Hồn thơ "Tây Tiến"

ĐOÀN GIA| 12/06/2012 04:34

Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, "Tây Tiến" là một bài thơ kỳ diệu và có một vị trí đặc biệt trong lòng công chúng, một bài thơ làm sống dậy cả một trung đoàn, khiến địa danh Tây Tiến trường tồn trong lịch sử và ký ức mỗi người.

Hồn thơ

Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Tây Tiến là một bài thơ kỳ diệu và có một vị trí đặc biệt trong lòng công chúng, một bài thơ được kỷ niệm 60 năm ngày sáng tác (năm 2008), một bài thơ làm sống dậy cả một trung đoàn, khiến địa danh Tây Tiến trường tồn trong lịch sử và ký ức mỗi người. Nó như một viên ngọc sáng trong tâm hồn Việt, tấm lòng Việt và thơ ca Việt.

Đọc E-paper

Tối 5/6, với sự hỗ trợ của Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace, Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam đã tổ chức buổi tọa đàm thơ Quang Dũng, đồng thời giới thiệu Tập thơ văn tinh tuyển Mắt người Sơn Tây do Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn liên kết xuất bản.

“Đi” và “bạn”


Với nhà thơ Vân Long, nhà thơ Quang Dũng là một người bạn, người anh thân thiết. Ông cho biết, hai niềm đam mê lớn nhất của Quang Dũng là “đi” và “bạn”, Quang Dũng luôn mang trong lòng giấc mộng phiêu du và bạn bè dường như là điều quý giá nhất với ông, hơn cả thơ.

Nhà thơ Quang Dũng thường dửng dưng với thơ của mình, ông làm thơ xong thường để đâu đó và không quan tâm đến nó, nên thơ của ông thất lạc rất nhiều. Nhưng với bạn bè, ông là một người đôn hậu, hiền hòa, cởi mở, tình bạn rộng khắp.

Nhà thơ Quang Dũng cùng Trần Lê Văn và Ngô Quân Miện trở thành bộ ba thân thiết nổi tiếng thời kỳ của ông. Thế hệ ông là những người cuối cùng trước cách mạng thu hút được tinh túy của văn hóa phương Tây, và theo nhà thơ Vân Long, điều quan trọng nhất gắn kết ba người chặt chẽ đến vậy là do họ đồng cấp về tinh thần và tâm hồn.

Riêng với Trần Lê Văn, ông là người thân thiết đến mức luôn biết phải tìm thơ của Quang Dũng ở đâu. Theo nhà thơ Vân Long, thơ là hệ quả tất yếu từ hai điều quan trọng nhất trong đời Quang Dũng là “đi” và “bạn”, nhưng dường như khi đặt cạnh hai yếu tố này, thơ bỗng trở nên không chút quan trọng.

Nhà thơ Vân Long cũng nhấn mạnh sức hút mãnh liệt của Quang Dũng trong thơ. Ông đưa ra ví dụ về bài thơ Mai chị về, một bài thơ đậm chất lãng mạn và được Quang Dũng chép tặng rất nhiều bạn bè, khiến tất cả những ai đọc bài thơ đều cho rằng đó là Quang Dũng, ngay cả những người bạn thân thiết với ông.

Ban đầu, bài thơ được đưa vào tập thơ đầu tiên và duy nhất của Quang Dũng lúc sinh thời là Mây đầu ô, nhưng khi đưa nhà thơ xem, ông đã kiên quyết từ chối và có đưa manh mối giúp nhà thơ Vân Long tìm ra tác giả thật của bài đó là ông Phan Quang Chấn, nguyên Trưởng ban Quân y Trung đoàn Tây Tiến.

Ốc đảo riêng mình

Là bậc hậu sinh, nhà thơ Vũ Quần Phương đánh giá rất cao vị trí của Quang Dũng trong thơ ca thời chống Pháp. Theo ông, trong khi thế hệ nhà thơ rất nổi tiếng trước cách mạng lâm vào thế lúng túng khi Cách mạng Tháng Tám diễn ra, thì nổi lên một thế hệ nhà thơ mới với chất hào hoa, lãng mạn như: Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu, Hữu Loan, Hoàng Cầm, Quang Dũng...

“Trong số này, Quang Dũng đứng riêng một ốc đảo, đặc biệt với bài thơ Tây Tiến, ông không có điểm gì chung với những nhà thơ khác, ông đứng biệt lập như một hòn đảo giữa các nhà thơ kháng chiến”, nhà thơ Vũ Quần Phương đánh giá.

Ông cho biết thêm, thơ Quang Dũng cũng mang chất giang hồ, có thể coi là một căn bệnh của thời đại đó, điển hình trong hai bài Giang hồTrở rét. Với Chiêu Quân, thơ Quang Dũng còn mang hơi hướng Đường thi.

Và ở Tây Tiến, bài thơ là sự kết hợp của cả Đường thi với chất lóng lánh lãng mạn, tâm hồn phiêu du, lỏng lẻo với hiện tại nhưng vẫn bám vào chất dân tộc. Đó chính là điểm khiến Tây Tiến thành công đến vậy.

Đồng quan điểm, nhà phê bình Vũ Nho cho rằng, ở bài Tây Tiến, Quang Dũng đã sáng tạo nên rất nhiều điểm mới, độc đáo mà cho đến nay vẫn giữ nguyên giá trị, như những hình ảnh: “nhớ chơi vơi”, “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”, “sông Mã gầm lên khúc độc hành”, “gục lên súng mũ bỏ quên đời”...

“Nhờ Quang Dũng, Trung đoàn Tây Tiến đã nổi tiếng khắp nơi, và cuộc chinh chiến của các chàng trai Hà Nội đọng lại những hình ảnh đẹp về trận chiến hùng tráng và những phút thơ mộng, lãng mạn của họ”, ông khẳng định

Ngược dòng, tìm lại những bài thơ từ năm 1937, thời điểm thịnh vượng của phong trào Thơ mới, cụ thể là bài thơ Chiêu Quân, được giới thiệu trong tập Thơ Quang Dũng do Nhã Nam tinh tuyển, nhà thơ Vũ Quần Phương nhận ra được con đường đưa Quang Dũng tới “Tây Tiến”, đỉnh cao của thơ Quang Dũng.

Quang Dũng là người sống nội tâm, mọi sự với ông đều hư ảo. Ở ba bài thơ thành công nhất là: Tây Tiến, Đôi bờ, Mắt người Sơn Tây, Quang Dũng đã cho thấy tâm hồn lãng mạn một cách phiêu du nhưng mang đậm hơi hướng dân tộc. “Rất tiếc khi Quang Dũng không còn bài thơ nào vượt qua, hay chí ít là na ná như bài Tây Tiến”, ông chia sẻ.

Suốt một đời lính, đời thơ, Quang Dũng đã sống trọn vẹn với hình ảnh một con người tuy vất vả, nhưng không bao giờ bận tâm về cái vất vả đó. Tác phẩm của ông đã có những điểm tỏa sáng và xứng đáng với danh tặng về một tài năng thơ ca độc đáo thời chống Pháp.

Và dù chỉ có một Tây Tiến được nhớ đến trong cả kho sáng tác của mình thì Quang Dũng vẫn đã để lại một dấu ấn đậm nét trong lịch sử thi ca Việt Nam. Như lời nhà thơ Vũ Quần Phương, thời thế cũng có phần trách nhiệm khi làm biến mất cái hướng đi độc đáo mà Quang Dũng có được trong bài Tây Tiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hồn thơ "Tây Tiến"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO