệp không còn con đường nào khác là phải nhanh chóng chuyển đổi số và dịch bệnh Covid-19 vừa qua càng chứng minh rõ điều đó, nhưng Chủ tịch HUBA Chu Tiến Dũng vẫn phải thừa nhận nhiều doanh nghiệp đang xem chuyển đổi số như một món ăn xa xỉ.
Ông Nguyễn Đình Tuệ - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (thuộc HUBA) cũng đồng tình: “Mặc dù sau dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đều biết cần phải khôi phục kinh doanh, chuyển đổi chuỗi cung ứng, thiết bị, sản phẩm. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang nỗ lực xây dựng nhiều chương trình cụ thể để tiến tới số hóa nhiều lĩnh vực, cụ thể nhất là việc triển khai giao dịch chữ ký số và hóa đơn điện tử. Tuy nhiên, vẫn nhiều doanh nghiệp vẫn rất... đủng đỉnh, bình tĩnh.
Khi được đặt câu hỏi vì sao doanh nghiệp lại chưa quan tâm, ông Tuệ lý giải trước hết là do các chủ doanh nghiệp chưa thấy lợi ích của việc chuyển đổi số. Đã có rất nhiều cuộc hội thảo chia sẻ về tầm quan trọng cũng như lợi ích của chuyển đổi số nhưng nhiều chủ doanh nghiệp lại không tham dự và thường cử cấp dưới đi thay. Vấn đề là khi việc nhân viên thuyết phục được ông chủ cũng còn là khoảng cách. Và mấu chốt của khúc mắc này nằm ở câu hỏi: Chuyển đổi số mất bao nhiêu tiền, lợi ích thu được bao nhiêu so với chi phí bỏ ra và phải bắt đầu từ đâu?
Cần giải pháp... niềm tin
Ông Phí Anh Tuấn - Phó chủ tịch HCA, Giám đốc Công ty PAT Consulting cho rằng, một trong những yếu tố giúp quá trình thực hiện chuyển đổi số trong doanh nghiệp được thành công là quyết định kịp thời và cần sự kết nối và đồng hành giữa các doanh nghiệp lớn, nhỏ và cộng đồng khởi nghiệp, giữa các doanh nghiệp ứng dụng và cả doanh nghiệp CNTT.
Chính bởi lý do đó nên giải pháp của Sao Bắc Đẩu được ông Trần Anh Tuấn đưa ra là kết hợp HCA và HUBA để thúc đẩy CNTT vào doanh nghiệp nhưng các giải pháp phải nhỏ, không quá cồng kềnh phức tạp và phải nhanh và phù hợp, đặc biệt rất rẻ, phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp đang cần chứ không phải phù hợp với người bán giải pháp.
Từ những khó khăn cụ thể của ngành gỗ đang gặp phải, ông Nguyễn Chánh Phương cho hay, hiện nay ngành gỗ và nhiều doanh nghiệp khác đều đang thiếu một đơn vị trung gian làm cầu nối mang tính độc lập, có chuyên môn cao để liên kết giữa doanh nghiệp và công ty công nghệ. Vì vậy, các doanh nghiệp cứ loay hoay không biết bắt đầu từ đâu, hợp tác với ai, như thế nào?
Thực tế có những đơn vị đưa ra giải pháp thì... nhiệt tình quá nên dẫn dắt doanh nghiệp đi quá xa so với nhu cầu họ cần, có đơn vị thì tư vấn không hiệu quả như những gì họ thuyết phục, từ đó doanh nghiệp mất niềm tin nên không mặn mà, nhất là khi chưa thấy sự ảnh hưởng cận kề cũng như nhu cầu chưa quá cấp bách. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ CNTT cũng cần xây dựng đa dạng nhiều sản phẩm dịch vụ để phù hợp với từng nhu cầu doanh nghiệp.
Ở góc độ truyền thông, ông Ngô Trần Thịnh - Đại diện HTV-Café Tek cho rằng, để doanh nghiệp hiểu nhanh nhất tầm quan trọng của việc chuyển đổi số, thay vì đưa ra thông số, hãy nói đến lợi ích cho doanh nghiệp. Ví dụ thông qua chuyển đổi số tôi tiết kiệm được cái gì, hiệu quả của dịch vụ ra sao? Muốn vậy, cần có các các trường hợp điển hình thực tế.
Cho rằng giải pháp hiệu quả nhất để doanh nghiệp cảm thấy cần và muốn chuyển đổi số là... niềm tin, ông Chu Tiến Dũng nhấn mạnh, muốn tạo được làn sóng chuyển đổi số lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp thì phải có nhiều doanh nghiệp ứng dụng số. Vậy đã có bao nhiêu doanh nghiệp trong HCA đã tham gia chuyển đổi số 100% trong doanh nghiệp của mình? Bao nhiêu doanh nghiệp chuyển đổi số thành công?
Đặt câu hỏi một cách mạnh mẽ, trực diện vào vấn đề, ông Dũng muốn nhấn mạnh, các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT phải đi đầu và số hóa hoàn toàn trong doanh nghiệp. Và thị trường đầu tiên của doanh nghiệp chính là công ty của chính mình, đó cũng chính là nơi để doanh nghiệp trải nghiệm sản phẩm để làm tốt hơn cho khách hàng. Nếu làm được điều đó kinh tế thành phố sẽ thay đổi. Hơn nữa, nếu doanh nghiệp CNTT đi bán hàng cho doanh nghiệp mà chính doanh nghiệp đó lại chưa ứng dụng sản phẩm, chưa chuyển đổi số thì làm sao khách hàng đủ niềm tin?
Góp thêm ý kiến “Làm thế nào để doanh nghiệp ý thức việc tham gia chuyển đổi số”, ông Dũng nói: “Muốn doanh nghiệp chuyển đổi số thì phải tạo áp lực bắt buộc cho doanh nghiệp và Nhà nước cần có biện pháp quyết liệt cũng như khung pháp lý và chế tài cụ thể, nhất là phải quan tâm đào tạo. Bên cạnh đó, việc có nhiều sản phẩm cho doanh nghiệp dễ dàng chọn lựa cũng quan trọng không kém. Song quan trọng hơn là làm thế nào để các sản phẩm, dịch vụ đảm bảo tính kết nối, liên thông với nhau chứ không để tình trạng cục bộ, khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp này thì không kết nối được với doanh nghiệp khác... Bởi vấn đề chính của doanh nghiệp không phải là tiền mà là niềm tin. Một khi khách hàng cảm thấy khó khăn, cục bộ sẽ dẫn đến tâm lý hoang mang và không dám sử dụng dịch vụ”.
Để tiến trình chuyển đổi số đi nhanh và hiệu quả, các ý kiến đều thống nhất phải có hệ sinh thái tốt, phải có tư duy chuyển đổi số ngay chính trong doanh nghiệp. Trong đó, vai trò lớn nhất là ông chủ doanh nghiệp cần chủ động nhanh hơn một bước, linh hoạt và cần có hướng nhìn thực tế, không nên đi chuyên sâu, lâu đến đích, dễ bỏ cuộc. Thứ hai là vai trò của các doanh nghiệp CNTT là tạo ra nền tảng số và Nhà nước phải tạo ra khung pháp lý và cung cấp nhiều dịch vụ hành chính công sẽ tạo ra lực đẩy cho doanh nghiệp chuyển đổi số.