Trước đó, vào sáng 26/5/2023, trong khuôn khổ chương trình kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Trình bày tờ trình về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nghị quyết hướng đến xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn về phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM, góp phần xây dựng và phát triển TP.HCM như mục tiêu đã đặt ra tại các nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội.
Việc xây dựng dự thảo nghị quyết dựa trên quan điểm bảo đảm tuân thủ các quy định của Hiến pháp 2013, phù hợp với định hướng phát triển tại Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội vùng Đông Nam bộ, Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội TP.HCM và Nghị quyết số 81 của Quốc hội về quy hoạch tổng thể quốc gia.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, nghị quyết quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP.HCM thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Việc xây dựng cơ chế, chính sách không phải chỉ riêng cho TP.HCM mà còn tạo điều kiện cho thành phố phát huy vai trò là đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của cả nước. Cho phép tiếp tục áp dụng các cơ chế, chính sách thực hiện đạt kết quả tại Nghị quyết số 54/2017/QH14.
Nội dung chính của dự thảo nghị quyết có 7 nhóm cơ chế, chính sách từ Điều 4 đến Điều 10. Xét về tính mới và kế thừa, dự thảo nghị quyết gồm 4 nhóm cơ chế, chính sách: nhóm cơ chế chính sách được kế thừa từ Nghị quyết số 54; nhóm cơ chế, chính sách được quy định tại các nghị quyết đặc thù của các địa phương khác; nhóm các cơ chế, chính sách được quy định tại các dự thảo luật đang trình Quốc hội cho ý kiến; nhóm các cơ chế, chính sách mới, đột phá, có tác động lan tỏa.
Theo báo cáo của Chính phủ, Nghị quyết được xây dựng dựa trên 5 quan điểm:
1. Bảo đảm tuân thủ các quy định của Hiến pháp 2013, phù hợp với định hướng phát triển tại Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội vùng Đông Nam bộ, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội TP.HCM và Nghị quyết 81 của Quốc hội về quy hoạch tổng thể quốc gia.
2. Quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thành phố thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
3. Việc xây dựng cơ chế, chính sách không phải chỉ riêng cho TP.HCM mà còn tạo điều kiện cho thành phố phát huy vai trò là đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của cả nước.
4. Cho phép tiếp tục áp dụng các cơ chế, chính sách thực hiện đạt kết quả tại Nghị quyết 54; bổ sung các cơ chế chính sách phù hợp đang được thí điểm tại một số địa phương và một số cơ chế chính sách có trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi dự kiến trình Quốc hội thời gian tới.
5. Quy định cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM phải có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tính khả thi và thực hiện tăng cường phân cấp, ủy quyền cho TP.HCM, gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát minh bạch, hiệu quả.