Chuyển đổi số nền kinh tế - Vai trò của các trường đại học

TS. Trịnh Tú Anh (*)| 29/12/2020 04:22

Năm 2020, có 13% trường cao đẳng và đại học trên thế giới tham gia vào chuyển đổi số, 32% phát triển chiến lược chuyển đổi số và 38% khám phá về chuyển đổi số, chỉ 17% các tổ chức giáo dục chưa tham gia vào quá trình này.

Chuyển đổi số nền kinh tế là một quá trình liên tục cần sự tham gia của nhiều chủ thể trong xã hội. Theo Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp (DN) công nghệ số, đến năm 2030, Việt Nam cần ít nhất 100.000 DN công nghệ số để thực hiện sứ mệnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM) và phát triển bền vững. 

Hiện nay, vai trò của các cơ sở đào tạo đại học mới chỉ cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao theo các ngành nghề gắn với công nghệ số trong chương trình chuyển đổi số quốc gia. 

CDS-1-9241-1609211509.jpg

Nguồn lực tri thức cao đang đảm nhận vai trò nghiên cứu, thực hiện, tư vấn trong rất nhiều lĩnh vực chuyển đổi số, phát triển ĐTTM. Nhưng vai trò tư vấn và hỗ trợ của các trường đại học, viện nghiên cứu trong chuyển đổi số vẫn chưa được đề cập đúng mức. Chưa nhiều chương trình nghiên cứu thực tế về vai trò của công nghệ số có sự tham gia của đại diện là các trường đại học, viện nghiên cứu các trường đại học, viện nghiên cứu kết hợp với các bên liên quan. Việc thiếu vắng đại diện của các trường đại học, viện nghiên cứu trong các lĩnh vực chuyên ngành như tư vấn, chiến lược phát triển, thực hiện chương trình chuyển đổi số sẽ làm giảm tính tích hợp giữa khoa học và thực tế cũng như ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án. Sự tích hợp, quản lý, sử dụng dữ liệu chung để giải quyết các vấn đề đô thị hay cộng đồng chưa được hợp thức hóa và sẵn sàng chia sẻ. Nếu cơ sở dữ liệu đơn lẻ, khả năng truy cập thấp như hiện nay thì rất khó để có những phân tích, dự báo và ra quyết định kịp thời để đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh trong kỷ nguyên số. Hơn thế nữa, nghiên cứu của các trường đại học, viện nghiên cứu được thực hiện từ nguồn nhân lực tri thức cao nên cần được tận dụng để có những giải pháp hiệu quả cho xã hội và cũng là trách nhiệm xã hội mà các trường đại học và viện nghiên cứu đang thực hiện. Cần có nguồn dữ liệu lớn và tích hợp để chia sẻ cho các nghiên cứu trong hệ thống các trường đại học, viện nghiên cứu theo từng lĩnh vực.

Hiện vai trò của các trường đại học, viện nghiên cứu tại Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số mới chỉ dừng lại ở khâu đào tạo, bồi dưỡng nhân tài và tạo lập cộng đồng đổi mới sáng tạo, còn việc tư vấn, ra quyết định như các nước phát triển thì chưa được đề cập và dường như chưa được quan tâm. Trong tình hình ấy, khá nhiều trường đại học tại Việt Nam đã đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số trong giáo dục để thực hiện mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với công nghệ số và nguồn nhân lực chủ động theo kỷ nguyên số. Một vài trường đại học bắt đầu nghiên cứu để giải quyết các vấn đề đô thị, sẵn sàng tham gia tư vấn, thực hiện các dự án chuyển đổi số, ĐTTM. Chẳng hạnTrường Đại học Kinh tế TP.HCM thành lập Viện Đổi mới sáng tạo, Viện Đô thị thông minh và quản lý, đi tiên phong trong việc phát triển vườn ươm khởi nghiệp, cung cấp kiến thức về đổi mới sáng tạo, phát triển hệ thống studiolab nhằm hợp tác với các bên liên quan để giải quyết các vấn đề của đô thị theo hướng phát triển ĐTTM.

Link bài viết

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra sự thay đổi trong cơ cấu lao động. Các nghề phổ thông sẽ dần bị thay thế, trong khi dù việc làm mới sẽ nảy sinh nhưng lại đặt yêu cầu rất cao về trình độ lao động với nhiều kỹ năng mới, phức tạp hơn và cũng thay đổi nhanh chóng hơn. Chính vì vậy, đào tạo nguồn nhân lực đứng trước sức ép nặng nề của sự thay đổi đó. Đối với một trường đại học, hai sản phẩm của quá trình đào tạo trong kỷ nguyên số gồm người lao động và chuyên gia.

Sản phẩm đầu ra của các trường đại học là người lao động, ngoài việc phải được trang bị các kiến thức chuyên môn, còn phải được trang bị đầy đủ kỹ năng số. Sự bất bình đẳng trong tiếp cận số sẽ làm sâu sắc hơn sự bất bình đẳng trong xã hội. Vì vậy, cần đảm bảo quyền tiếp cận số với các kỹ năng số cho mọi người. 

Hiện nay, nghiên cứu và phát triển (R&D) đã phát triển mạnh mẽ ở các trường đại học. Tuy vậy, hoạt động này phần lớn chỉ dừng lại ở tư cách cá nhân một số chuyên gia. Trong quá trình chuyển đổi số, cùng với chính quyền, DN, trường đại học có thể phát huy vài trò như là một trung tâm R&D. Để thực hiện được vai trò này, cần có sự hỗ trợ tài chính từ chính quyền, DN, nhất là giải quyết các vấn đề đô thị. 

Bên cạnh các trung tâm R&D, các phòng thí nghiệm mô phỏng và phòng thí nghiệm sống đang ngày càng trở nên phổ biến tại các trường đại học. Đó là cơ sở giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra quyết định một cách chính xác và giảm thiểu rủi ro. 

Xu hướng ứng dụng dữ liệu lớn trong các lĩnh vực như giao thông, chính phủ điện tử, y tế ngày càng phổ biến, tuy nhiên xu hướng này chỉ dừng lại ở các đơn vị chuyên môn mà chưa có sự kết nối giữa các lĩnh vực với nhau để tạo nên một tổng thể dữ liệu quốc gia. Hơn ai hết, trường đại học phải là nơi lưu trữ, tích hợp, khai thác và sử dụng kho dữ liệu quốc gia phục vụ cho R&D. 

Một trong những yếu tố quyết định thành công của quá trình chuyển đổi số trong nền kinh tế là sự hiểu biết và cùng tham gia của mọi tầng lớp trong xã hội. Với lợi thế là một cơ sở giáo dục, không vì các mục đích thương mại, các trường đại học giữ vai trò quan trọng trong việc kết nối các thế hệ (học sinh, sinh viên, học viên cao học, cựu học viên...) cùng tham gia vào quá trình này.

(*) Giảng viên Trường Đại học Kinh tế  TP.HCM 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chuyển đổi số nền kinh tế - Vai trò của các trường đại học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO